Góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng…

10/02/2025 06:36

(CLO) Cuộc thi do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp. Với ý nghĩa của cuộc thi, sự tâm huyết, yêu biển, yêu môi trường của các tác giả thể hiện trong những tác phẩm dự thi đã lan toả mạnh mẽ chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương - Vì một Việt Nam xanh hơn”. Phóng viên đã chia sẻ với các giám khảo, tác giả tham dự sau sự kiện trao giải.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP. HCM – Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi:

Lan tỏa sâu rộng công tác bảo vệ môi trường biển

Tôi cho rằng, những tác phẩm tham gia cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ hai đều được các tác giả đầu tư tốt, thể hiện tình yêu môi trường, biển, thiên nhiên vào câu chữ, hình ảnh, Clip… có sức lan tỏa sâu rộng. Tôi rất tâm đắc, cuộc thi năm nay có nhiều tác phẩm của chính nhân vật viết về những việc họ đã và đang làm. Ví dụ như cô giáo Lê Thị Hảo (Quảng Bình) viết không thua kém một Nhà báo, viết về những hoạt động do cô tổ chức về sống xanh cho học sinh, phụ huynh, cộng đồng qua đó hình thành các câu lạc bộ … Những câu chuyện thực tế của những người trong cuộc như vậy sẽ có sức lay động, lan tỏa đối với người xem, cộng đồng. Tôi cho rằng, Cuộc thi năm nay thu hút được những tác giả như vậy là một thành công rất lớn cần phải phát huy.

gop phan thay doi nhan thuc cong dong hinh 1

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon và bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí trao Giải Nhì cho tác giả: Lê Thị Hảo – Giáo viên Trường THCS Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình

Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” là cuộc thi truyền cảm hứng không chỉ cho những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên và được cộng đồng xã hội hướng ứng. Cuộc thi cho chúng ta thấy, trong cộng đồng có rất nhiều nhân vật, câu chuyện hay mà các nhân vật âm thầm bảo vệ môi trường, bảo vệ biển, bảo vệ cuộc sống… nhằm lan tỏa ý nghĩa của công tác này. Qua cuộc thi cũng cho thấy, chúng ta cần tổ chức những cuộc thi như thế này để làm sao những câu chuyện đó được nhân rộng, chia sẻ nhiều hơn. Và khi trao giải, chúng ta lại được lắng nghe những tác giả, nhân vật trong tác phẩm thì mới thấy được “hậu trường” của những tác phẩm, thấy được tình yêu thiên nhiên, với biển thì những người trong cuộc mới làm được những điều khó khăn, vất vả và kỳ công để giới trẻ hiểu hơn về vấn đề sống xanh, nghĩ xanh, giữ màu xanh của biển…

Ví dụ như những đề tài như đưa rác về từ biển khơi, yêu biển theo cách của ngành Kỹ thuật… để giới trẻ coi đó là chuyện đương nhiên, bình thường góp phần bảo vệ sự sống, trái đất. Đồng thời, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên góp phần phát triển của đất nước ta một cách bền vững hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam trước cộng đồng thế giới.

Cô giáo Lê Thị Hảo – Giáo viên Trường THCS Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình đoạt giải Nhì: 

 Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng ai

Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” là có rất nhiều nhiều ý nghĩa, nhân văn và sâu sắc vì thông qua Cuộc thi sẽ phát hiện được các đề tài, ý tưởng, nhất là do đối tượng tham gia không chỉ là những Nhà báo mà cả những đối tượng ở các ngành, nghề khác nhau, địa phương khác nhau, nhờ đó có được nhiều góc nhìn, đề tài từ những vấn đề nhỏ trong cuộc sống, đến những chủ trương, chính sách, dự án về bảo vệ môi trường biển.

Tác phẩm của tôi là với chủ đề: Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh để giữ biển xanh gồm 4 bài. Bài 1: Thực trạng môi trường biển và nhận thức của người dân. Bài 2: Từ nhận thức đến hành động. Bài 3: Giải pháp xanh thúc đẩy sinh kế xanh. Bài cuối: Những tín hiệu vui và bài học kinh nghiệm.

Trong đó viết về bản thân trong việc thực hiện các dự án thay thế hộp đựng đồ ăn sáng làm từ lá cây cho hộp xốp và túi ni lông…và công trình nghiên cứu đốt rơm rạ trong môi trường yếm khí để lấy tro láng trên bề mặt sân phơi muối nhằm tăng sản lượng, chất lượng muối và hạn chế việc đốt rơm rạ gây ảnh hưởng môi trường. Những bài viết có số liệu khảo sát, so sánh, phân tích, có sự đầu tư kiến thức khoa học nghiêm túc, công phu. Đặc biệt, các nghiên cứu đã được cơ quan chức năng kiểm định, công nhận, ghi nhận, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Qua tác phẩm của mình, tôi muốn gửi tới thông điệp là bảo vệ môi trường biển nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, không phải của Chính phủ, các Bộ, ban ngành mà là trách nhiệm của mọi cá nhân, mọi công dân từ những hành động nhỏ nhất trong đời sống như giảm rác thải nhựa. Những hành động nhỏ đó nếu lan tỏa càng nhiều cá nhân sẽ góp phần tạo thành hoạt động lớn nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời, nếu không có những hành động nhỏ sẽ không có những hành động lớn, ý tưởng lớn về bảo vệ môi trường. Tôi mong muốn những đề tài, bài viết tại cuộc thi sẽ tiếp tục được lan tỏa, phát huy, nhân rộng ra cộng đồng góp phần thực hiện cam kết hướng tời phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

gop phan thay doi nhan thuc cong dong hinh 2

Một số hình ảnh minh hoạ trong tác phẩm: Nghĩ xanh, làm xanh, sống xanh để giữ biển xanh

Tác giả Ái Trinh đoạt giải Ba:

Góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa sâu rộng thông điệp vì môi trường xanh bền vững

Ngay sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phát động cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Hai năm 2022 - 2024, tôi đã rất háo hức. Đây không chỉ là cơ hội tốt để tôi và mọi người không chỉ được tham gia cuộc thi mà còn góp tiếng nói thay đổi nhận thức cộng đồng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Có thể nói, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tạo ra một không gian vui, chia sẻ và lan tỏa tình yêu biển.

Tôi đã có 5 bài dự thi được đăng trên Báo Tài Nguyên và Môi trường, trong đó có một bài 5 kỳ: Mang rác về bờ để mang cá về bờ, được giải Ba cuộc thi. Cuộc thi đã tạo ra nhiều tác động xã hội nhất định; những nỗ lực bảo vệ môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, những sự kiện cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển; những hình ảnh chỉ ra nguyên nhân hủy hoại môi trường biển, hệ sinh thái biển, tác động đến con người, sinh vật, môi trường sống của muôn loài…đã được chia sẻ và lan tỏa trong cộng đồng. Và điều khiến tôi vui không kém là dữ liệu, thông tin từ loạt bài Mang rác về bờ để mang cá về bờ đã trở thành tài liệu phục vụ đắc lực cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tham khảo học hỏi mô hình thu gom rác từ tàu cá đưa về bờ của Bình Định.

Chuỗi bài viết đi từ việc chỉ ra nguyên nhân hủy hoại môi trường biển, hệ sinh thái biển, tác động đến con người, sinh vật đến nỗ lực của các bên liên quan, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và cộng đồng ngư dân chung tay chống rác thải nhựa. Tiếp đến là hình ảnh ngư dân vui vẻ mang rác về bờ vì họ đã nhận thức được ý nghĩa của việc đang làm và hiệu quả đạt được của mô hình. Kết thúc chuỗi bài viết là ước vọng về Mai ngày cá bạc đầy khoang với những chỉ dấu thuyết phục về môi trường biển trong lành ở Bình Định như hệ sinh thái rạn san hô dần phục hồi, rùa biển, thú biển liên tục xuất hiện...

Đặc biệt những nhân vật trong các bài viết xem việc được xuất hiện trên Báo Tài nguyên và Môi trường là nguồn động viên lớn. Chính từ đây, nhiều người thêm hăng say làm việc, góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa sâu rộng thông điệp vì môi trường xanh bền vững. Cuối cùng, việc giữ màu xanh của biển không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là sự chung tay của toàn xã hội. Nếu mỗi người đều nhận thức được rằng, bảo vệ biển chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta, thì việc gìn giữ màu xanh của biển sẽ trở thành một thói quen tốt, một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

An Vinh (ghi)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng…
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO