Google xin lỗi vì nhầm ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh
(CLO) Liên quan đến việc hình ảnh tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của bà Sương Nguyệt Anh không chính xác, đại diện Google ở Việt Nam đã lên tiếng xin lỗi.
Trao đổi với báo chí chiều 2/2, đại diện Google ở Việt Nam cho biết, ngày 1/2/2023, Google đã thực hiện một Doodle đặc biệt nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của bà Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút của tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, Doodle này đã thể hiện hình ảnh không chính xác với chân dung của bà Sương Nguyệt Anh. Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự cố này và đã tạo nên những xao lãng không đáng có trong việc tôn vinh các thành tựu đáng kính của bà Sương Nguyệt Anh", đại diện Google ở Việt Nam cho hay.

Hình ảnh Google Doodle vinh danh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh ngày 1/2
Trước đó, ngày 1/2, trên trang tìm kiếm của Google tại Việt Nam, logo của công cụ này được cách điệu thể hiện hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh mặc áo dài, tóc búi cao, xung quanh là các trang viết, bình hoa mai. Tác phẩm do họa sĩ Camelia Phạm thực hiện.
Ngay sau đó, nhiều ý kiến cho rằng tác giả nhầm lẫn hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh. Người trong tranh được cho là nhà giáo Đặng Kim Chi - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh.
Sau đó, đại diện Google Việt Nam xác nhận đã sử dụng Doodle nhằm tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh nhưng hình ảnh có phần không chính xác với chân dung của nữ sĩ này.
Họa sĩ Camelia Phạm - người thể hiện bức tranh cũng đăng lời xin lỗi và mong công chúng bỏ qua sai sót.
Theo hoạ sĩ Camelia Phạm, khi Google ngỏ ý hợp tác vẽ một tác phẩm vinh danh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, bên phía Google có đưa ra một số gợi ý.
Hình ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh trong cuốn "Trí thức Nam Bộ tiêu biểu từ cuối thế kỷ XIX đến 1975" được cho là chân dung bà Đặng Kim Chi. Ảnh: NXB Văn hóa Văn nghệ
2 hình ảnh đến từ kết quả tìm kiếm trên Google với từ khoá "Sương Nguyệt Anh". Ảnh: PNO
Phác thảo của hoạ sĩ Camelia Phạm được chia sẻ trên fanpage. Ảnh: PNO
Khi hoạ sĩ tìm kiếm bằng từ khóa “Sương Nguyệt Anh” trên Google, chỉ có một số ít kết quả hiện ra, trong đó có 2 hình ảnh chính. Trong đó, 1 ảnh đen trắng chụp chân dung người phụ nữ vấn tóc cao, mặc áo dài, đeo khuyên tai. Ảnh còn lại là người phụ nữ mặc áo dài xanh.
Hoạ sĩ Camelia Phạm đã vẽ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh dựa trên những hình ảnh tìm kiếm được, tuy nhiên, người trong ảnh được cho là bà Đặng Kim Chi - Hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh, không phải nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sinh ngày năm 1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, tên thật Nguyễn Thị Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Cha bà là nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Chiểu. Bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ Nữ giới chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam từ ngày 2/1/1918.
Thế Vũ