Hà Nội: Chương trình OCOP góp phần 'nâng cấp' sản phẩm làng nghề
(CLO) Từ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm làng nghề được đánh giá, phân hạng, tư vấn, giúp sản phẩm hoàn thiện hơn về mẫu mã, chất lượng và gia tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngày 3/10/2024, tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ trao giải cho các tác phẩm xuất sắc tham gia hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2024.
Đây là một trong những sự kiện nổi bật trong khuôn khổ Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 20.
Tại sự kiện này, Ban tổ chức đã vinh danh, trao giải cho 61 tác phẩm thuộc 5 nhóm: Mây, tre, lá, cói; sơn mài, khảm trai ốc, gỗ mỹ nghệ; gốm sứ và thủy tinh; dệt và thêu; điêu khắc đá, kim khí, hoa nghệ thuật, tranh…

Sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ tại làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ảnh: V.Anh
Trước đó, từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thi làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 lần thứ hai. Hội thi nhằm tôn vinh các sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, tạo ra những tác phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật và ứng dụng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Sau 6 tháng phát động, hội thi đã thú hút được 287 tác phẩm, bộ tác phẩm của 133 tổ chức, cá nhân tham gia.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, việc tổ chức trao giải hội thi sản phẩm làng nghề 2024 là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thành tựu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị, tôn vinh các làng nghề, phố nghề truyền thống.
Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong số này, có 334 làng nghề, nghề truyền thống được thành phố công nhận. Các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong số 2.711 sản phẩm OCOP đã được công nhận, thì các sản phẩm từ các làng nghề là 745 (chiếm 27,5%).
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, xác định làng nghề là dư địa lớn để thành phố phát triển Chương trình OCOP, những năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm hỗ trợ các làng nghề phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề.
Đặc biệt, Chương trình OCOP đã giúp làng nghề tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để sản phẩm làng nghề vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa có những cải tiến phù hợp xu thế hiện đại, hội nhập. Chương trình OCOP còn tạo động lực cho các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề.
“Nhờ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, tư vấn, giúp sản phẩm hoàn thiện hơn về mẫu mã, chất lượng. Việc có chứng nhận khiến sản phẩm gia tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh, tạo niềm tin trên thị trường”, ông Ngôn nói.
Cũng theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Tổng doanh thu của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu hàng năm.
Một số làng nghề có nhiều sản phẩm thích ứng tốt với thị trường, đem lại doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá; làng nghề đồ mộc - may Hữu Bằng, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng…

Một số sản phẩm đạt giải của hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2024. Ảnh: ĐT
Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, bình quân ở mức 7 triệu đồng/lao động/tháng, cá biệt lao động làng nghề điêu khắc mỹ nghệ bình quân đạt 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Ngọ Văn Ngôn cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục hỗ trợ các làng nghề đào tạo truyền nghề, nhân cấy nghề, chú trọng nghề truyền thống, cổ truyền, quan tâm nhiều hơn đến khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu… để phát triển sản phẩm OCOP nhiều hơn, chất lượng nâng cao hơn.
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
Thế Vũ