Giấy thông hành vắc-xin: Thẻ xanh mở cánh cửa phục hồi kinh tế

Thứ sáu, 17/09/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thẻ xanh Covid-19” hay “hộ chiếu vắc-xin” là những cụm từ được nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây, bởi đây chính là điều kiện tiên quyết để mở cửa trở lại. 

Trong lúc các hãng hàng không chờ được công nhận hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trong lộ trình nối lại đường bay quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia kiến nghị Việt Nam sớm xúc tiến áp dụng thẻ thông hành xanh hay “hộ chiếu vắc-xin” ngay đối với thị trường nội địa, thí điểm cho du lịch, hàng không…

giay thong hanh vac xin the xanh mo canh cua phuc hoi kinh te hinh 1

Hơn 100 tỷ đồng “bốc hơi” mỗi ngày…

Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho thấy, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ 16.000 tỷ đồng.

Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỉ đồng. Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và cao điểm hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5, 6, doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020). Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. 

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA - ông Bùi Doãn Nề, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Tại văn bản gửi một số bộ ngành gần đây, ông Bùi Doãn Nề đề nghị các bộ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Hàng không vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong kiến nghị này là “Sớm triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vắc-xin”.

giay thong hanh vac xin the xanh mo canh cua phuc hoi kinh te hinh 2

Tương tự, đối với vận tải đường bộ, đường sắt, tình trạng “điêu đứng” vì Covid-19 cũng không kém ngành hàng không. Theo ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam thông tin, hiện cả nước có khoảng 1 triệu tài xế đang hoạt động. Với chi phí xét nghiệm hơn 200 nghìn đồng/lần với test nhanh và 700 - 800 nghìn đồng/lần test PCR, chỉ riêng tiền xét nghiệm cho số tài xế này đã tốn khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi tháng. Còn “chẻ” theo doanh nghiệp, tùy vào quy mô, chi phí xét nghiệm có thể dao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Chưa kể, còn rất nhiều chi phí gián tiếp. Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Uớc tính của chúng tôi, lượng hàng hóa ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể giảm đến 50% trong thời gian tới, phần do sản xuất đình đốn và phần khác do khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa”.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc đề nghị cấp sổ thông hành (hộ chiếu vắc-xin) cho lái xe chở hàng qua cửa khẩu biên giới. Bộ này đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi cả hai địa phương biên giới Lạng Sơn, Lào Cai cùng nghiên cứu, trước mắt cho phép đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới được tiêm vắc-xin đủ theo quy định y tế, test nhanh để đảm bảo an toàn vận chuyển. Bộ cũng đề xuất Ban Chỉ đạo thống nhất hình thức cấp, sử dụng sổ thông hành cho lái xe đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa giữa hai bên an toàn, thuận lợi hóa thông quan, tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân hai nước.

Ngành du lịch kỳ vọng hồi phục trở lại bằng "thẻ xanh"

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc; trong khi đó, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng vừa thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (hộ chiếu vắc-xin - thẻ xanh) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London (Anh).

giay thong hanh vac xin the xanh mo canh cua phuc hoi kinh te hinh 3

Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng bắt tay vào việc chuẩn bị khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “ngủ đông”.

Theo khảo sát của nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda, khi các quy định giãn cách được gỡ bỏ, du khách sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến biển và gần gũi với thiên nhiên làm nơi đầu tiên ghé thăm sau đại dịch. Cụ thể, có khoảng 14% du khách cho biết họ đã sẵn sàng cho chuyến du lịch của mình ngay trong tháng đầu tiên sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, trong đó 5% nói rằng sẽ “xách ba lô lên và đi ngay lập tức khi được cho phép”; có hơn ¼ người được khảo sát thận trọng hơn cho rằng sẽ chỉ đi trong khoảng 2 - 4 tháng sau khi nhận thấy tình hình dịch đã ổn hơn và có tới 16% khách cho rằng họ sẽ bắt đầu nghĩ đến việc du lịch khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 80% hoặc Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng.

Trước thông tin sẽ áp dụng thẻ xanh để mở cửa ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành tỏ ra khá vui mừng vì ngành du lịch sẽ sớm “tan băng” sau gần 5 tháng đóng băng. Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, thông tin áp dụng “thẻ xanh” trong du lịch đã khiến các doanh nghiệp như “hồi lại”, bởi gần 100% nhân viên, người lao động của Lữ hành Fiditour - Vietluxtour đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vắc-xin Covid-19. Ngay khi có thông tin về việc Chính phủ cho phép thu hút khách du lịch đến một số nơi như Phú Quốc, đơn vị cũng đã sẵn sàng đón khách quốc tế với “hộ chiếu vắc-xin”, đồng thời cũng lên kế hoạch phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh” (tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh).

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing của công ty TST Tourist cũng cho biết, công ty vừa tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 2 cho 100% cán bộ, nhân viên… để chuẩn bị hoạt động trở lại. Thực tế, suốt thời gian “ngủ đông”, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động ở tất cả các khối kinh doanh, điều hành, phòng chức năng theo chế độ trực tuyến để khi thị trường được phép mở cửa thì đã sẵn sàng hồi phục trở lại. Dự kiến khi thị trường áp dụng quy định “thẻ xanh”, trước mắt công ty sẽ khai thác thị trường nội địa với 8 sản phẩm du lịch tại thành phố, trong đó chủ yếu đưa khách đến các “vùng xanh” như: huyện Cần Giờ, Củ Chi…

Một chuyên gia của Tổng cục Du lịch nhận định đến cuối năm 2021, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 và bệnh nhân khỏi bệnh sẽ tăng. Vì vậy, Việt Nam nên chuẩn bị từ bây giờ cho lộ trình mở cửa trở lại dần các hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch, hàng không là cần thiết để cả DN và cơ quan quản lý, địa phương, điểm đến cùng nhập cuộc.

Lúc này, triển khai thẻ thông hành xanh chứng nhận đã tiêm Covid-19 đủ 2 mũi và âm tính ở thời điểm khởi hành dạng mã QR rất cần thiết cho người dân. Giải pháp này không chỉ giúp ngành du lịch, hàng không khôi phục mà cả lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định an sinh xã hội. Để làm được điều này, Bộ Y tế và các bộ, ngành cần hợp nhất Cổng tiêm chủng quốc gia và các phần mềm, để làm sao đi đâu người dân chỉ cần có mã QR là được cho qua” - chuyên gia của Tổng cục Du lịch đề xuất.

Hiện cả nước đã tiêm được gần 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 nhưng hầu như chưa được cập nhật đầy đủ trên Cổng tiêm chủng quốc gia, chưa kể mỗi bệnh viện cấp một mẫu chứng nhận khác nhau, những người khỏi bệnh cũng chưa được cập nhật đầy đủ… Vì vậy, chuyên gia của Tổng cục Du lịch đề xuất cần nhanh chóng cập nhật, chuẩn bị hạ tầng, công nghệ, đồng bộ cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, để khi triển khai là sản xuất, dịch vụ có thể vận hành, lưu thông ngay được.

Chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường 

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai cơ chế “hộ chiếu vắc-xin” để đẩy nhanh việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam. Tuy vậy, đây cũng là một thách thức rất lớn vì hiện nước ta chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, cũng như những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam. 

Ở một khía cạnh khác, trước câu hỏi triển khai “hộ chiếu vắc-xin” cần lưu ý điều gì? TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bày tỏ: Tiêm vắc-xin chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỷ lệ trầm trọng của bệnh khi người đó mắc Covid-19. Khi áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, các quốc gia cần có thông tin đầy đủ, phải xem xét để áp dụng hiệu quả, an toàn. Hiện mỗi quốc gia sử dụng các loại vắc-xin phòng Covid-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp. Vấn đề đặt ra là “hộ chiếu vắc-xin” của các quốc gia chấp nhận vắc-xin nào?

giay thong hanh vac xin the xanh mo canh cua phuc hoi kinh te hinh 4

Ngoài ra, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin tùy theo miễn dịch cộng đồng. Các quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng đương nhiên sẽ có miễn dịch cộng đồng cao. Trong khi đó hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam chưa đạt theo số lượng yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại có thể nói là rất thấp, nếu không muốn nói là gần như chưa có. Nếu triển khai “hộ chiếu vắc-xin” với những người nhập cảnh vào Việt Nam mà chúng ta không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được. Đến nay, Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đang trao đổi, xây dựng phương án, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc-xin nào và cách ly ra sao. Đã có những quan điểm thống nhất được đưa ra, như những người được tiêm vắc-xin đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly.

Có thể thấy rõ ràng rằng hơn lúc nào hết, thế giới đang tập trung mọi nỗ lực nhằm bảo đảm dịch bệnh Covid-19 không tiếp tục lây lan, cướp đi sinh mạng của con người; song song với đó là phục hồi kinh tế và khôi phục lại sự sôi động của giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hộ chiếu vắc-xin có thể là cơ sở để chúng ta tái thiết hoạt động giao lưu, phá vỡ tình trạng đóng băng của nhiều ngành kinh tế khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Thêm vào đó, hộ chiếu vắc-xin cũng có thể là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi nó có thể được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng, người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng, và do đó, các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế/cấm tụ tập đông người, giúp những địa điểm hay hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

(NB&CL) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Góc nhìn
“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

(NB&CL) Cách đây chừng 3,4 năm, khi bàn về câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam - mà theo nhiều chuyên gia ví von đó là công cuộc “lót ổ đón đại bàng”.

Góc nhìn
Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với  triển khai, thi hành pháp luật

Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với triển khai, thi hành pháp luật

(NB&CL) Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Góc nhìn
Từ vấn nạn “biến tướng lễ hội”: Đừng để niềm tin tâm linh bị trục lợi!

Từ vấn nạn “biến tướng lễ hội”: Đừng để niềm tin tâm linh bị trục lợi!

(NB&CL) Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đi lễ chùa để cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi đã là một nét đẹp truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa lâu đời này dần bị biến tướng, câu chuyện lễ hội biến tướng, trục lợi tâm linh dường như vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Góc nhìn