Giải pháp nào để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững ?
(CLO) Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có nghiên cứu bài bản để hình thành chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 35.000 tấn sầu riêng, đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Giá trị ước tính khoảng 130 triệu USD, giảm khoảng 370 triệu USD so với cùng kỳ năm 2024.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sầu riêng Việt Nam giảm về cả kim ngạch lẫn giá trị đó là việc Trung Quốc đã có quy định mới, yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm. Được biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.
Trên thực tế, từ cuối năm 2024 đến nay, thị trường này yêu cầu 100% lô hàng sầu riêng có xuất xứ từ Việt Nam phải có giấy kiểm nghiệm không tồn dư chất cadimi và vàng O (2 chất có thể gây ung thư) thì mới được thông quan.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay, một số giải pháp đã và đang được Việt Nam triển khai như xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác, tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp, rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm.
Bên cạnh đó, xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số; làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu; đồng thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp để giám sát và nâng cao tuân thủ quy định kỹ thuật.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, bộ và các cơ quan chuyên ngành đã tích cực hành động, xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía bạn hàng Trung Quốc.
Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam không ngồi yên chờ đợi, mà luôn chủ động và cầu thị trong hợp tác quốc tế.
Về định hướng dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất cần có nghiên cứu bài bản để hình thành chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, ngành sầu riêng cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng và đất dốc…
Cũng vì lý do này, mới đây, Chính phủ đã có Công điện về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững. Trong Công điện này, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để thống nhất quy trình kiểm tra, công nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và phòng thử nghiệm đạt chuẩn, nhằm tạo thuận lợi cho sầu riêng Việt Nam vào thị trường này. Bộ cũng chỉ đạo bố trí đủ nhân lực và thiết bị kiểm dịch tại cửa khẩu, nâng cao năng lực phòng thử nghiệm phục vụ xuất khẩu.
Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo Cục Hải quan ưu tiên thông quan sầu riêng nhanh nhất có thể; phối hợp đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi, giãn thuế cho doanh nghiệp chế biến, bảo quản; đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu.
Bộ Công an chịu trách nhiệm điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, giả mạo hồ sơ xuất khẩu và phối hợp đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, ngăn chặn thao túng thị trường.