Hà Nội đang quá tải nhà cao tầng: “Đô thị hóa không đi liền với hiện đại hóa”

Chủ nhật, 24/01/2021 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về quy hoạch đô thị, rất nhiều chuyên gia đánh giá, Hà Nội đang bị quá tải nhà cao tầng, khiến cuộc sống của người dân trở nên tù túng, ngộp thở.

Hà Nội càng ngày càng nhiều nhà cao tầng nhưng đường xá cũng ngày càng tắc nghẽn (Ảnh minh họa)

Hà Nội càng ngày càng nhiều nhà cao tầng nhưng đường xá cũng ngày càng tắc nghẽn (Ảnh minh họa)

Sống ở Hà Nội chắc gì đã sướng!

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chị Quỳnh Trang (SN 1988) nhận thấy, thành phố đã thay đổi quá nhiều.

Chị Trang cho biết, năm 2007, gia đình chị được đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư tại khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội). Thời điểm đó, cả khu đất Mỹ Đình, Trung Yên toàn là đồng không, mông quạnh.

Đường phố thoáng đãng, ít xe cộ. Thi thoảng, chị còn thấy người dân thả gà, chăn bò ở những bãi đất trống.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 10 năm, các khu đất trống ở phía Tây Hà Nội đã thay bằng hàng trăm nhà cao tầng, nối đuôi nhau. Với những người từ nơi khác đến, nhìn thấy cảnh tượng này đều trầm trồ trước sự thay da đổi thịt của Hà Nội.

Nhưng với những người dân như chị Trang, sự đô thị hóa của khu Tây Hà Nội không đi kèm hiện đại hóa.

Chị kể, bình thường, đứa con trai lớn của chị 8h sáng mới bắt đầu vào lớp học. Tuy nhiên, do trường cách nhà gần 5km (nằm ở Mai Dịch), chị Trang phải dậy từ 6h sáng, để tránh tắc đường.

Đã có lúc, chị ra đường chậm vài phút là gặp ngay cảnh giao thông tắc nghẽn ở ngã 4 Phạm Hùng - Mễ Trì. Trong một lần gặp cảnh tắc đường, chị Trang phải mất gần 30 phút loay hoay tại chỗ mới thoát ra được.

“Không chỉ buổi sáng, mà ngay cả giờ tan tầm, từ 16h30 - 18h30, nếu không về nhà nhanh, sẽ tiếp tục gặp cảnh tắc đường lần thứ 2 trong ngày. Do đó, cuộc sống của gia đình lúc nào cũng vội vã”, chị Trang nói.

Cũng giống chị Trang, gia đình anh Chí Duy, hiện đang sống tại tòa A HH Linh Đàm đang phải chật vật với cảnh “tắc nghẽn” ở ngay tòa chung cư này.

Anh Duy cho biết: Vào 7h sáng, thời điểm đi làm, hàng dài người xếp hàng để chờ vào thang máy. Với những hộ gia đình ở tầng cao, những lúc cao điểm phải chờ 30 - 40 phút là chuyện bình thường. Còn với các hộ ở dưới, họ thà đi bộ còn hơn là chờ trong vô vọng.

Chưa hết, do thiếu bãi đỗ xe nghiêm trọng, nên mỗi khi lấy xe vào giờ cao điểm, mọi người đều phải chờ 15 - 20 phút mới tới lượt. Như vậy, chỉ từ nhà cho đến lúc ra khỏi cửa, một người dân tại HH Linh Đàm phải mất gần 1 tiếng đồng hồ.

“Nói ở Hà Nội sướng, nhưng đâu có sướng. Không khí thì khói bụi, đường thì tắc nghẽn, cuộc sống của người Hà Nội quá bí bách và tù tùng”, anh Duy nói.

“Lý thuyết một đằng, cách thực hiện một nẻo”

Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về quy hoạch đô thị, rất nhiều chuyên gia đánh giá, Hà Nội đang bị quá tải nhà cao tầng, khiến cuộc sống của người dân trở nên tù túng, ngộp thở.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công Luận, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội khẳng định:

“Việc Hà Nội đẩy mạnh phát triển các dự án chung cư cao tầng tại khu Tây Hà Nội là việc đáng làm. Tuy nhiên, cần phải có quy hoạch cụ thể và phải đồng bộ với hạ tầng giao thông đi kèm. Còn ở thời điểm hiện tại, trước sự phát triển ồ ạt của nhà cao tầng, giao thông Hà Nội đã trở lên lạc hậu”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét.

Theo ông Nghiêm, trong đề án phát triển chung cư và nhà ở, Hà Nội đặt vấn đề đến năm 2030 phải có 90% nhà ở chung cư là nhà ở cao tầng.

Để giải quyết bài toán này, Hà Nội cũng đã có quy hoạch cụ thể nhà cao tầng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội đang thực hiện quy hoạch theo kiểu “lý thuyết một đằng, thực hành một nẻo”.

Ông Nghiêm nhấn mạnh: Vừa qua, việc xây dựng nhà cao tầng đã có chú trọng tuân thủ theo quy hoạch. Trong đó, có 2 nguyên nhân cần phải quan tâm:

Thứ nhất, muốn làm các công trình kiến trúc cao tầng nhất là nhà chung cư phải gắn với giao thông và vấn đề môi trường. Hiện tại, vấn đề này chưa có sự đồng bộ giữa quy hoạch về giao thông và các dự án phát triển cao tầng, bất cập giữa quy hoạch giao thông và nhà cao tầng.

Ví dụ như tuyến đường Lê Văn Lương có 21 nhà cao tầng nhưng tuyến đường không mở dẫn đến ùn tắc.

Thứ hai, sở dĩ có hiện tượng đường ách tắc một phần là do vấn đề quản lý các phương tiện giao thông dẫn đến ách tắc, ô nhiễm.

Tốc độ đường giao thông tăng không bằng tốc độ các phương tiện giao thông tăng. Trong khi đó, đường giao thông Hà Nội lại thấp hơn so với tiêu chuẩn đặt ra. Thông thường, trong các đô thị lớn, mật độ phải khoảng 20% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông. Nhưng Hà Nội mới chỉ đạt 10%.

Đặc biệt, đường đã thiếu mà phương tiện giao thông lại tăng nhanh (tăng 12,8% phương tiện giao thông), số lượng này đã không đủ khả năng lưu thông trên mật độ quá thiếu.

Ngoài ra, phương tiện công cộng quá ít, diện tích đỗ xe cũng quá ít, đỗ xe tạm lòng đường dẫn đến hiện tượng xâm lấn giao thông càng gây ách tắc, không quản lý được phương tiện giao thông. Cơ cấu phương tiện công cộng không hợp lý”.

Dựa trên 2 yếu tố nêu trên, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Để giải phóng người dân khỏi cảnh tù tùng, bí khách như hiện nay, Hà Nội phải quản lý đồng bộ phương tiện giao thông, phân đường, phân luồng hợp lý.

Đồng thời, phải khai thác không gian ngầm vì hiện nay chưa có khai thác không gian ngầm. Bên cạnh đó, phải sớm điều chỉnh để nâng lưu lượng vận tải, vận tải hành khách bằng giao thông công cộng. Người tham gia giao thông cũng cần có ý thức khi tham gia giao thông.

Lâm Vũ

Tin khác

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

(CLO) Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như đã khôi phục về mức trước đại dịch. Riêng tại Việt Nam, thị trường vẫn đang chờ đợi sự trở lại của dòng khách quốc tế, hứa hẹn có sự tăng trưởng trong năm 2024.

Bất động sản
Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

(CLO) Trước khi được chuyển đổi từ condotel thành chung cư, trước khi được phép huy động vốn, Đà Nẵng Times Square của chủ đầu tư ngập nợ Kim Long Nam bị Đầu tư Phương Trang cầm cố ở ngân hàng.

Bất động sản
Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

(CLO) Nhiều số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm đất nền đang giữ nhịp tăng khá tốt, đặc biệt là sau giai đoạn Tết Nguyên đán. Đó là những dấu hiệu tích cực báo hiệu thị trường đất nền đang bắt đầu bắt nhịp với sự phát triển trong chu kỳ mới.

Bất động sản
Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

(CLO) Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Long An dự kiến sẽ sử dụng 127 khu đất với tổng diện tích hơn 1.000ha để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).

Bất động sản