Giữ thăng bằng cho những người “đi trên dây”

Thứ hai, 27/09/2021 16:21 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đổi mới được ví như người mạo hiểm chấp nhận đi trên dây để về đích. Khuyến khích, bảo vệ họ cần có cơ chế giữ thăng bằng.

 Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

giu thang bang cho nhung nguoi di tren day hinh 1

Chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy sáng tạo, đổi mới rất kịp thời và cần thiết trong bối cảnh hiện nay

Thực ra, vấn đề khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đã được đề cập đến trong các văn kiện của Đảng nhưng đây là lần đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành kết luận.

Có thể thấy, Kết luận số 14 có hai nội dung rất rõ, đó là: khuyến khích và bảo vệ. Trước đây, vấn đề “khuyến khích” đã được đề cập nhiều nhưng vấn đề “bảo vệ” vẫn chưa được thể chế hóa rõ ràng, tạo cơ chế cho những cán bộ có tư tưởng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực thi nhiệm vụ. Không ít cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu khi đứng trước những công việc khó, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể thì lúng túng, tiến thoái lưỡng nan. Làm thì sợ sai, không làm thì đánh mất cơ hội phát triển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát huy năng lực của cá nhân cán bộ mà còn ảnh hưởng đến những chủ trương, quyết sách của tập thể.

Giữa cơ chế chính sách và thực tiễn cuộc sống luôn có những điểm “vênh”, điểm “nghẽn”. Trong một số trường hợp, nếu áp dụng khung chính sách hiện hành để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra sẽ không thể thực hiện được nên người thực thi nhiệm vụ phải tính toán các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Đó là biểu hiện của tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo nhưng trong điều kiện cơ chế, chính sách chưa cho phép, việc làm đó sẽ vi phạm. Vì thế để khuyến khích những người có tư tưởng đổi mới, sáng tạo cần phải có thêm cơ chế bảo vệ họ.

Kết luận số 14 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, trong quá trình đổi mới, sáng tạo, nếu không đạt mục tiêu, xảy ra rủi ro, sai sót, nếu vì mục lợi ích chung thì được tổ chức xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Thực tế, hiện nay không ít cán bộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thực thi nhiệm vụ theo “mẫu” cho an toàn, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi gặp khó khăn, vướng mắc không trăn trở, suy nghĩ, đề xuất giải pháp để tháo gỡ vì sự phát triển chung. Có những trường hợp ngồi chờ nghị quyết của cấp trên để làm theo nghị quyết, ngại đấu tranh, ngại va chạm, không đủ bản lĩnh để quyết định những vấn đề khó khăn nảy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cá biệt có những trường hợp “ẩn nấp” vào tập thể, lấy trách nhiệm tập thể ra để làm “bình phong”, “giá đỡ” cho cá nhân.

Đặc biệt trước các kỳ đại hội, hoặc trước khi có quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm vị trí công tác mới, có những trường hợp tự mình “đóng băng”, không chịu làm, không chịu quyết để giữ an toàn, tranh thủ sự ủng hộ của tập thể.

Tất cả những hiện tượng như trên là một thứ rào cản, ngăn trở tiến bộ, phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng. Vì thế, chủ trương khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của Đảng là kịp thời, cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo cũng cần phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và quy định của Đảng. Vấn đề này cần được hiểu rằng không phải quy định cứng nhắc, hạn chế tự do sáng tạo mà sẽ có hành lang “mở” để khuyến khích đột phá, quyết liệt trong tư duy hành động của cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị  cũng đã yêu cầu: “Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng”.

Đây có thể được xem là chiếc “lồng cơ chế” để giám sát, quản lý đối với những trường hợp lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực đã được Đảng, Nhà nước cho áp dụng những cơ chế đặc thù để phát triển. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của các địa phương, vùng miền, lĩnh vực để phát triển, nhằm hướng đến lợi ích chung của đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế đặc thù, nếu không có sự giám sát, quản lý chặt chẽ dễ sa vào tình trạng chủ quan, duy ý chí, tự mình đi một đường, biến đặc thù thành đặc quyền, đặc lợi. Thậm chí không loại trừ nguy cơ núp bóng lợi ích chung để hình thành “lợi ích nhóm”.

Cần phải thống nhất quan điểm, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt, táo bạo không đồng nghĩa với làm liều, quyết bừa, bất chấp đạo đức và pháp luật. Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động phải dựa trên quan điểm khoa học, phù hợp với thực tiễn, vì lợi ích chung, trên cơ sở đồng thuận của tập thể lãnh đạo chứ không phải là tư tưởng cá nhân, chuyên quyền, độc đoán.

Do đó, Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Có thể nói, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị sẽ là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa các tiêu chí, quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Trong đó, phải lượng hóa được những tiêu chí cơ bản để vừa khuyến khích, bảo vệ vừa giám sát, quản lý. Làm sao để từ chủ trương đến thực tiễn phải phù hợp, hiệu quả, hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy xã hội tiến bộ, phát triển.

Quang Duy

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn