Giảm phát thải POP và thủy ngân: Chìa khóa thúc đẩy công nghiệp phát triển bền vững
(CLO) Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân là hai loại hóa chất độc hại có khả năng phát tán rộng trong môi trường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái.
POP thường được sử dụng làm nguyên liệu hoặc phụ gia trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất nhựa, resin, chất hóa dẻo, dầu bôi trơn, chất chống cháy, chống thấm, chất phủ bề mặt và chất kết dính. Với đặc tính khó phân hủy, độc tính cao và khả năng tích lũy sinh học, POP có thể gây rối loạn nội tiết, ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác nếu con người phơi nhiễm trong thời gian dài.
Trong khi đó, thủy ngân (Hg) là một nguyên tố kim loại dạng lỏng, khí thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm không khí, đất và xâm nhập vào nguồn nước, rất nguy hiểm ngay cả khi phát thải ở nồng độ thấp.

Tại Việt Nam, tăng trưởng công nghiệp và mức tiêu dùng ngày càng cao đã dẫn đến khả năng nhiều ngành sử dụng và phát thải một lượng lớn hóa chất. POP và thủy ngân vẫn còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nhựa, dệt nhuộm, điện tử, luyện kim..
Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là áp dụng phương pháp quản lý vòng đời sản phẩm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên liệu đến sản xuất, tiêu dùng và xử lý sau sử dụng. Cách tiếp cận này giúp nhận diện sớm các nguy cơ hóa chất độc hại, từ đó thay thế bằng các vật liệu an toàn hơn.
Bên cạnh đó, việc chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam được xem là một công cụ nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động chứng nhận và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Tại hội thảo khởi động dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái”, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, để giảm thiểu hiệu quả phát thải POP và thủy ngân, cần có sự phối hợp liên ngành và vai trò dẫn dắt mạnh mẽ từ các cơ quan như Cục Môi trường, Cục Hóa chất, Cục Y tế dự phòng… bởi đây là nhóm hóa chất liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau.
Theo ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian qua, Bộ đã đóng vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP. Bộ đã luật hóa các quy định của Công ước vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, đồng thời xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ Môi trường cũng đã quy định cụ thể về cơ chế mua sắm xanh, khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có nhãn sinh thái. Đây được xem là một bước đi quan trọng nhằm mở rộng thị trường xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và tạo điều kiện triển khai các công cụ tài chính xanh trong tương lai gần.