Giải quyết đồng bộ các vấn đề để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội
(NB&CL) Thực trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã và đang hết sức nhức nhối mà nguyên nhân đã được chỉ ra từ hạ tầng chưa đáp ứng, phương tiện tăng nhanh, vi phạm trong quy hoạch phát triển đô thị,... Do đó thành phố phải giải quyết đồng bộ các vấn đề.
Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng
Hiện Thủ đô Hà Nội đã trở thành một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu xe. Tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại.
Ghi nhận thực tế của PV trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) thường xuyên trong tình cảnh chật cứng các phương tiện vào giờ cao điểm. Hình ảnh xe máy phải lên vỉa hè còn lòng đường chật kín ô tô ở mọi làn xe đã trở thành quen thuộc với rất nhiều người lưu thông qua đây.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội ngày càng nhức nhối đòi hỏi các giải pháp khắc phục kịp thời. Ảnh: Quang Hùng.
Bác Duy (trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) ngán ngẩm trước thói quen đi xe “điền vào chỗ trống” của rất nhiều người. Đường Xuân Thủy, Cầu Giấy ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm cứ bảo do xe máy nhưng ô tô đi tới tận 5 làn. Xe máy chẳng có chỗ đi luôn lên vỉa hè.
Việc gia tăng số lượng phương tiện cá nhân một cách chóng mặt trong vài năm gần đây; đặc biệt là ô-tô cá nhân khiến việc đi lại hàng ngày của rất nhiều người dân Thủ đô trở nên khó khăn hơn,
Không chỉ trong quá trình di chuyển trên đường, việc ô-tô dừng đỗ vô tội vạ đang trở nên phổ biến như minh chứng cho hạ tầng các điểm đỗ xe của Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu. Và cứ như vậy tình trạng ùn tắc giao thông càng trầm trọng.
Một trong những giải pháp đưa ra để giảm thiểu ùn tắc giao thông là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng dưới 15% nhu cầu đi lại. Sức hút của vận tải hành khách công cộng chưa thực sự lan toả được đến đại bộ phận người dân.
Năm 2022 là năm mới bắt đầu của Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng của Thủ đô phải đáp ứng tối thiểu 40% nhu cầu đi lại.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và mở rộng mạng lưới tuyến, bao gồm cả xe buýt, tàu điện. Quảng bá rộng rãi lợi thế của vận tải hành khách công cộng nhằm thu hút người dân.
Đồng thời tăng cường tính gắn kết trong mạng lưới giữa các tuyến xe buýt thường với buýt nhanh, đường sắt đô thị. Rà soát mạng lưới, loại hình phương tiện vận tải hành khách để điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng và đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn.
Phát triển vận tải công cộng phải đi với giảm phương tiện cá nhân
Mỗi năm TP. Hà Nội đề ra mục tiêu xóa từ 8 đến 10 điểm đen ùn tắc giao thông và giảm từ 5% - 10% tai nạn giao thông. Trên cơ sở khảo sát của liên ngành Công an, giao thông vận tải và đề xuất của các quận chọn những điểm nguy cơ nhất thì làm trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đô, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Bởi chừng nào giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chừng ấy người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông chưa thể giảm.
Ngoài ra, Hà Nội đang tiến hành cho thuê một phần diện tích vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe trong nội đô. Với cách quản lý lỏng lẻo, rất nhiều bãi đỗ xe được cấp phép đã lấn diện tích; rồi nhiều bãi đỗ xe tự phát “mọc lên như nấm” khiến bức tranh giao thông đô thị biến dạng nhếch nhác.

Phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, giảm thiểu phương tiện cá nhân để góp phần giảm thiểu ùn tắc tại Hà Nội. Ảnh: TL.
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội chia sẻ, ùn tắc giao thông là nỗi bức xúc của người dân Thủ đô suốt nhiều năm nay.
Để giảm thiểu tình trạng này, với các trục chính nội đô đủ điều kiện có thể xem xét xây dựng, lắp đặt những cầu vượt hỗn hợp dành cho cả xe máy và người đi bộ để hạn chế tình trạng đi ngược chiều hoặc ùn tắc tại điểm mở quay đầu.
Đặc biệt cần quyết liệt hơn nữa trong công tác xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe, gây cản trở giao thông. Với những “điểm đen” do ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần xử lý mạnh tay.
Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị khẳng định đang có nhiều mâu thuẫn về nguyên nhân hay các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Người đi xe máy đổ tại ô-tô còn tài xế ô tô đổ tại xe máy là lý do gây tắc đường, phân làn chỗ nọ lại tắc chỗ kia, hạn chế phương tiện cá nhân nhưng giao thông công cộng lại chưa đáp ứng kỳ vọng,...
Điển hình như việc cấm taxi, xe hợp đồng trên một số tuyến phố, tuy nhiên đây vẫn là phương tiện giao thông công cộng, mang tính công cộng cao. Thay vì cấm taxi và taxi công nghệ nên chăng rất cần hạn chế ô-tô cá nhân sẽ phù hợp hơn.
Việc hạn chế tiến tới cấm xe máy thì phải xem lại người dân sẽ đi bằng gì khi đây vẫn là phương tiện phù hợp với đại đa số người dân. Trong trường hợp chúng ta cấm xe máy, nếu không cẩn thận sẽ thúc đẩy người dân sử dụng ô-tô cá nhân nhiều hơn trước.
Còn theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu là giãn dân, giảm lượng phương tiện khỏi vùng lõi. Nhưng các ô đất vốn là bãi đỗ xe, nhà máy, xí nghiệp, công sở, công trình thấp tầng, “hô biến” chúng thành chung cư cao tầng, gây áp lực khủng khiếp lên các tuyến đường.
Những cái sai như “nhồi” cao ốc sau khi di dời cơ quan, không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... đã được chỉ ra. Chúng ta đang thiếu cơ chế minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất để cộng đồng, xã hội giám sát. Bởi vậy mới phát sinh các vụ việc thực hiện “đúng quy trình” song vẫn cho ra kết quả sai tai hại.
Giờ đây, hàng chục tòa nhà cao tầng nhồi vào một khu vực nhỏ dẫn đến chất lượng sống đô thị suy giảm nhưng “cắt ngọn” hay chỉnh sửa các công trình đã dày đặc dân cư là việc làm không tưởng. Do đó cần phải chấm dứt “độc quyền quy hoạch” và mở rộng lĩnh vực này để huy động trí tuệ xã hội vào quá trình xây dựng cũng như quản lý quy hoạch...
Bảo Ngọc