Hà Nam: Chủ động, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu
(CLO) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam - Cơ quan Thường trực phòng chống dịch của ngành Y tế tỉnh vừa có công văn gửi các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Công văn nêu rõ, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và 1 trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hoà) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu cho người dân xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - Ảnh: TÂM PHẠM
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đề nghị các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, của UBND tỉnh và của Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại đơn vị, địa phương.
Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn/tại đơn vị, thông báo kịp thời tới các đơn vị y tế dự phòng khi có trường hợp mắc bệnh/trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để phối hợp tiến hành điều tra ca bệnh, yếu tố dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dự phòng lây nhiễm.
Đối với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường giám sát chặt chẽ, tích cực phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh bạch hầu theo “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu” của Bộ Y tế.
Tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca nghi mắc/mắc bệnh bạch hầu trong cộng đồng, trường học, doanh nghiệp và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp chuyển nặng và tử vong, kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp lấy mẫu làm xét nghiệm hoặc gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý theo quy định không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.
Tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân (nếu có), thực hiện phân tuyến điều trị theo quy định. Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh.
Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi và trẻ 18 tháng tuổi.
Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, đặc biệt chú ý đến những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, ca bệnh bạch hầu thường ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc. Giả mạc này màu trắng xám, dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng, thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân bạch hầu; 26 - 40% bệnh nhân có khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.
Các triệu chứng thường gặp khác ở bệnh nhân bạch hầu như: đau họng (85 - 90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to.
Sau có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho ông ổng, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.
Đến nay, bạch hầu được điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (Anti-Diphteria Serum-ADS). Các kháng sinh thông thường như Penicillin G, Erythromycin hoặc Azithromycin có thể diệt được vi khuẩn bạch hầu, thời gian điều trị từ 10-14 ngày.
Với căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất.