Vụ bắt giữ “núi nhôm” giả mạo hàng Việt chờ đi Mỹ:

Góc khuất sau thương vụ tỷ đô?

Thứ năm, 07/11/2019 09:53 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vụ việc bắt giữ hàng triệu tấn nhôm chờ xuất đi Mỹ gây xôn xao dư luận vừa qua không chỉ khiến người dân lo lắng, bức xúc về tình trạng nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt lừa dối người tiêu dùng mà còn cho thấy “lỗ hổng” lớn trong việc định danh hàng hóa.

Ai “phù phép” cho thương vụ tỷ đô?

Thông tin Tổng cục Hải quan chặn đứng 1,8 triệu tấn nhôm chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc, ước tính trị giá khoảng 4,2 tỷ USD được “phù phép” xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Bởi theo các chuyên gia, điều tai hại nằm ở chỗ, nếu những sản phẩm nhôm Trung Quốc gắn mác Việt Nam được xuất vào Mỹ, qua kiểm tra bị Mỹ phát hiện, thì ngay lập tức, hàng Việt sẽ phải lãnh hậu quả, bị “kết tội” lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó và sản phẩm nhôm Việt Nam phải chịu mức thuế cao “ngất ngưởng” từ Mỹ. Hệ quả là nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm chân chính của Việt Nam cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi các công ty này vốn đã phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến căng thẳng và chưa có hồi kết.

Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện hàng loạt vụ gian lận xuất xứ hàng hóa. Ảnh: TL 

Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện hàng loạt vụ gian lận xuất xứ hàng hóa. Ảnh: TL 

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên dư luận chứng kiến chuyện “đội lốt” hàng Việt. Hẳn mọi người vẫn chưa quên vụ việc lụa Khaisilk xảy ra năm 2018, một thương hiệu được xem là “sản phẩm cao cấp” của Việt Nam được nhiều nơi dùng làm quà tặng như “quốc hồn, quốc túy” bị làm giả. Ngoài lụa, sản phẩm điện tử thì sản phẩm gỗ ép, ván ép của Việt Nam xuất khẩu cũng đang được cơ quan hải quan, lực lượng chống buôn lậu liên tục cảnh báo thời gian qua. Theo đó, đã có hiện tượng nhà đầu tư lập nhà xưởng nhưng thực chất là nhập gỗ thành phẩm, sơ chế qua, sau đó xuất đi hoặc tiêu thụ trong nước. Điều đó khiến gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để “né” thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.

Không chỉ hàng hóa xuất khẩu bị “đội lốt” hàng Việt, mà ngay chính hàng hóa trong nước làm giả cũng đang bị giả mạo là hàng “made in Vietnam”. Sự việc của Asanzo diễn ra mới đây hay tình trạng nông sản “đội lốt” xuất xứ Đà Lạt, Sa Pa đánh lừa người tiêu dùng… là những minh chứng cho thấy còn tồn tại quá nhiều “lỗ hổng” trong khuôn khổ pháp lý để các đối tượng dễ dàng lợi dụng. Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, tuy nhiên để một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam thì vẫn chưa có quy định cụ thể. Nói cách khác, chúng ta chưa có một thước đo rõ ràng để xác định quá trình sản xuất thế nào, hàm lượng giá trị bao nhiêu thì doanh nghiệp có thể tự tin dán nhãn “made in Vietnam” lên sản phẩm. Chính vì vậy, hàng “Made in Vietnam” được hiểu khác nhau và cũng được gắn mác tràn lan khiến hàng Việt dễ bị tổn thương trong các cuộc “đấu trí” về thương mại giữa các nước lớn, làm bạn hàng cảnh giác, nghi ngại.

Không chỉ bị phát hiện “giả mạo” ngay tại cửa khẩu, theo cảnh báo của Tổng cục Hải quan, đã có tình trạng mang hàng xuất xứ Trung Quốc vào các khu công nghiệp của Việt Nam để lắp ráp, hoặc chỉ gắn nhãn mác bao bì “Made in Vietnam”. Bộ Công Thương cũng nhận định, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân “lúng túng” khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm. Điều đó khiến Việt Nam có thể bị biến thành thị trường, phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu chiến lược nếu  không có giải pháp căn cơ chống hàng lẩn tránh xuất xứ. Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh bằng việc lắp ráp và gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gia tăng nguy cơ gian lận khi xuất khẩu. Điều đáng ngại hơn chính là sự tiếp tay của một số doanh nghiệp Việt cho hành vi này, nhằm mục đích trục lợi trước mắt. Chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, thực trạng của việc gian lận xuất xứ hiện nay đặt ra vấn đề cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, quy định về xử lý vẫn còn nhiều lỗ hổng, việc quản lý giám sát trên thị trường chưa đầy đủ. Hầu hết các hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính với mức rất nhẹ. Ngoài ra, sự lơ là thực thi nhiệm vụ, sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý, thậm chí có sự “thông đồng” của một số cán bộ biến chất khiến cho việc kiểm tra, giám sát việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xuất xứ càng trở nên khó khăn. Việc kiểm tra, quản lý bị buông lỏng đã “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,… tràn ngập thị trường, thậm chí ngay cả trong các siêu thị. Đây là thách thức lớn cho Việt Nam trong việc làm trong sạch thị trường nhằm để thực hiện các cam kết thương mại đa phương và song phương, đồng thời lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Bịt “lỗ hổng” bằng cách nào?

Lỗ hổng xuất phát từ việc quản lý, chính sách lỏng lẻo cộng với sự chủ động vi phạm luật pháp, lách luật của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi khiến gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp có nguy cơ bùng phát mạnh, nhất là vào dịp cuối năm, cận kề Tết. Theo khuyến nghị từ Bộ Công Thương, ứng phó với gian lận xuất xứ hàng hóa, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại…

Ngoài ra, chúng ta phải có chính sách bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ “sân nhà”, ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Để làm được việc này, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng, bán phá giá tại thị trường Việt để bảo vệ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các sản phẩm nhập khẩu muốn minh bạch rõ ràng, nhất thiết phải có bộ tiêu chí định nghĩa thế nào gọi là hàng Việt. Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng các quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với hàng hóa gian lận xuất xứ.

Đặc biệt, các mặt hàng giả mạo xuất xứ sản xuất tại nước ngoài phải bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu mới hiệu quả. Khi đã lọt vào trong nước, việc kiểm tra mất rất nhiều công sức cho cơ quan chức năng. Việc để hàng giả có xuất xứ nước ngoài đi sâu vào nội địa là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, biên phòng, hải quan… thiếu đồng bộ. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng, nhãn mác hàng hóa nhất là các mặt hàng có nguy cơ cao chuyển tải bất hợp pháp. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Hơn thế nữa, hành vi gian lận xuất xứ cần phải xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật, thậm chí khởi tố hình sự để tăng tính răn đe, cảnh tỉnh các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước.

Ngọc Thành

Tin khác

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm