Báo điện tử Congluan.vn đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng phá rừng phòng hộ, sử dụng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ sai mục đích tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã làm nóng dư luận suốt thời gian qua. Hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đáng ra phải là lá chắn, lá phổi xanh của Thành phố thì đến nay lá phổi ấy bị tổn thương nghiêm trọng dưới bàn tay của con người. Những đại gia, trong đó có cả những người có địa vị xã hội đã cố tình hủy hoại rừng, thay vào đó là những khu sinh thái, homestay nghỉ dưỡng, biệt thự nhà vườn sang trọng. Lợi ích của họ thì đã thấy rõ bởi việc kinh doanh dạng du lịch sinh thái, homestay nghỉ dưỡng đang là xu thế mang đến nguồn lợi nhuận cao.
Những khu sinh thái, homestay nghỉ dưỡng, biệt thự nhà vườn như: The Choai Villa Sóc Sơn; The Homie Sóc Sơn; The Moonlight Sóc Sơn; Khu sinh thái Thiên Phú Lâm – Sóc Sơn; Nhà bên rừng U-LESA; Trà hoa viên Sóc Sơn... đều nằm gần Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội). Chỉ cách khoảng gần 2km theo con đường bê tông trải dài từ Ban Quản lý rừng vào tới các khu nghỉ dưỡng trên là những hoạt động san đồi, xẻ núi, xây dựng diễn ra rầm rộ trong nhiều năm. Dư luận đang không hiểu với chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì lãnh đạo, cán bộ của Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội đang làm gì khi hằng ngày rừng phòng hộ bị tàn phá? Theo chúng tôi được biết, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội trong nhiều năm qua là bà Nguyễn Thị Thu Hằng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội. Ảnh: Duy Thế
Hiện nay, theo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện này đang quản lý khoảng hơn 2000 héc ta rừng và Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội cũng đang quản lý diện tích rừng tương tự. Như vậy, với hơn 2000 héc ta (thôn Lâm Trường, xã Minh Phú khoảng hơn 100 héc ta) rừng phòng hộ trong những năm qua, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội dường như đã không làm tròn trách nhiệm của mình, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho phá rừng. Sự phối hợp giữa Ban Quản lý rừng với các đơn vị khác trong việc bảo vệ rừng cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Ông Nguyễn Đức Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: “Tình trạng phá rừng phòng hộ tại khu vực Lâm Trường rất phức tạp nhưng suốt thời gian qua Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội chưa một lần làm công văn hay đề nghị phối hợp cùng UBND xã xử lý những vi phạm. Mọi việc hiện nay đều đổ dồn lên UBND xã trong việc ngăn chặn, xử lý. Chúng tôi đã phải liên tục cử và đôn đốc lực lượng công an xã vào khu vực thôn Lâm Trường để kiểm tra, ngăn chặn...”.
Nhiều cá nhân tiến hành sử dụng đất sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng, phá rừng phòng hộ tại khu vực thôn Lâm Trường, xã Minh Phú đã diễn ra nhiều năm qua nhưng những gì Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội làm được chỉ là trên giấy tờ mà không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn. Cụ thể, vào ngày 12/12/2017, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội có mời nhiều chủ hộ đang quản lý, sử dụng diện tích đất rừng phòng hộ tại thôn Lâm Trường để tiến hành “giải quyết về viêc xây dựng trên đất lâm nghiệp do Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội quản lý và làm bản cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trên đất lâm nghiệp” do ông Lê Văn Sơn – Phó Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội chủ trì. Thời điểm này đã có 10 chủ hộ - chủ sở hữu của những công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ gồm: Ông Nguyễn Kim Khôi, ông Nguyễn Lam, ông Đỗ Việt Anh, ông Hoàng Vượng, bà Vũ Thị Huệ, bà Vũ Thị Hải, ông Ngô Văn Cam và ông Đinh Tiến Vượng, bà Lê Quỳnh Trang, bà Khuất Thị Bích Hà. Kết thúc cuộc họp ngày 12/12/2017, theo Biên bản ghi nhận: “Các hộ dân đều thống nhất nghiêm túc chấp hành việc tháo dỡ các công trình vi phạm; các hộ làm bản cam kết tự nguyện tháo dỡ đối với các công trình vi phạm trên đất lâm nghiệp”.
Hoạt động bạt đồi, xẻ núi đã diễn ra nhiều năm tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú trước sự làm ngơ của Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội. Ảnh: Quốc Trần
Tuy nhiên, cho đến tháng 9/2018 theo Báo cáo của Chủ tịch UBND xã Minh Phú “Về việc xác định nguồn gốc, quá trình, hiện trạng sử dụng đất của các hộ sử dụng đất thuộc Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội quản lý thuộc thôn Lâm Trường” thì số lượng cá nhân vi phạm đã lên tới con số 18. Những cá nhân vi phạm gồm: bà Đào Thị Thanh Thủy (1803m2); ông Lê Minh Khôi và bà Nguyễn Thị Tâm (1813m2); bà Lê Quỳnh Trang (1260m2); bà Vũ Thị Hải (3849m2); bà Vũ Thị Huệ (1809m2); bà Nguyễn Hồng Thủy (1813m2), ông Hoàng Vượng; bà Nguyễn Thị Tuyết (3118m2); bà Trần Thị Kim (3350m2); bà Trần Hồng Hạnh – con bà Ngô Thị Hòa (1095m2); ông Lê Xuân Long (3251m2); bà Lâm Thị Minh Phúc; bà Tạ Phạm Bích Thủy (5080m2); ông Phạm Mạnh Hà (1290m2); ông Đỗ Việt Hùng - anh trai ông Đỗ Việt Anh (1290m2); ông Phạm Đức Thắng - con ông Trần Đình Nhường (1080m2); bà Nguyễn Thị Thu (1080m2); ông Ngô Văn Cam. Các hộ vi phạm đều thuộc khu vực khoảnh 11 và 12 (theo quy hoạch rừng năm 2008) trên địa giới hành chính xã Minh Phú.
Như vậy có thể thấy rằng trách nhiệm trong công tác thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội đang đi thụt lùi. Để xảy ra hàng loạt các công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, hủy hoại môi trường rừng thì với vai trò lãnh đạo Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hằng liệu có thoát được trách nhiệm này?
Những vi phạm được xử lý trên giấy của Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội. Ảnh: Quốc Trần
Cùng với câu chuyện phá rừng, người ta đang cố tình tìm cách đánh lạc hướng khi cho rằng những khu rừng phòng hộ kia (tại xã Minh Trí, Minh Phú...) trước kia chỉ là những khu đồi núi trọc, “người có trước, rừng có sau”. Trong những buổi làm việc với cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn; gần nhất là UBND xã Minh Trí, Minh Phú hay Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn thì luôn cho rằng khó khăn trong việc quản lý bởi có sự chồng chéo quy hoạch. Còn người dân thì nói việc họ vào những khu đồi núi trọc là theo chủ trương, họ đáng ra phải được hưởng quyền lợi hợp pháp thì lâu nay họ không được xây dựng, mua bán chuyển nhượng.
Thực tế liệu có đúng như trên, theo hồ sơ chúng tôi thu thập được thì tại xã Minh Trí hay Minh Phú hoạt động mua bán đất rừng phòng hộ diễn ra một cách rất dễ dàng. Nhiều người dân đã bán trao tay hoặc làm hợp đồng chuyển nhượng có sự chứng thực của lãnh đạo xã. Sau đó là những khu biệt thự, nhà vườn hay homestay nghỉ dưỡng mọc lên như nấm phá tan hoang những cánh rừng phòng hộ. Nhiều người dân cho biết, chủ nhân của những công trình tiền tỷ là toàn là những người dưới trung tâm Hà Nội lên mua rồi chung tay góp vốn xây dựng. Điển hình của việc gom đất đó là việc chủ nhân khu biệt thự, lâu đài Hoàng Lê Gia Garden đã tiến hành mua bán, nhận chuyển nhượng của nhiều người có sự chứng thực của Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí – ông Dương Đức Vượng.
Những bản chứng thực mua bán đất rừng phòng hộ của Phó Chủ tịch xã Minh Trí. Ảnh: Quốc Trần
UBND TP Hà Nội đã vào cuộc chỉ đạo Thanh tra Thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Cùng với đó là việc thực hiện các nội dung theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Thành phố, chỉ đạo xử lý sau Thanh tra của UBND TP liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng tại các kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra, báo cáo UBND TP.
Xử lý nghiêm bất kể là ai Trước đó, tại phiên họp giao ban công tác TP Hà Nội tháng 10 (ngày 30/10/2018), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các đơn vị liên quan là UBND huyện Sóc Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức cưỡng chế, trong tháng 12 này sẽ không còn trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mới nào tồn tại trên đất rừng phòng hộ. Với các công trình vi phạm trước đó, các đơn vị cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. “Sau khi Thanh tra Thành phố thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai” - ông Chung khẳng định. Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ ra trách nhiệm phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Sóc Sơn, Hà Nội với các xã, huyện còn yếu, cần khắc phục ngay. Thành phố đã phân cấp thẩm quyền Thanh tra xây dựng cho các quận, huyện nhưng việc thực hiện vẫn hời hợt. |
Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần