"Gỡ vướng” nguồn vật liệu cho Dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía đông

Chủ nhật, 19/09/2021 16:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước việc thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp phục vụ Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác, nâng công suất, trữ lượng mỏ vật liệu bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (Dự án) đi qua 13 địa phương gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tế tại nhiều dự án thành phần thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT - đất san lấp, đất đắp) để phục vụ thi công.

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ngày 14/9/2021 về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hiện nay vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT vẫn chưa được tháo gỡ, dự án vẫn thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp. Do đó, việc tìm giải pháp "gỡ vướng" cho vấn đề này đang là ưu tiên được Chính phủ, các bộ, ngành đặt lên hàng đầu, mang tính cấp bách.

go vuong nguon vat lieu cho du an xay dung cao toc bac nam phia dong hinh 1

Việc triển khai thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cũng được cho là thiếu khoảng 1 triệu m3 đất san lấp.

Bài liên quan

Nhiều ''rào cản'' để tiếp cận nguồn nguyên liệu 

Ngày 16/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP Về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Theo Nghị quyết, UBND cấp tỉnh được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công Dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc.

Các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường...

Cũng tại Nghị quyết nêu trên, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ: GTVT, Xây dựng, Công an, Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, LĐ-TB&XH thành lập 5 Đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án. Có thể thấy, Nghị quyết 60/NQ-CP được xem như "chìa khóa" để mở nút thắt trong việc thiếu VLXDTT để phục vụ thi công Dự án.

go vuong nguon vat lieu cho du an xay dung cao toc bac nam phia dong hinh 2

Ngày 30/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) và dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa).

Song song với những chỉ đạo, ngày 30/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) và dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) thuộc Dự án và đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho việc cung cấp VLXDTT.

Cùng với chỉ đạo từ Chính phủ, các Bộ GTVT, TN&MT cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ những khó khăn cho dự án, nhất là việc thiếu VLXD để thi công. Nhưng vì sao "gỡ" mà vẫn "vướng"?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, còn vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác VLXDTT đối với các mỏ cấp phép mới như: Cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất… theo quy định của Luật Khoáng sản.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên thì cho biết, 13 địa phương mà dự án đi qua có các đặc điểm khác nhau, như Vĩnh Long và Tiền Giang không có mỏ đất sét đủ điều kiện để đắp nền đường, phải lấy từ địa phương khác. Đồng Nai, Bình Thuận có mỏ nhưng vị trí xa điểm thi công, làm tăng chi phí vận chuyển. Thanh Hóa, Nghệ An thì khẳng định không cần cấp mới mỏ, chỉ cần nâng công suất mỏ hiện thời là đủ đáp ứng nhu cầu. Với Ninh Bình, chỉ cần cấp mới thêm 1 mỏ là đáp ứng được cho xây dựng 3 đoạn cao tốc trên địa bàn.

Sau khi Nghị quyết 60/NQ-CP được Chính phủ ban hành, đến nay đã có 24 giấy phép được cấp mới, 8 giấy phép nâng công suất. Có 36 giấy phép thăm dò được cấp. Hiện nay, các địa phương đã quy hoạch 189 mỏ để cung cấp nguyên vật liệu.

Còn theo phản ánh của Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), trình tự xin giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp như khoáng sản khác phải theo quy định của pháp luật về khoáng sản mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục phức tạp.

Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế, đơn vị này có đề xuất những khu vực có nguồn đất làm vật liệu san lấp có chất lượng tốt để làm đường giao thông nhưng không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nên Sở TN&MT không thể hướng dẫn để lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp ở khu vực nằm ngoài quy hoạch theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Cũng theo quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 62 Luật Đất Đai năm 2013, việc khai thác khoáng sản làm VLXDTT không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phải thỏa thuận với người dân. Chính vì vậy, nhiều mỏ VLXDTT dù đã được quy hoạch và cấp phép khai thác nhưng chưa triển khai thực hiện do chưa thỏa thuận được việc sử dụng đất với người dân.

go vuong nguon vat lieu cho du an xay dung cao toc bac nam phia dong hinh 3

Sơ đồ tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông. Ảnh: Báo Giao thông.

Giải pháp để “gỡ vướng”

Để đảm bảo nhu cầu vật liệu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất đắp theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương đảm bảo về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động; không giới hạn về công suất nâng so với công suất ghi trong giấy phép khai thác.

Về giá VLXD, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện có xu hướng giảm so với tháng 6. Ông Hùng cho rằng, đối với cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nên cho phép xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh vì thi công theo tuyến, công trường xa khu dân cư.

Còn ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Vinaconex (đơn vị thi công một số gói thầu tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông) thì đề nghị các địa phương quan tâm đến việc nâng công suất khai thác cho các mỏ phục vụ riêng cho các dự án cao tốc, đặc biệt là các mỏ mới. Ông Mậu cho rằng, công suất khai thác mới là con số quyết định cho việc lấy được bao nhiêu đất đưa vào phục vụ thi công dự án chứ không phải là trữ lượng của mỏ.

go vuong nguon vat lieu cho du an xay dung cao toc bac nam phia dong hinh 4

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không lùi tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong đòi hỏi thực tế cần 23 triệu m3 đất đắp, trong chỉ đạo ngày 17/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm VLXDTT, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP; chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành kịp thời, đầy đủ chỉ số giá xây dựng phù hợp với thực tế biến động thị trường và tính chất dự án.

Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT khẩn trương báo cáo về kết quả kiểm tra theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 60/NQ-CP; phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, trước ngày 20/9/2021 trình Chính phủ xem xét điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép.

Các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc địa phương, đồng thời kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác, nâng công suất, trữ lượng mỏ vật liệu bảo đảm tuyệt đối an toàn về môi trường, lao động trong khai thác.

Từ thực tế nêu trên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cần “xắn tay áo”, quyết liệt khắc phục những khó khăn, vướng mắc của Dự án để dự án sớm về đích.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

(CLO) Sáng 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN – sự kiện quan trọng được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

(CLO) Chính phủ sẽ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tin tức
Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Tin tức
Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

(CLO) Thương mại song phương Việt Nam - Lào trong quý I năm 2024 đạt 476,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Tin tức