Hà Nội biến trụ sở cũ, nhà máy bỏ hoang thành trung tâm công nghiệp văn hóa
(CLO) Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đang được lấy ý kiến, cho phép tận dụng công trình tài sản công như trụ sở cơ quan đã di dời, cơ sở sản xuất bỏ hoang hay hạ tầng chưa sử dụng để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa.
Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc thành lập và hoạt động của các trung tâm công nghiệp văn hóa phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô. Đây được xem là kim chỉ nam để Hà Nội vừa giữ gìn di sản văn hóa nghìn năm, vừa tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Tổ hợp Complex 01 được xây dựng trên nền đất Nhà máy in Công đoàn cũ (ảnh minh họa). Nguồn: IT
Các trung tâm này sẽ kết hợp yếu tố truyền thống với công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm văn hóa độc đáo, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra khu vực và thế giới.
Theo đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được định nghĩa là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, bao gồm quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa...
Đặc biệt, việc lập quy hoạch tại các khu vực như bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải tuân thủ quy hoạch Thủ đô, quy hoạch đê điều, đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Một điểm nổi bật của nghị quyết là việc cho phép sử dụng công trình tài sản công, như các cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan đã di dời, hoặc công trình hạ tầng chưa được giao, cho thuê để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực sẵn có mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia. Nghị quyết quy định rõ, việc sử dụng tài sản công phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Hà Nội cũng khuyến khích kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Các mô hình tổ chức trung tâm có thể là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, tạo sự linh hoạt cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý, nghị quyết khẳng định: "Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững", với hiệu quả được tính toán dài hạn, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Để thu hút đầu tư, Hà Nội đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nổi bật. Các trung tâm công nghiệp văn hóa được miễn tiền thuê công trình trong tối đa 3 năm đầu thành lập, giảm 50% trong 3 năm tiếp theo, đồng thời có thể được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định về khuyến khích xã hội hóa.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hỗ trợ lãi suất vay vốn, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và tham gia các sự kiện quốc tế như lễ hội âm nhạc, hội chợ nghệ thuật.
Nghị quyết cũng tạo điều kiện cho việc huy động vốn, xây dựng hạ tầng và kinh doanh dịch vụ trong trung tâm, đồng thời hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp.
Để đảm bảo hiệu quả, nghị quyết yêu cầu các trung tâm công nghiệp văn hóa phải bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Mọi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Trách nhiệm quản lý được phân cấp rõ ràng, với Sở Văn hóa và Thể thao đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ UBND TP Hà Nội giám sát và phát triển các trung tâm này...
Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp tại các đường link sau:
Dự thảo Nghị quyết về quy định tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa: https://vanban.hanoi.gov.vn/du-thao-cac-van-ban-lay-y-kien-dong-gop/du-thao-nghi-quyet-cua-hdnd-thanh-pho-ve-quy-dinh-ve-to-chuc-va-hoat-dong-cua-trung-tam-cong-ngh-2292