Gỡ vướng để xử lý hàng ngàn container phế liệu tại cảng biển TP. HCM
(CLO) Hàng ngàn container phế liệu và container hàng hóa quá hạn không có người nhận tồn đọng tại cảng Tân Cảng-Cát Lái, TP. HCM nhiều năm qua đang chờ được xử lý.
Số liệu thống kê của Cục Hải quan TP. HCM cho biết, từ năm 2021 tại cảng Tân Cảng-Cát Lái có 2.934 container tồn đọng và những tháng đầu năm 2022 phát sinh thêm 702 container.

Nhiều cảng biển “còng lưng” trả phí cho container tồn đọng.
Đây là số container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, cùng hàng hóa không có người nhận tồn đọng tại cảng Tân Cảng-Cát Lái, TP. HCM nhiều năm qua.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Chi cục Hải quan Tân cảng Cát Lái), vừa qua Cục Hải quan TP. HCM đã cho kiểm kê, phân loại, bán đấu giá, tiêu hủy, tái xuất, thông quan được tổng cộng 1.228 container.
Nay còn 2.408 container cần xử lý, trong đó khoảng 1.600 container là phế liệu.
Việc tiêu hủy sẽ được thực hiện tại các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp ở TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai. Hình thức tiêu hủy là ép, xay cắt, sau đó đốt trong lò 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải hoặc lò đốt chất thải công nghiệp.
Tuy nhiên, do các công ty tiếp nhận xử lý phế liệu chủ yếu bằng phương pháp thủ công; công nhân đưa từng kiện hàng vào lò đốt bằng phương tiện thô sơ, xe nâng hạ, rút hàng hóa ra khỏi container một cách không chuyên nghiệp. Do đó, công suất tiêu hủy rất thấp, trung bình chỉ 1 tấn/giờ. Nếu hoạt động hết công suất cũng chỉ tiêu hủy 1 container/ngày.
Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho rằng, với tốc độ tiêu hủy như hiện nay, chỉ riêng đợt tiêu hủy đầu tiên phải mất hơn 1 năm và xử lý hết 682 container đã có quyết định tiêu hủy phải mất đến 2 năm. Việc này không chỉ khiến tốc độ giải phóng chỗ trống cho cảng bị chậm mà còn ảnh hưởng đến nhân lực, năng suất làm việc của Chi cục Hải quan do phải cử người giám sát liên tục.
Trước việc tiêu hủy chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phân công 4 tổ công tác thực hiện giám sát. Tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ từ cảng, nơi hàng hóa đi, lập biên bản bàn giao cho công ty xử lý môi trường.
Để việc tiêu hủy đúng quy định, đúng thời gian, các công ty xử lý môi trường sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa tiêu hủy về địa điểm tiêu hủy theo hợp đồng tiêu hủy và biên bản bàn giao. Việc vận chuyển thực hiện trước ít nhất một ngày theo lịch trình tiêu hủy để tạo thuận lợi cho việc giám sát.
Bên cạnh đó, việc phải thực hiện đúng nội dung hướng dẫn tại Công văn 632 ngày 25/2/2022 của Tổng Cục Hải quan về tiêu hủy phế liệu cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
Chẳng hạn, trước khi cắt seal container để tiêu hủy hàng hóa, hội đồng giám sát phải chụp ảnh cửa container, chụp ảnh seal, lập biên bản mở container, ghi rõ số hiệu container, seal. Hội đồng giám sát còn phải lập biên bản xác nhận các bên liên quan cũng như lưu hình ảnh, biên bản vào hồ sơ xử lý tiêu hủy.
Toàn bộ quá trình tiêu hủy phải được giám sát từ khi cắt seal đến khi tiêu hủy toàn bộ lô hàng, tốn rất nhiều nhân lực. Tuy nhiên, cán bộ, công chức giám sát tiêu hủy chỉ làm việc 8 giờ/ngày, một số thời điểm không đủ thành viên tham gia đã khiến quá trình tổ chức tiêu hủy phế liệu bị gián đoạn và kéo dài.
Chính vì thế, tiến độ tiêu hủy thời gian qua rất chậm, chưa kể điều kiện làm việc của cán bộ, công chức giám sát tiêu hủy không được bảo đảm, về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Quá trình xử lý tiêu hủy phế liệu bằng phương pháp đốt với nhiệt độ trên 1.000 độ C còn gây ô nhiễm môi trường, gây độc hại mà mắt thường không nhìn thấy được...
Trước tình hình trên, vừa qua Cục Hải quan TP. HCM đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan, báo cáo những vướng mắc trong việc tiêu hủy phế liệu tồn đọng. Đồng thời gửi công văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành liên quan, đề nghị xem xét lại đánh giá tác động môi trường của việc tiêu hủy để có căn cứ báo cáo, đề xuất với Tổng cục Hải quan những biện pháp xử lý phù hợp.