Phát sóng lúc 13 giờ ngày 29.12.2012, cụm chương trình Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử do nhóm tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hà, Lê Tuyết, Đàm Thị Hoa, Đỗ Việt Nga (Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV) thực hiện, đã dẫn dắt thính giả hình dung một phần quan trọng của cục diện lịch sử trên bàn đàm phán dẫn tới ký kết Hiệp định Paris 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Nhóm tác giả đoạt giải, từ trái sang: Lê Tuyết, Việt Nga, Mỹ Hà, Đàm Hoa
●
Nhà báo Mỹ Hà - chủ biên chương trình: Khách mời – nhân tố quan trọng"Là một phóng viên sinh ra sau thời điểm đất nước thống nhất năm 1975, việc được giao làm chủ biên kịch bản tổng thể chương trình phát thanh đặc biệt "Bản anh hùng ca Hà Nội tháng 12.1972" đối với tôi dường như là quá sức. Tham khảo các tài liệu có được trong thư viện, thường xuyên lui tới những hiệu sách quen và tham khảo ý kiến chuyên gia, các đồng nghiệp lớn tuổi, cuối cùng kịch bản tổng thể 14 tiếng của chương trình phát thanh đặc biệt cũng hoàn thành và được lãnh đạo đài phê duyệt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc VOV1 Uông Ngọc Dậu, chúng tôi bắt tay vào tổ chức sản xuất, liên hệ với phóng viên thường trú VOV ở Mỹ, Pháp, Nga và các cơ quan thường trú để tái hiện lại "Bản anh hùng ca Hà Nội tháng 12.1972" của 40 năm về trước. Nhóm chúng tôi được giao thêm nhiệm vụ tổ chức sản xuất và xây dựng kịch bản chi tiết cho cụm chương trình Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử với ý nghĩa: chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã tạo nên một bước ngoặt thần kỳ và quyết định chiến thắng trên bàn đàm phán Paris, dẫn tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Khó khăn cho chúng tôi là 40 năm đã trôi qua, những nhân chứng lịch sử tiêu biểu người còn, người mất. Điều này lại càng thôi thúc chúng tôi lưu lại trong không gian của một chương trình đặc biệt những báu vật quốc gia, những nhân chứng quý giá mà vài chục năm nữa khó có thể tìm được... Hai vị khách mời của cụm chương trình, ông Hà Đăng và ông Trịnh Ngọc Thái - nguyên thành viên đoàn đàm phán Paris là một lựa chọn chính xác, góp phần quan trọng cho thành công của chương trình. Với tư duy minh triết, lối diễn đạt sắc sảo, hai vị khách mời đã mang lại cho thính giả những chi tiết vô cùng đắt giá của 40 năm trước, trong cuộc đàm phán lịch sử kéo dài gần 5 năm ở Thủ đô Paris (Pháp). Từ câu chuyện về sự lạc quan của Bộ trưởng Xuân Thủy, của bà Nguyễn Thị Bình trong suốt thời gian ở Paris đến những cuộc đấu trí căng thẳng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger... tất cả đều được nhớ lại đến từng chi tiết, sự kiện, con số cụ thể. Bên cạnh góc nhìn của các nhà ngoại giao về sự kiện Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, các phóng viên VOV thực hiện chương trình còn đưa thính giả gặp lại những sử gia Mỹ và những người đã tham gia chiến dịch "ném bom Giáng sinh", một dịp để nhìn lại sự ăn năn của những người từng tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Sau khi bàn bạc xem việc thể hiện một chương trình đầy ắp kiến thức lịch sử trên sóng phát thanh sao cho hiệu quả, hấp dẫn nhất, tôi nhớ câu nói của thầy dạy báo chí người Pháp ở Đài Radio France mà tôi có dịp học ở Bordeaux năm ngoái: "Radio giống như con người vậy: cũng có vui, buồn, có lúc cao hứng, có lúc chìm trong thất vọng. Các bạn phải làm sao truyền được cảm xúc đời thường đó cho người nghe đài để họ ở bên các bạn". Chúng tôi bắt đầu chương trình bằng một phóng sự tái hiện lại khung cảnh đổ nát ở Khâm Thiên, ở Ngọc Hà (Hà Nội), những nỗi đau còn lại đến bây giờ, những câu chuyện nối tiếp, cam go trên bàn đàm phán, xen kẽ là những phóng sự của phóng viên hiện trường tại Pháp, Mỹ... Thực tại, quá khứ đan xen, tôi và người dẫn chương trình Hoàng Dũng cố gắng dẫn dắt câu chuyện một cách tự nhiên như đời thường vậy. Một giờ đồng hồ trôi qua thật nhanh, chúng tôi cảm ơn các phóng viên hiện trường đã giúp chúng tôi kể những câu chuyện lịch sử như đời thường vậy".
●
Nhà báo Lê Tuyết: Chi tiết + Chi tiết = Hấp dẫn"Nhận kịch bản cụm chương trình phát thanh đặc biệt Bước ngoặt thần kì của lịch sử cách ngày phát sóng trực tiếp có 1 tuần với tôi đó là trải nghiệm mới mẻ, một tuần trọn vẹn những thông tin về Hiệp định Paris, về tên các nhân vật và những câu chuyện thú vị mà giờ tôi mới được cập nhật.
Viết về đề tải lịch sử đã khó, huống hồ lại làm một chương trình trực tiếp kéo dài cả tiếng đồng hồ, thực sự là một vấn đề. Làm thế nào để kéo thính giả ngồi trước radio, nghe từ đầu đến cuối một chương trình lâu đến như vậy? Làm thế nào để nói về lịch sử mà không thiên về các con số hay những sự kiện mang tính chất gạch đầu dòng? Làm thế nào để các khách mời nói ra những điều thính giả cần nghe, cần biết? Quả thật tôi rất lo lắng. Giám đốc Uông Ngọc Dậu gợi ý: "Hãy tìm chi tiết, những chi tiết đời thường của các nhân vật lịch sử sẽ có những câu chuyện thú vị".
Không giống như báo viết, để có một chương trình phát thanh hoàn chỉnh, cần có sự tham gia của cả tập thế. Tác phẩm Bước ngoặt thần kì của lịch sử cũng vậy. Thành công của chúng tôi có sự góp sức của các phóng viên thường trú, các hệ của VOV, các kỹ thuật viên, đặc biệt là sự tương tác của thính giả.
Một chương trình phát thanh trực tiếp mà không có sự tham gia của thính giả là một "chương trình chết". Trong suốt thời gian phát sóng chương trình phát thanh đặc biệt này, chúng tôi đã nhận được 945 cuộc điện thoại từ thính giả trực tiếp tham gia và bày tỏ cảm xúc khi nghe chương trình. Xin trích ý kiến của một thính giả trên trang điện tử vov.vn của VOV ngày 29.12.2012: "Tôi không tài nào rời khỏi radio, một chương trình quá hay và xúc động, giúp cả những người thời ấy sống lại ký ức những năm tháng hào hùng. Một cách dạy lịch sử rất hay và hiệu quả. Mong rằng chúng tôi sẽ được nghe nhiều chương trình công phu như thế này".
Với chúng tôi, những lời nhận xét như vậy là phần thưởng quý giá, là động lực để chúng tôi tiếp tục giữ lửa với nghề".
● Nhà báo Việt Nga: Một trải nghiệm quý để rèn giũa nghề nghiệp
"Đối với tôi, việc tham gia sản xuất chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là một trải nghiệm, là cơ hội rèn giũa nghề nghiệp. Dù chương trình phát thanh đặc biệt này diễn ra vào ngày 29.12.2012, nhưng từ tháng 09.2012 tôi đã bắt đầu việc trao đổi với thường trú nước ngoài, mà người đầu tiên là anh Nhật Quỳnh, thường trú tại Mỹ, do công việc của các anh, chị phóng viên thường trú rất vất vả, không được thuận lợi như khi tác nghiệp ở trong nước. Có khi phải di chuyển cả ngàn cây số mới tới được nơi cần phỏng vấn. Trao qua đổi lại tới cả chục bức thư vì chênh lệch múi giờ, có những lúc rất bế tắc vì không tìm được nhân vật, hoặc nhân vật không đồng ý trả lời phỏng vấn, lại có lúc quan điểm của nhân vật không giống với ý đồ của đạo diễn. Vậy là lại tiếp tuc tìm kiếm, rồi thảo luận để hai bên có thể khớp với nhau. Khi phóng viên thường trú tại Mỹ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhật vật, tôi nghĩ đến việc tìm kiếm các nhân vật từ các mối liên hệ ở Việt Nam. Tôi điện thoại cho các bạn phóng viên đồng nghiệp ở các báo khác để nhờ giới thiệu, xin địa chỉ của các cựu chiến binh Mỹ. Tôi cũng liên hệ với Hội hữu nghị Việt-Mỹ để nhờ các anh bên đó kết nối và thuyết phục để các nhân vật đồng ý trả lời phỏng vấn. Rất nhiều thư điện tử đã được gửi đi, song hồi âm không nhiều. Trong số những người đồng ý lại không có nhân vật nào thực sự phù hợp với yêu cầu của kịch bản. Trong khi đó, tin vui đến bất ngờ, tại Mỹ, một cựu phi công Mỹ lái chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại Hà Nội đồng ý trả lời phỏng vấn. Ngay lập tức, hai phóng viên của đài thường trú tại Mỹ mua vé máy bay và bay hơn 1.000km đến gặp nhân vật phỏng vấn đúng giờ hẹn.
Trường hợp Thùy Vân, phóng viên thường trú tại Pháp là phóng viên có nhiều năm kinh nghiệm về nghề cũng lên kế hoạch bài viết rất sớm và gửi về Việt Nam để cùng phối hợp với các đơn vị ở trong nước. May mắn là trước khi chương trình diễn ra, Thùy Vân đã được tới rất nhiều địa danh gắn với Hiệp định Paris, gặp những người dân, chuyên gia nghiên cứu người Pháp và cả bà con Việt kiều để tìm hiểu về tác động của chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" đối với việc các bên đồng ý nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris. Chị Điệp Anh, phóng viên thường trú tại Nga cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ xúc động và thú vị với các chuyên gia Nga để tìm hiểu về đánh giá của các nhà nghiên cứu Nga về chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" của Việt Nam... Các anh, chị phóng viên thường trú đã làm rất nhiều việc trong vài tháng liên tục để có được những sản phẩm có thời lượng chỉ vài phút đóng góp vào chương trình. Tôi cho rằng, đóng góp của các anh, chị phóng viên này là vô cùng quan trọng, nếu thiếu họ thì sẽ không có được tác phẩm sinh động, nhiều chiều và cảm động như vậy".
● Nhà báo Đàm Hoa: Bài học về sự chuẩn xác
"Thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt này, tôi đã học được rất nhiều thứ, đặc biệt là những thông tin, những chi tiết lịch sử mà cho đến bây giờ qua lời kể của các vị khách mời. Kịch bản chi tiết được hai vị khách mời đọc và "soi" từng chữ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự cẩn trọng trong từng lời nói, từng chữ viết trong kịch bản, giúp cho chúng tôi có những chỉnh sửa kịp thời, chính xác. Những "bắt lỗi" của khách mời - những người trong cuộc - không hề gây khó chịu, mà ngược lại, chúng tôi vô cùng biết ơn họ. Đặc biệt, trước khi phát sóng trực tiếp chương trình, các vị khách mời còn cẩn thận dò lại từng đoạn, từng câu trong kịch bản. Điều này cho thấy, với lịch sử cần phải chuẩn xác trong từng câu, từng chữ.
Trong suốt thời gian phát sóng của chương trình, chúng tôi như bị cuốn theo những số phận, những câu chuyện chưa từng có trong sách, và cả những bài thơ viết trong thời gian tham gia đàm phán của các thành viên trong đoàn. Thật thú vị".
MỸ GIANG (nguoilambao.vn)