Hà Nam: Hơn 5.000 ha lúa mùa thiệt hại do mưa úng

23/07/2024 16:36

(CLO) Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn cùng với đó là trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện, do đó việc tiêu úng rất khó khăn. Ước tính có 5.000 ha lúa mùa bị thiệt hại do ngập úng.

Cụ thể, qua kiểm tra, đánh giá của Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam), có hơn 5.000 ha lúa mùa bị thiệt hại do ngập úng.

Trong đó 1.639,2 ha bị thiệt hại 30% số cây lúa, 1.689,5 ha bị thiệt hại từ hơn 30 – 70% số cây, 1.685,5 ha thiệt hại trên 70% số cây.

ha nam hon 5000 ha lua mua thiet hai do mua ung hinh 1

Hợp tác xã dịch vụ nông thôn xã Liêm Túc (Thanh Liêm) sử dụng máy bơm dã chiến tiêu úng cho lúa mùa.

Thiệt hại tập trung chủ yếu ở các huyện: Thanh Liêm 2.874,8 ha, Bình Lục 1.550 ha, Lý Nhân 230 ha, Kim Bảng 18 ha, thị xã Duy Tiên 10 ha và thành phố Phủ Lý 331,4 ha.

Để chủ động các giải pháp tiêu úng cho cây trồng, hiện nay, các đơn vị thủy nông phục vụ trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục vận hành hơn 120 máy bơm tiêu úng. Đồng thời, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sử dụng máy bơm điện, máy bơm dầu dã chiến tiêu úng cục bộ cho lúa mùa.

Những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại chỉ đạo nông dân chủ động gieo mạ nền cứng, mạ khay, tìm mua mạ dự phòng từ nơi khác để chuẩn bị các điều kiện gieo cấy lại các diện tích thiệt hại trên 70% số cây. Cùng với đó, tỉa dặm tại chỗ và điều tiết lúa từ diện tích chân cao gieo xạ dầy để dặm cho các diện tích thiệt hại.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã có hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng sau mưa, úng những ngày vừa qua.

Theo đó, để chủ động ứng phó và hạn chế tối đa ảnh hưởng do mưa úng gây ra, đối với cây lúa, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu sử dụng tối đa nguồn mạ dự phòng theo Kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2024, vụ Đông 2024-2025 (đã triển khai) để gieo cấy lại các diện tích lúa bị chết để bảo đảm mật độ.

Chủ động tỉa dặm tại mỗi ruộng từ chỗ dày sang chỗ trống. Trường hợp không còn mạ dự phòng: Chủ động liên hệ với các địa phương trong và ngoài tỉnh để có sự phối hợp, bố trí kịp thời về nguồn mạ bổ sung (Chú ý, khi lấy nguồn mạ từ nơi khác phải bảo đảm cùng giống và cơ bản phải cùng tuổi mạ).

Chủ động liên hệ các đại lý, doanh nghiệp ngay để bảo đảm có nguồn giống (phải là giống ngắn ngày). Tiến hành gieo mạ nền cứng, mạ khay…để cấy lại trong thời gian nhanh nhất có thể, phấn đấu xong trước ngày 26/7 để bảo đảm về diện tích và cơ bản về năng suất. (Chú ý, áp dụng cho diện tích gieo cấy lại toàn bộ).

Đối với các diện tích cây lúa có biểu hiện sinh trưởng chậm: Tiến hành phun ngay bằng các chế phẩm như: Atonik 1.8 SL; Orgamin; Alsti; Poly-feed; Multirice; Comcat 150WP….để cây trồng phục hồi nhanh.

Đối với các diện tích lúa trà sớm, chân cao, giai đoạn cuối đẻ nhánh, phân hóa đòng, chỉ đạo bón đón đòng kịp thời với lượng 3,0-3,5kg kali/sào.

Đối với cây rau màu: Những diện tích bị thiệt hại, chuẩn bị ngay hạt giống để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Thu hoạch sớm đối với cây rau màu có thể cho thu hoạch và chuẩn bị gối vụ.

Đối với diện tích rau màu bị ngập thời gian sinh trưởng ngắn; cây còn nhỏ có khả năng phục hồi: Trồng dặm các cây đã bị mất để bảo đảm mật độ, xới nhẹ mặt luống rau nhằm cung cấp ô xi cho bộ rễ, kết hợp phun bổ sung chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân, Asti; Atonik; Comcat 150WP…theo hướng dẫn trên bao bì.

Đối với các vườn cây ăn quả: Xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây. Tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, bộ rễ phát triển.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nam: Hơn 5.000 ha lúa mùa thiệt hại do mưa úng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO