Tuyên Quang:

Giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn

Thứ bảy, 18/01/2020 09:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tuyên Quang có trên 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Pà Thẻn sinh sống chủ yếu tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Nói đến người Pà Thẻn là nói đến một dân tộc có đời sống văn hóa tinh thần giàu bản sắc với những lễ hội, tập tục độc đáo.

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) trong trang phục truyền thống. Ảnh: Minh Phụng

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) trong trang phục truyền thống. Ảnh: Minh Phụng

Nét văn hóa đặc sắc trong trang phục người Pà Thẻn

Để tìm hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa của người Pà Thẻn, chúng tôi đã tìm đến thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, nơi đây là một thung lũng nhỏ được che chắn bởi quả núi Gốc Phay, đây là nơi đầu nguồn hai con suối lớn Khuổi Tao và Khuổi Muông. Dòng nước từ 2 con suối đã đem lại sự trù phú với những cánh đồng xanh mướt trên suốt hành trình nó chảy qua xã Hồng Quang. Nơi này được bà con Pà Thẻn, người Thủy, người Dao, người Mông về đây sinh sống nhiều đời nay.

Theo chân những câu chuyện, những lời kể của các già làng nơi đây, chúng tôi đã ghé thăm nhiều ngôi nhà, không gian sống để có thể cảm nhận rõ nét nhất về bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn nơi đây.

Tận mắt được ngắm nhìn các cô gái Pà Thẻn ngồi bên khung thổ cẩm trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Nói về văn hóa của người Pà Thẻn không thể không nhắc đến trang phục truyền thống của họ, trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau.

Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa, có sự tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.

Bộ nữ phục của người Pà Thẻn bao gồm: Khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Nữ thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ trông đẹp và lạ mắt. Khăn có hai loại là khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ. Sự độc đáo trong trang phục nữ của người Pà Thẻn được biểu hiện ở lối tạo dáng áo dài, cách dùng màu và lối mặc, tạo nên một phong cách riêng. Phụ nữ Pà Thẻn đội khăn quấn thành nhiều vòng trên đầu, quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai.

Huyền bí nghi lễ nhảy lửa

Ngoài những nét văn hóa độc đáo trong trang phục, nói đến người Pà Thẻn chẳng những du khách trong, ngoài tỉnh mà ngay cả khách nước ngoài cũng biết đến bởi nghi lễ nhảy lửa hết sức độc đáo, kỳ bí tạo nên sức hút kỳ lạ của họ.

Lễ hội tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật.

Người con trai Pà Thẻn nhảy lửa trong Lễ hội nhảy lửa xã Hồng Quang được tác giả miêu tả xuất thần như đang cưỡi trên lưng con phượng hoàng. Ảnh: Minh Phụng.

Người con trai Pà Thẻn nhảy lửa trong Lễ hội nhảy lửa xã Hồng Quang được tác giả miêu tả xuất thần như đang cưỡi trên lưng con phượng hoàng. Ảnh: Minh Phụng.

Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn được bắt đầu bằng việc làm mâm cúng, bó củi, sau đó thầy cúng làm lễ cầu khẩn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một bát hương, một chiếc đàn gõ, một con gà luộc, mười chén rượu trắng. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa sẽ ngồi quây quần với thầy mo và được làm phép "nhập ma" và chỉ dành cho nam giới.

Thời gian làm lễ kéo dài khoảng một giờ trước khi lễ hội bắt đầu. Trong khi  thầy mo cúng thần linh cũng là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa, củi đã được đốt, những người tham gia nhảy lửa như được tiếp sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm. Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, khi củi lửa cháy hết, chỉ còn lại than hồng đỏ rực, nóng bỏng, những người đã nhập đồng sẽ nhảy vào đống than với đôi chân trần. Họ vừa nhảy vừa đưa tay bới tung than mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của tất cả người dân trong bản, cũng như du khách có mặt.

Họ nhảy vào đống than đỏ rực với đôi chân trần, vừa nhảu vừa bới tung than mà không hề cảm thấy sợ hãi hay bỏng rát. Ảnh Minh Phụng

Họ nhảy vào đống than đỏ rực với đôi chân trần, vừa nhảu vừa bới tung than mà không hề cảm thấy sợ hãi hay bỏng rát. Ảnh Minh Phụng

Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây cũng là điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với xã Hồng Quang nói riêng và huyện Lâm Bình nói chung. 

Gìn giữ và phát huy

Nhằm phát huy bản sắc và những truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn xã Hồng Quang nói riêng và của huyện Lâm Bình nói chung. Trong những năm qua, UBND xã Hồng Quang thường xuyên tuyên truyền vận động bà con nhân dân tiếp tục truyền đạt các giá trị văn hóa đặc biệt là các phong tục tập quán, các giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ sau.

Chi sẻ với PV báo Nhà báo và Công luận, Ông Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Vừa qua, UBND xã đã xây dựng kế hoạch nhằm khôi phục lại bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch, như: Nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thực hành nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, nhằm truyền đạt cho thế hệ trẻ, qua đó nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất cao của bà con nơi đây.” 

Được biết, huyện Lâm Bình có hơn 12 dân tộc cùng chung sống. Trong đó có dân tộc Pà Thẻn là một dân tộc ít người, đặc biệt, toàn quốc chỉ có 2 tỉnh có dân tộc Pà Thẻn sinh sống đó là Hà Giang và Tuyên Quang. Đối với nét văn hóa, môi trường sinh thái sống của người dân Pà Thẻn tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang mang đậm nét hoang sơ. Hiện nay, huyện Lâm Bình đang khôi phục một cách bài bản, trên cơ sở tín ngưỡng, văn hóa truyền thống thì huyện và cơ quan chuyên môn đã tham mưu cùng với xã mở các lớp để khôi phục lại nghề truyền thống. Từ đó, lượng khách du lịch đến tìm hiểu văn hóa của người Pà Thẻn (từ trang phục, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề truyền thống, đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Pà Thẻn, đặc biệt là nghi lễ nhảy lửa) ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ: “Văn hóa của người Pà Thẻn với trang phục độc đáo, với nghi lễ nhảy lửa huyền bí như vậy đã tạo nên một nét rất đặc sắc, tạo trong lòng du khách kể cả những người đã biết về người Pà Thẻn nhưng vẫn rất là tò mò, muốn đến trải nghiệm và khám phá nhiều lần. Chúng tôi đang đi rất đúng hướng khi mà phát huy bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn, từ đó giúp cho huyện có một sản phẩm du lịch hết sức độc đáo mà chỉ có Hà Giang và Tuyên Quang có được. Đó được coi như điểm sáng trong sản phẩm du lịch đặc sắc của Lâm Bình không chỉ trong hiện tại mà sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai”.

Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng của mình, và người Pà Thẻn cũng vậy. Với tâm huyết của các cấp chính quyền cũng như nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Việc gìn giữ khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc gắn với phát triển du lịch hy vọng sẽ là hướng đi mới, phù hợp, từ đó thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với Lâm Bình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài: Tạ Thành - Hà Đương 

Ảnh: Minh Phụng

Tin khác

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

(CLO) Nghề thủ công truyền thống làm Nón lá hai mê tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở đây.

Đời sống văn hóa
Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

(CLO) Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 sử dụng nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa với các yếu tố lịch sử, văn hóa để làm nổi lên các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Tối 24/4, lễ khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính thức diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và trình chiếu phim truyện "Đào phở và Piano".

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(CLO) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những ngày này, hoa lục bình ở những cánh đồng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đua nhau bung nở sắc tím biếc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng thu hút giới trẻ Thủ đô tới check-in, chụp hình.

Đời sống văn hóa