Hà Nam: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng

24/05/2024 06:32

(CLO) Số ca bệnh ghi nhận từ đầu năm có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ngành Y tế Hà Nam đang phối hợp cùng các đơn vị triển khai nhiều phương án phòng, chống.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bật tật tỉnh (CDC) Hà Nam, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù những tháng đầu năm không phải là thời điểm dịch bệnh phát triển mạnh, nhưng theo ghi nhận ở các huyện, thị, thành phố, sốt xuất huyết vẫn rải rác xuất hiện ở các địa bàn.

Cũng theo CDC Hà Nam, tính từ tháng 1 đến hết trung tuần tháng 5/2024, toàn tỉnh có 29 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023.

ha nam so ca mac benh sot xuat huyet co chieu huong tang hinh 1

Để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của tuyến y tế cơ sở và người dân. Ảnh minh họa: KG

Trong đó, thị xã Duy Tiên có 9 trường hợp (tăng 8 ca), thành phố Phủ Lý 7 trường hợp (tăng 5 ca), huyện Thanh Liêm 6 trường hợp (tăng 5 ca), huyện Lý Nhân 5 trường hợp (giảm 1 ca), huyện Kim Bảng 2 trường hợp (tăng 1 ca). Bình Lục là địa phương duy nhất chưa xuất hiện ca bệnh từ đầu năm đến nay.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo quy định.

Tăng cường giám sát các yếu tố nguy cơ, ghi nhận nhiều dụng cụ chứa nước chưa được lật úp hoặc đậy kín, nhiều phế thải đọng nước chưa được xử lý tại các địa phương và khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp cùng với Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý giám sát bệnh nhân, véc tơ truyền bệnh và yếu tố nguy cơ tại nhiều địa bàn dân cư. Nhiều ổ bọ gậy/ loăng quăng mang vec – tơ phụ Aedes. Albopictus được phát hiện và bắt xác định chỉ số BI. Muỗi Aedes. Albopictus là loài muỗi được đánh giá ít có vài trò truyền bệnh do ít hút máu người và có thể sống ngoài thiên nhiên. Nó sẽ phát triển mạnh vào mùa mưa khi nhiệt độ trung bình tăng lên 20 độ C.

Muỗi truyền dịch sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào dụng cụ chứa nước sạch trong nhà như thùng, lu, vại, khạp chứa nước, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải... Loại trứng này có thể chịu được trong điều kiện khô ráo, tồn tại trong thời gian dài nhiều tháng khi gặp nước, trứng sẽ nở.

Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố đã chỉ đạo y tế xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường, lật úp các đồ vật chứa nước trong gia đình, không tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng, muỗi phát triển.

Để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của tuyến y tế cơ sở và người dân trong việc tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy. Đặc biệt, khi có các biểu hiện của sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau hốc mắt... người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự điều trị tại nhà.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nam: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO