Giới trẻ 'đổ xô' dùng tool săn vé đêm diễn thứ 6 của 'Anh Trai Say Hi'

09/04/2025 08:15

(CLO) Chương trình âm nhạc "Anh Trai Say Hi" đang tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng yêu nhạc Việt, đặc biệt sau khi thông tin về đêm diễn thứ 6 được công bố. Tuy nhiên, đi kèm với sức hút ấy lại là nỗi bức xúc của hàng loạt khán giả trẻ khi họ gần như không có cơ hội sở hữu vé chính thức ngay cả khi đã “canh giờ” mở bán.

Tình trạng vừa mở bán vé đã mất cơ hội

Ngay khi hệ thống mở bán trực tuyến, nhiều người phát hiện vé đã nhanh chóng bị “cháy” chỉ sau vài phút – thậm chí chưa kịp thao tác chọn ghế. Nhiều bạn trẻ thể hiện sự thất vọng, bất lực trên mạng xã hội. Nguyên nhân được cho là do tình trạng sử dụng tool (phần mềm tự động) để săn vé diễn ra tràn lan.

Những công cụ này cho phép một người có thể thao tác như hàng trăm người cùng lúc, tự động chọn – thanh toán vé nhanh hơn người dùng thông thường, khiến cơ hội tiếp cận vé gần như bằng 0 đối với những người hâm mộ thật sự.

Trong buổi sáng mở bán trước vé ngày 8/4 vừa rồi, tình trạng “cháy vé” diễn ra gần như ngay lập tức. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, hệ thống bán vé đã thông báo hết sạch hạng ghế CAT được nhiều người ngóng chờ. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay sau đó, hàng loạt vé lại xuất hiện dày đặc trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Threads với mức giá chênh lệch cao hơn so với giá gốc. 

gioi tre do xo dung tool san ve dem dien thu 6 cua anh trai say hi hinh 1

Thông tin về đêm diễn thứ 6 của chương trình “Anh Trai Say Hi” được công bố - Ảnh: Vieon

“Mình chờ trước màn hình từ 9 giờ sáng, chuẩn bị sẵn tài khoản, đường truyền mạng ổn định. Vậy mà đến lúc mở bán thì trang web bị lag, chọn được ghế nhưng thanh toán không thành công. Chưa đến 1 phút đã thấy thông báo hết vé. Mình thật sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa”, bạn Khánh Chi (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ trong sự thất vọng.

Không chỉ Chi, rất nhiều khán giả hâm mộ khác cũng lên tiếng với cùng nỗi bức xúc: chọn xong ghế chưa kịp ấn mua đã có người “gom sạch” vé. Điều này dẫn đến một nghi vấn lớn về việc liệu có hay không sự can thiệp của các công cụ tự động - thường được gọi là tool/bot? Những công cụ này với khả năng thao tác nhanh hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với người dùng thông thường, từ đó giành hết cơ hội sở hữu vé một cách bất công.

Bạn Ngọc Linh (21 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Mình không ngại chi tiền để mua vé chính thức ở hạng ghế có giá vé đắt hơn vì mình muốn ủng hộ nghệ sĩ mình yêu thích. Nhưng khi thấy cùng một loại vé mà mới chỉ mở bán trước đã bị rao bán lại trên các trang mạng xã hội với mức giá cao hơn thì thật sự quá là vô lý. Vừa tiếc, vừa tức mà cũng đành bất lực. Mong ban tổ chức sẽ sớm có hướng giải quyết cho những người hâm mộ thật lòng muốn đến đêm diễn!”.

gioi tre do xo dung tool san ve dem dien thu 6 cua anh trai say hi hinh 2

Cuộc chiến của bên ôm vé và những người hâm mộ thật sự không thể săn vé - Ảnh: Threads

Vấn nạn đầu cơ vé bằng tool không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khán giả mà còn đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính minh bạch và năng lực kiểm soát của các đơn vị tổ chức cho các chương trình âm nhạc nói chung. Việc để hệ thống bán vé dễ dàng bị thao túng khiến niềm tin của nhiều người hâm mộ bị xói mòn.

Và đây là một điều rất nguy hiểm trong bối cảnh khán giả hiện nay ngày càng nhạy cảm với các vấn đề minh bạch, công bằng trong thị trường giải trí tại Việt Nam. Một khi những người đến xem không phải vì tình yêu với nghệ sĩ, mà vì mua lại vé để… bán tiếp hoặc đi cho đủ chỗ, thì không khí chương trình sẽ không còn đúng tinh thần ban đầu. Sự gắn kết giữa nghệ sĩ và người hâm mộ cũng bị rạn nứt dần

Cần bảo vệ giá trị thật của một chương trình nghệ thuật 

Nhiều khán giả trẻ đã đề xuất các giải pháp để ban tổ chức sớm vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng này trong tương lai. Trong đó, đa số là ý kiến về việc: giới hạn số lượng vé mỗi tài khoản được mua, yêu cầu xác minh danh tính qua CCCD khi mua và nhận vé. Đồng thời cần phải sớm có biện pháp chuyển sang sử dụng các nền tảng bán vé có hệ thống chống tool/bot mạnh mẽ và hiệu quả hơn. 

gioi tre do xo dung tool san ve dem dien thu 6 cua anh trai say hi hinh 3

Nhiều khán giả trẻ bức xúc vì tình trạng thiếu công bằng trong khâu mua vé - Ảnh: Mạng xã hội

Sự việc như lần mở bán trước vé đêm diễn thứ 6 của "Anh Trai Say Hi" cần được xem là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho đơn vị tổ chức chương trình này, mà cho cả thị trường biểu diễn tại Việt Nam. Trong thời đại chuyển đổi số, an ninh hệ thống, khả năng chống bot, công nghệ xác thực người dùng... chính là “hàng rào đầu tiên” để bảo vệ trải nghiệm của người thật. Nếu không xây dựng từ nền tảng đó, thì bất kỳ chương trình nào – dù nghệ thuật có hay đến đâu – cũng có thể trở thành “sân chơi” cho giới đầu cơ và công cụ tự động.

Không thể phủ nhận rằng tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nhiều quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng từng khốn đốn vì tình cảnh vé bị bot thu gom sạch, sau đó đẩy giá cao trên thị trường. Tuy nhiên, điểm khác biệt là họ đã nhanh chóng áp dụng biện pháp pháp lý nghiêm khắc. Ví dụ như tại Mỹ, luật BOTS Act được ban hành từ năm 2016 coi hành vi sử dụng phần mềm tự động mua vé là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt hành chính. 

Sự bùng nổ về độ hot của "Anh Trai Say Hi" cho thấy tín hiệu rất tích cực trong ngành giải trí: khán giả Việt đang ngày càng quan tâm đến nghệ thuật chất lượng, có cá tính và dấu ấn riêng. Nhưng nếu ngay từ khâu mua vé mà họ đã bước vào cuộc chiến không công bằng thì liệu tình yêu ấy có còn đủ sức để kéo dài? Một chương trình hay không thể chỉ được đánh giá qua tốc độ cháy vé mà phải được gìn giữ bằng niềm tin và sự công bằng dành cho khán giả chân chính.

Phương Thảo 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giới trẻ 'đổ xô' dùng tool săn vé đêm diễn thứ 6 của 'Anh Trai Say Hi'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO