Giữ lại bàn tay cho bệnh nhân mắc ung thư hiếm gặp
(CLO) Bệnh nhân mắc sarcoma bao hoạt dịch – một loại ung thư mô liên kết ác tính, khó điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị, đội ngũ y, bác sĩ đã thực thực hiện tạo hình vi phẫu để giữ nguyên cổ tay và bàn tay.
Theo đó, bệnh nhân N.T.P, nữ, 23 tuổi, ở Hà Nội nhập viện tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương với căn bệnh sarcoma bao hoạt dịch. Bệnh nhân có tiền sử hơn 9 năm bị chẩn đoán nhầm và điều trị không hiệu quả. Suốt thời gian dài, cô phải sống chung với triệu chứng đau vùng cổ tay, từng được chẩn đoán là viêm khớp và điều trị nội khoa nhưng không cải thiện.
Năm 2023, bệnh nhân đã trải qua hai lần phẫu thuật bóc tách khối u (loại bỏ khối u nhưng chưa triệt để) tại hai cơ sở y tế khác nhau. Kết quả giải phẫu bệnh đều xác định là sarcoma bao hoạt dịch. Sau các ca mổ, bệnh nhân không tiếp tục điều trị chuyên sâu mà tự theo dõi tại nhà.
Đến tháng 10/2024, khối u tái phát nhanh chóng, lan rộng toàn bộ cổ tay phải, gây đau nhức, sưng nề và hạn chế vận động nghiêm trọng. Tại thời điểm nhập viện, khối u lan khắp mặt trước cổ tay, kéo dài ra hai bên, tiến sát khuỷu tay, với kích thước khoảng 12–13 cm chiều dài, gần 8 cm chiều ngang và độ dày 5–7 cm. Khám chuyên sâu cho thấy bệnh nhân bị liệt hoàn toàn dây thần kinh giữa, khiến mất cảm giác và vận động ở một số ngón tay, đồng thời mất mạch quay – một trong hai động mạch chính nuôi bàn tay.

Ê-kíp đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da đùi ngoài trước gồm ba lớp: da, mỡ và gân để che phủ toàn bộ vùng khuyết. Mạch máu từ vạt được nối vi phẫu với hệ mạch cổ tay để nuôi sống mô ghép. Đặc biệt, lớp gân được thiết kế phủ lên gân và xương nhằm hạn chế dính, hỗ trợ cải thiện vận động về sau. Do bao khớp cổ tay bị phá hủy, khớp mất vững nên các bác sĩ phải cố định bằng hai đinh xuyên. Dự kiến sau phẫu thuật, cổ tay sẽ không thể gập – duỗi, nhưng các ngón tay vẫn có thể vận động, giúp bảo tồn tối đa chức năng bàn tay.
Sau hơn 10 ngày hậu phẫu, vạt ghép sống tốt, không có dấu hiệu hoại tử. Bệnh nhân đã được khâu lại vết mổ theo hướng thẩm mỹ và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục được hội chẩn chuyên khoa ung bướu để đánh giá chỉ định điều trị bổ trợ bằng xạ trị nếu cần thiết. Tuy nhiên, với loại sarcoma này, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chủ đạo, còn hóa – xạ trị chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
TS.BS Dương Mạnh Chiến - Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Phát hiện sớm và điều trị đúng ngay từ đầu là yếu tố quyết định tiên lượng trong các ca sarcoma. Nếu phẫu thuật triệt căn được thực hiện khi khối u còn nhỏ, chúng tôi hoàn toàn có thể bảo tồn được thần kinh, mạch máu và khớp cổ tay. Ngược lại, khi tổn thương đã lan rộng, việc điều trị không chỉ phức tạp mà còn dễ để lại di chứng chức năng.”