Giảm thiểu nỗi đau sau những vụ sạt lở đất

Thứ năm, 15/08/2024 10:04 AM - 0 Trả lời

(CLO) Liên tiếp các vụ sạt lở đất xảy ở nhiều địa phương khu vực phía Bắc thời gian qua đã gây thiệt hại lớn về người và của. Đáng tiếc hơn cả, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại không thể đong đếm được lại đến từ chính ý thức của người dân, sự buông lỏng quản lý của chính quyền về quy hoạch xây dựng.

Thiệt hại đã được báo trước

Sáng 10/8, tại bản Tà Xùa (xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), một khối lượng đất đá lớn sạt trượt từ trên đỉnh núi xuống, vùi lấp toàn bộ 1 căn homestay ở sườn đồi. Hậu quả khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương.

Thông tin từ địa phương, căn homestay bị vùi lấp xây dựng không phép, nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Chính quyền đã tuyên truyền, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và đề nghị di dời, yêu cầu chủ homestay ký cam kết không lưu trú trong cơ sở này. Tuy nhiên thấy trời nắng lên, gia đình vẫn cố tình ngủ lại.

giam thieu noi dau sau nhung vu sat lo dat hinh 1

Hiện trường vụ sạt lở tại Tà Xùa. Ảnh: GC

Những năm gần đây, việc phát triển du lịch nhanh và nóng tại xã Tà Xùa và một số xã lân cận của huyện Bắc Yên đã dẫn đến những sai phạm, tồn tại trong quản lý đất đai, quy hoạch. Các cơ sở lưu trú, phục vụ du lịch chưa đầy đủ các thủ tục và vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Phần lớn các công trình xây dựng là tự phát, có tình trạng người dân tự ý san ủi mặt bằng để xây dựng nhà ở, các công trình khác.

Đặc biệt như vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng ngày 29/6/2023 tại hẻm 15/2 Yên Thế (phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương khi chủ đầu tư đang cho đắp đất để tạo mặt bằng thi công.

Từ 2 thửa đất ban đầu, chủ đầu tư đã đổ bờ taluy để chia ra làm 4 lô (khu đất bị sạt lở rộng hơn 3.000 m2 thuộc sở hữu của 4 hộ dân), nhằm tăng diện tích đất sử dụng. Đồng thời xây taluy quá cao, quá dài; công trình taluy chắn đất thiếu giải pháp thi công... Đáng nói những vi phạm nêu trên lại chỉ được phơi bày sau vụ sạt lở gây thương vong về người.

 Một thực tế đáng buồn là tại các địa điểm du lịch với cảnh quan đẹp, nhiều cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định để xây dựng các công trình phục vụ lưu trú cho du khách. Điều này đã dẫn tới hệ lụy làm xấu đi cảnh quan và thậm chí khiến du khách quay lưng.

Cùng với đó, khi hoạt động xây dựng không được kiểm soát tốt sẽ dẫn tới những áp lực lớn đè nặng lên kết cấu hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường,...

giam thieu noi dau sau nhung vu sat lo dat hinh 2

Cần có những giải pháp ngăn chặn tình trạng “bê tông hóa”, phá vỡ quy hoạch xây dựng tại các khu du lịch. Ảnh: NH

Từng được ví là “hòn ngọc Đông Dương” nhưng khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) của hiện tại dần mất đi vẻ nguyên sơ cổ kính, thay vào đó là những khối nhà bê tông hóa dày đặc. Từ một thị trấn nổi tiếng về du lịch trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và bị bủa vây bởi cao ốc. Không ít du khách đã phàn nàn về việc đi nghỉ dưỡng ở Tam Đảo giờ là “nhìn ngắm bê tông”. 

Chị Loan, trú tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) chia sẻ, bản thân và gia đình đã có kỳ nghỉ tại khu du lịch Tam Đảo dịp hè vừa qua, không khí khá trong lành và mát mẻ. Do đi vào cuối tuần nên khá đông khách, đoạn đường từ chân núi lên trung tâm thị trấn nhiều đèo dốc khá nguy hiểm, một bên là vực sâu, một bên là núi cao.

Hình ảnh thị trấn Tam Đảo giờ thay đổi quá nhiều so với khoảng 10 năm trước. Nhà cửa xây dựng san sát, thiếu chỗ để xe và đã xuất hiện tình trạng ùn tắc, quá tải khi nhiều phương tiện đổ về. Hy vọng chính quyền sẽ đưa ra được những giải pháp để giữ được những vẻ đẹp vốn có của Tam Đảo, chị Loan chia sẻ.

Đảm bảo tính răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm

Ngoài nguyên nhân khách quan tới từ sự biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu thì tác động tiêu cực, thậm chí là thô bạo của con người vào tự nhiên, xây dựng ồ ạt, phá vỡ quy hoạch cũng khiến hậu quả của thiên tai, sạt lở thêm nặng nề.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một công trình sai phạm cần phải xử lý ngay từ thời điểm đang thi công. Đến khi hoàn thiện sẽ khó để xử lý, đặc biệt liên quan đến tháo dỡ vừa ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, tiêu tốn tài chính Nhà nước.

Để xử lý tận gốc của vấn đề này cần phải tìm ra những cá nhân từ những nhiệm kỳ trước liên quan đến sai phạm đưa ra xử lý. Như vậy tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, những sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu và đi vào quy củ.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì cá nhân, tổ chức mới dám sai phạm vì bản chất của họ rất sợ pháp luật.

Xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng không nên chỉ chăm chăm nhìn vào vấn đề phạt tiền hay tháo dỡ mà cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có công trình đứng chân. Cùng với chế tài dành cho tổ chức, cá nhân vi phạm cũng nên xây dựng chế tài nặng hơn đối với cán bộ, lãnh đạo phụ trách ở cơ quan quản lý Nhà nước.

Những người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để những công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu của nhiệm kỳ trước để khắc phục và tìm ra những cá nhân sai phạm. Bản chất của vấn đề này phải loại bỏ dứt điểm tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, vị chuyên gia nhấn mạnh.

giam thieu noi dau sau nhung vu sat lo dat hinh 3

Những homestay nằm cheo leo tại khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: NH

Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 theo hướng đề xuất hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo tính răn đe, hạn chế hậu quả của hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Theo dự thảo Nghị định đề xuất, phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng áp dụng đối với 4 hành vi vi phạm liên quan đến việc chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh...

Hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được quy định xử phạt tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 100 triệu đến 120 triệu đồng.

Bảo Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Hai bố con ở Nghệ An thoát chết sau khi bị cây to gãy đè lên người

Hai bố con ở Nghệ An thoát chết sau khi bị cây to gãy đè lên người

(CLO) ​​Khi phát hiện hai người trên xe máy bị cây to đè trúng người, người dân Nghệ An đã tri hô, hỗ trợ chặt cành cây, đưa hai nạn nhân thoát ra ngoài an toàn.

Đời sống
Dự báo thời tiết ngày 20/9: Khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị mưa lớn

Dự báo thời tiết ngày 20/9: Khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị mưa lớn

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 20/9, khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn, có nơi trên 350mm. Dự báo đến ngày 21/9, mưa lớn ở Trung Bộ sẽ giảm dần.

Đời sống
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

(CLO) Hiện nay, việc thu gom, tiêu thụ cây rừng gãy đổ do bão gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, ngày 19/9 UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp với người dân và các sở ngành liên quan để bàn giải pháp hỗ trợ liên quan đến nội dung này.

Đời sống
Hà Tĩnh vận động hơn 46 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ

Hà Tĩnh vận động hơn 46 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ

(CLO) Đến 12h ngày 19/9/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh đã thống kê tổng số tiền quyên góp lên tới hơn 46 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ.

Đời sống
Sạt lở đất xô nghiêng ngôi trường 2 tầng đang hoàn thiện ở Thanh Hóa

Sạt lở đất xô nghiêng ngôi trường 2 tầng đang hoàn thiện ở Thanh Hóa

(CLO) Một ngôi trường 2 tầng ở Thanh Hóa đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng thì bất ngờ bị một khối lượng lớn đất đá trên đồi sạt lở ập xuống khiến trường bị xô nghiêng, cột tường nứt toác.

Đời sống