Giáo dục trực tuyến là hy vọng duy nhất cho nữ sinh Afghanistan nhưng mong manh

Thứ tư, 13/10/2021 17:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bị từ chối đến trường do Taliban không mở lại trường trung học cho nữ sinh, một thiếu niên Afghanistan đã lên mạng Internet để cố gắng thực hiện quyền cơ bản của mình được học hành. Nhưng sứ mệnh tự học trực tuyến của cô không hề dễ dàng.

Buổi sáng Rabia H. chứng kiến ​​em trai mình bắt đầu ngày đầu tiên đến trường kể từ khi Taliban lên nắm quyền là thời điểm khó khăn.

Trường học đã mở cửa trở lại một tháng sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, và nữ sinh Kabul 15 tuổi này đã phải chịu đựng giai đoạn đau thương nhất trong cuộc đời còn trẻ của mình.

giao duc truc tuyen la hy vong duy nhat cho nu sinh afghanistan nhung mong manh hinh 1

Trường nữ sinh cấp 1 đã được mở cửa trong khi trường cấp 2 và cấp 3 vẫn bị đóng cửa tại Afghanistan. Ảnh: France24

Bài liên quan

Vài ngày sau cuộc rút quân ngày 31/8 của Hoa Kỳ, cha của Rabia đã chạy sang Pakistan. Là một nhà hoạt động xã hội dân sự cho người dân tộc thiểu số Hazara bị đàn áp, cha cô đang gặp nguy hiểm tột độ dưới thời Taliban. Gia đình đã hy vọng "cho đến phút cuối cùng" rằng họ sẽ được sơ tán khỏi sân bay Kabul trước thời hạn rút quân của Mỹ, cô nói trong buổi phỏng vấn qua điện thoại với FRANCE24.

Nhưng khi điều đó không thành, cha cô buộc phải vượt biên giới sang Pakistan, bỏ lại vợ và 5 đứa con vì cuộc hành trình này quá nguy hiểm đối với phụ nữ và trẻ em.

Trước khi rời đi, cha của cô, một người bảo vệ quyền nữ quyền, đã nói với Rabia những lời cuối cùng. “Bố nói với tôi rằng tôi là con cả, tôi phải giúp đỡ các anh chị em của mình, đặc biệt là em trai nhỏ hơn tôi một tuổi. Cậu bé đang học lớp 4 và học không tốt. Tôi có trách nhiệm lớn với gia đình", cô kể lại.

Rabia đã liên tục đứng đầu lớp học trước khi Taliban tiếp quản. Điểm số của cô là nguồn tự hào to lớn đối với cha cô, người biết rằng ông không phải lo lắng về động lực học tập của con gái lớn.

Tuy nhiên, Taliban có một tầm nhìn khác đối với Rabia và các nữ sinh khác trên khắp Afghanistan.

Trước khi tiếp quản, nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đã dành nhiều năm để đảm bảo với các nhà đàm phán Mỹ rằng kỷ nguyên “Taliban 2.0” mới sẽ không lặp lại thời kỳ thống trị thảm khốc những năm 1990. Nhưng khi các trường học trên khắp Afghanistan mở cửa trở lại vào ngày 18/9 sau khi đóng cửa do Covid-19, các trường trung học dành cho nữ sinh vẫn tiếp tục bị đóng cửa.

Đối với Rabia, việc trường mở cửa trở lại ngày 18/9 là một điều buồn vui lẫn lộn. “Tôi thực sự mừng cho những cậu em mình vì chúng được đến trường. Chúng có thể gặp gỡ bạn bè, giáo viên và bạn cùng lớp, và chúng cũng có thể nhận được sự giáo dục", cô nói. “Nhưng khi Taliban vừa mở lại trường học cho nam sinh, chúng tôi càng trở nên vô vọng. Trước đó, chúng tôi nghĩ rằng khi các trường mở cửa trở lại, họ sẽ mở cửa trở lại cả trường nam sinh và nữ sinh”.

Nhưng rơi vào tuyệt vọng cũng chẳng ích gì, đặc biệt là vào thời điểm gia đình khó khăn như vậy. Quyết tâm tiếp tục con đường học vấn của mình, Rabia chuyển sang sử dụng Internet, khởi động một sứ mệnh học tập trực tuyến không có sự trợ giúp.

Việc thực hiện quyền cơ bản của cô bé không hề dễ dàng. Tự giáo dục mà không có cơ sở hạ tầng cơ bản và sự hỗ trợ của học thuật đã chứng tỏ một cuộc đấu tranh khó khăn đối với một thiếu niên, và nó đang mang lại cho cô những bài học khắc nghiệt về cuộc sống.

giao duc truc tuyen la hy vong duy nhat cho nu sinh afghanistan nhung mong manh hinh 2

Phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan bị phân biệt đối xử - Ảnh: AP

'Đối xử với phụ nữ như dã thú'

Gần hai tháng sau khi lên nắm quyền, Taliban đang hoạt động tuyên truyền để được quốc tế công nhận và hỗ trợ nhân đạo, cấp thị thực và phỏng vấn cho các nhà báo nước ngoài trong khi đàn áp dã man các nhà báo Afghanistan, theo LHQ.

Hôm thứ Ba (12/10), Taliban đã tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với một phái đoàn chung EU-Mỹ tại Doha, Qatar. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, EU trong tuần này đã buộc phải lên tiếng.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đặc biệt của nhóm G20 hôm thứ Ba (12/10), EU đã cam kết gói viện trợ trị giá 1 tỷ euro cho Afghanistan. Người đứng đầu EU bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng các khoản tiền này nhằm cung cấp "hỗ trợ trực tiếp" cho người Afghanistan và sẽ được chuyển đến các tổ chức quốc tế chứ không phải cho chính phủ lâm thời của Taliban mà Brussels không công nhận.

Bà Von der Leyen nói trong một tuyên bố: “Các điều kiện của chúng tôi đối với bất kỳ cam kết nào với chính quyền Afghanistan là rõ ràng, bao gồm cả vấn đề nhân quyền".

“Xin đừng công nhận họ là chính phủ", Rabia cầu xin. “Taliban đang đối xử với phụ nữ như dã thú. Họ không cho phép chúng tôi sống, không được đi học, thậm chí họ không muốn nói chuyện với phụ nữ khác. Nếu chúng tôi phản đối, họ sẽ đuổi theo chúng tôi như súc vật”, cô nói, đề cập đến một cuộc đàn áp tàn khốc của Taliban vào tháng trước nhằm vào những phụ nữ phản đối các hạn chế.

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền cách đây hai tháng, cuộc sống của Rabia thu hẹp lại trong những bức tường của căn hộ gia đình. Internet là cửa sổ duy nhất của cô với thế giới bên ngoài, nhưng ngay cả quyền truy cập đó cũng bị hạn chế bởi việc cắt điện hàng ngày.

“Vào buổi sáng, chúng tôi nhận được một ít điện, nhưng vào buổi chiều thì không có điện. Một số đêm chúng tôi có điện, những đêm khác thì không”, cô giải thích.

Thói quen hàng ngày của cô trong những ngày này phụ thuộc vào lịch cấp điện. Cô bé học một mình vào buổi sáng. Vào buổi chiều, khi mất điện, hai người hàng xóm tuổi teen của Rabia đến và ba cô gái giúp nhau làm bài tập buổi sáng. Buổi tối, cô bé có thể học với em trai và rèn luyện khả năng tiếng Anh của mình.

Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên Internet chủ yếu sử dụng tiếng Anh chứ không phải tiếng Ba Tư, ngôn ngữ giảng dạy trước đây của cô. Cô bé giờ phải đọc các trang web giáo dục bằng tiếng Anh mà không có sự trợ giúp nào. “Chúng tôi không có bất kỳ giáo viên nào để giúp chúng tôi. Tôi đang cố gắng tìm ai đó để giúp tôi. Tôi đã hỏi mọi người, một số nói rằng họ đang bận và từ chối, một số thậm chí không trả lời", cô giải thích.

Gia đình và bạn bè của Rabia đang ở trong nhiều giai đoạn khác nhau của cú sốc của quá trình chuyển đổi và họ khó có thể trợ giúp một thiếu niên đang gặp khó khăn khi tất cả đều phải cố gắng thích nghi.

Cha cô bé đang phải vật lộn khi không có tiền hay việc làm ở Pakistan, và cô không muốn làm phiền ông ấy. Một người chú của cô từng làm việc cho Lực lượng An ninh Quốc phòng Quốc gia Afghanistan (ANDSF) hiện đang lẩn trốn.

Vài ngày sau khi Taliban tràn vào Kabul, một nhóm chiến binh Taliban đã đến nhà của gia đình Rabia và hỏi tìm chú của cô. “Mẹ tôi mở cửa và nói với họ rằng tất cả những người đàn ông đã đi khỏi, họ không có ở đây. Sau đó hai ngày, tôi thấy một chiếc xe chở đầy quân Taliban đậu trước tòa nhà của chúng tôi. Họ đang kiểm tra căn hộ của chúng tôi. Họ ở khắp mọi nơi ở Kabul, điều đó rất đáng sợ", Rabia nói.

giao duc truc tuyen la hy vong duy nhat cho nu sinh afghanistan nhung mong manh hinh 3

Các nữ sinh tại một trường học ở Afghanistan - Ảnh: AFP

Ước mơ đại học

Cho đến khi các trường học mở cửa trở lại, mẹ của Rabia là người duy nhất rời khỏi căn hộ, đi ra ngoài để mua những thứ cần thiết nhất vì gia đình đang sống bằng tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt.

Trước khi Taliban tiếp quản, Rabia tập trung vào ước muốn học đại học ở nước ngoài. “Tôi đã định kiếm học bổng tại một trường đại học quốc tế thực sự đáng tin cậy. Tôi muốn trở thành một nhà khoa học và tôi thực sự muốn vào một trường đại học tốt, nơi tôi có thể trở thành người mà tôi muốn trở thành", cô nói.

Giấc mơ đó đã biến mất khi Taliban nắm quyền, nhưng cô bé sẽ không từ bỏ. Từng là người đứng đầu lớp, Rabia đang kiên trì chuẩn bị cho Bài kiểm tra Năng lực Học vấn (SAT) cần thiết để vào một trường đại học Mỹ.

Cô bé không biết mình có thể làm bài kiểm tra bằng cách nào hoặc ở đâu, nhưng cô đang chăm chỉ theo dõi các khóa học trên Khan Academy, một trang web giáo dục trực tuyến miễn phí do một tổ chức phi chính phủ của Mỹ thành lập bởi nhà giáo dục Mỹ nổi tiếng Salman (Sal) Khan.

Mặc dù Học viện Khan hiện có các nền tảng bằng một số ngôn ngữ, nhưng tiếng Ba Tư không phải là một trong số đó.

“Tôi đã nhờ một số người bạn từ Đại học Mỹ ở Afghanistan giúp đỡ”, cô giải thích, đề cập đến trường đại học hàng đầu của đất nước chuyển sang dạy trực tuyến sau khi Taliban tiếp quản. “Nhưng họ bận và từ chối giúp đỡ. Khi điều đó xảy ra, tôi cảm thấy thực sự đau lòng. Mỗi ngày, tôi cảm thấy cô đơn hơn. Cha tôi đã mất. Tôi nhớ ông ấy quá… Tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình”, giọng cô ấy đứt quãng, vỡ òa vì xúc động.

Nhưng sau đó, cô gái 15 tuổi tự đứng dậy một lần nữa, như cô ấy đã làm trong hai tháng qua và tuyên bố: "Tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ lên, vì cha tôi, vì gia đình tôi và những người phụ nữ Afghanistan . Nếu chúng tôi không lên tiếng, Taliban sẽ làm bất cứ điều gì và chúng tôi không thể để điều đó xảy ra”, cô nói.

Quốc Thiên

Bình Luận

Tin khác