Giải Nobel vật lý 2021 tôn vinh các công trình chống biến đổi khí hậu

Thứ tư, 06/10/2021 14:04 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hôm qua (05/10), ba nhà khoa học đã giành giải Nobel vật lý nhờ các công trình tìm ra các trật tự trong sự rối loạn, giải thích và dự đoán các hiện tượng phức tạp của tự nhiên, qua đó giúp chúng ta hiểu biết hơn về biến đổi khí hậu và cách giải quyết nó.

“Tìm ra khó hơn 1000 lần gây ra”

Syukuro Manabe - nhà khoa học gốc Nhật Bản và Klaus Hasselmann – nhà khoa học người Đức là 2 trong số 3 nhà khoa học được trao giải. Cả hai giành chiến thắng nhờ các công trình phát triển mô hình dự báo về khí hậu và “dự đoán một cách đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu”.

giai nobel vat ly 2021 ton vinh cac cong trinh chong bien doi khi hau hinh 1

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý năm 2021 - Ảnh: Reuters

Nửa giải thưởng còn lại thuộc về nhà vật lý học người Ý Giorgio Parisi, vì đã giải thích được sự rối loạn trong các hệ thống vật chất, từ những hệ thống siêu nhỏ bên trong nguyên tử cho đến các vật thể kích thước hành tinh.

Manabe nói rằng việc tìm ra lý thuyết vật lý đằng sau các biến đổi khí hậu dễ ​​dàng hơn “1000 lần” so với việc thế giới gây ra cho nó. Ông cho biết sự phức tạp của chính sách và xã hội khó hiểu hơn nhiều so với sự phức tạp của carbon dioxide tương tác với khí quyển, sau đó làm biến đổi đại dương và đất liền. Ông còn gọi biến đổi khí hậu là “một cuộc khủng hoảng lớn”.

Giải thưởng Nobel vật lý nói trên được trao chỉ chưa đầy 4 tuần trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow, Scotland. Đó là nơi mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được yêu cầu tăng cường cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel cũng đã sử dụng khoảnh khắc của họ trong ánh đèn sân khấu để thúc giục thế giới hành động. Parisi nói: “Rất khẩn cấp, chúng ra phải đưa ra những quyết định thật mạnh mẽ và di chuyển với tốc độ thật nhanh chóng”.

Cả ba nhà khoa học đều nghiên cứu về một vấn đề chung là “hệ thống phức tạp”, trong đó khí hậu chỉ là một phần. Dù giải thưởng thực sự thuộc về hai lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, song chúng có mục tiêu chung là tìm ra những gì có vẻ ngẫu nhiên và hỗn loạn để có thể dự đoán được cách thức hoạt động của chúng.

Nghiên cứu của Parisi chủ yếu xoay quanh các hạt hạ nguyên tử, dự đoán cách chúng di chuyển theo những cách dường như hỗn loạn, trong khi công trình của Manabe và Hasselmann tập trung vào các nguồn lực quy mô lớn định hình cuộc sống hàng ngày của chúng ta trên toàn cầu.

Các giám khảo nhận xét rằng, Manabe (90 tuổi) và Hasselmann (89 tuổi) “đã cho chúng ta nền tảng kiến thức về khí hậu trái đất và cách con người ảnh hưởng đến nó”.

giai nobel vat ly 2021 ton vinh cac cong trinh chong bien doi khi hau hinh 2

Ông Syukuro Manabe đã dành gần như cả sự nghiệp để nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Ảnh: AP

Sự hỗn loạn cũng có thể dự đoán

Bắt đầu từ những năm 1960, Manabe, hiện đang thuộc Đại học Princeton, đã tạo ra các mô hình khí hậu đầu tiên dự báo điều gì sẽ xảy ra khi carbon dioxide tích tụ trong khí quyển.

Các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ đã chỉ ra rằng carbon dioxide giữ nhiệt, nhưng công trình của Manabe còn đưa ra các chi tiết cụ thể. Nó cho phép các nhà khoa học chỉ ra được biến đổi khí hậu sẽ tồi tệ hơn như thế nào và với tốc độ ra sao, tùy thuộc vào mức độ carbon được thải ra.

Manabe là người tiên phong đến mức các nhà khoa học khí hậu khác gọi bài báo năm 1967 của ông là “bài báo khí hậu có ảnh hưởng nhất từ ​​trước đến nay” . Tom Delworth, đồng nghiệp của Manabe còn ví ông là “siêu sao Michael Jordan của khí hậu”.

Gabriel Vecchi, nhà khoa học khí hậu ở Princeton, đánh giá: “Manabe đã tạo tiền đề cho khoa học khí hậu ngày nay, không chỉ là công cụ mà còn cả cách sử dụng. Tôi không biết bao lần nghĩ rằng mình đã tìm ra một cái gì mới, song thực ra chúng đã nằm cả trong những bài báo của ông ấy rồi”.

Nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather của Breakthrough Institute còn ca ngợi Manabe rằng: “Các mô hình của Manabe từ 50 năm trước đã dự đoán đúng sự ấm lên của toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo”.

Trong khi, Manabe phát biểu khiêm tốn tại một cuộc họp báo ở Princeton rằng: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng thứ mà tôi nghiên cứu này lại có một hậu quả to lớn như vậy. Tôi bắt đầu làm điều đó chỉ vì sự tò mò thôi”.

Khoảng một thập kỷ sau công trình đầu tiên của Manabe, nhà khoa học Hasselmann, thuộc Viện Khí tượng Max Planck ở Hamburg (Đức), đã giúp giải thích tại sao các mô hình khí hậu có thể đáng tin cậy, bất chấp bản chất hỗn loạn của thời tiết. Ông cũng phát triển các cách để tìm kiếm các dấu hiệu cụ thể về ảnh hưởng của con người đối với khí hậu.

Trong khi đó, Parisi, 73 tuổi và thuộc Đại học Sapienza của Rome (Italia), đã “xây dựng một mô hình toán học và vật lý sâu sắc” để có thể hiểu các hệ thống phức tạp trong các lĩnh vực khác nhau như toán học, sinh học, thần kinh...

Cả ba nhà vật lý đều sử dụng toán học phức tạp để giải thích và dự đoán những gì có vẻ giống như các lực hỗn loạn trong tự nhiên. Nó được gọi là mô hình hóa.

“Các mô hình khí hậu dựa trên vật lý giúp chúng ta có thể dự đoán trước cả thập kỷ về mức độ và tốc độ nóng lên toàn cầu, gồm cả một số hậu quả như nước biển dâng, lượng mưa cực đoan hay giông bão”, nhà khoa học khí hậu người Đức Stefan Rahmstorf cho biết.

Giải thưởng dành cho các nhà khoa học đoạt giải Nobel gồm với một huy chương vàng và 10 triệu kronor Thụy Điển (hơn 1,14 triệu USD). Số tiền này đến từ một di chúc của nhà phát minh Alfred Nobel, người đã qua đời vào năm 1895.

Trước đó vào hôm thứ Hai (4/10), giải Nobel y học đã được trao cho 2 nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian, về những công trình khám phá cách cơ thể con người cảm nhận nhiệt độ và xúc giác.

Trong những ngày tới, ban giám khảo Nobel sẽ công bố và trao các giải thưởng trong lĩnh vực hóa học, văn học, hòa bình và kinh tế của năm 2021.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Anh tuyên bố viện trợ thêm cho Ukraine

Thủ tướng Anh tuyên bố viện trợ thêm cho Ukraine

(CLO) Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố sẽ tăng 500 triệu bảng Anh (617 triệu USD) viện trợ quân sự cho Ukraine trong chuyến thăm Ba Lan vào thứ Ba (23/4).

Thế giới 24h
Thêm các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ ở Iraq

Thêm các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ ở Iraq

(CLO) Lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria phải đối mặt với hai cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV chứa thuốc nổ trong vòng chưa đầy 24 giờ, theo các nguồn tin an ninh Iraq và các quan chức Mỹ nói với Reuters hôm thứ Hai.

Thế giới 24h
Lũ lụt bất thường ở Quảng Đông (Trung Quốc), video cho thấy cây cầu bị cuốn trôi

Lũ lụt bất thường ở Quảng Đông (Trung Quốc), video cho thấy cây cầu bị cuốn trôi

(CLO) Lũ lụt đã tràn ngập nhiều thành phố ở vùng đồng bằng sông Châu Giang đông dân cư phía nam Trung Quốc sau những trận mưa kỷ lục.

Thế giới 24h
Nga tăng cường không kích, ông Biden hứa sớm chuyển vũ khí phòng không cho Ukraine

Nga tăng cường không kích, ông Biden hứa sớm chuyển vũ khí phòng không cho Ukraine

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ gửi vũ khí phòng không cho Ukraine ngay sau khi Thượng viện nước này phê chuẩn gói viện trợ 61 tỷ USD.

Thế giới 24h
Triều Tiên lần đầu tập trận mô phỏng 'kích hoạt hạt nhân'

Triều Tiên lần đầu tập trận mô phỏng 'kích hoạt hạt nhân'

(CLO) Triều Tiên đã thực hiện cuộc tập trận phản công hạt nhân đầu tiên để mô phỏng hệ thống “kích hoạt hạt nhân” do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo, theo hãng thông tấn KCNA của nước này cho biết vào thứ Ba (23/4).

Thế giới 24h