Hà Nội khôi phục nhiều giống cây đặc sản trong Chương trình OCOP

20/11/2024 21:56

(CLO) Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ khôi phục lại nhiều cây đặc sản như quýt Tích Giang, hồng Yên Thôn, bưởi đường Quế Dương, rau muống tiến vua Sen Chiểu, húng Láng... để đưa vào Chương trình OCOP.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Với nỗ lực, quyết tâm cao, từ năm 2021 đến hết năm 2023, TP Hà Nội đánh giá được 1.657 sản phẩm.

Dự kiến đến hết năm 2024, sẽ có thêm khoảng 510 sản phẩm được đánh giá, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt được trong giai đoạn 2021-2024 lên con số 2.167 - vượt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

ha noi khoi phuc nhieu giong cay dac san trong chuong trinh ocop hinh 1

Chăm sóc rau muống tiến vua tại xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: NM

Tuy nhiên, dù Chương trình OCOP của Hà Nội đi đúng hướng, về đích trước 1 năm song vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là, số lượng sản phẩm 5 sao được công nhận đến nay khá ít, khi mới chỉ có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (tương ứng với tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quốc tế).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề chưa thực sự mặn mà tham gia Chương trình; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm còn nhiều hạn chế; thị trường tiêu thụ chưa thực sự được mở rộng...

Một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội cũng như các địa phương khác, muốn phát triển chuỗi sản phẩm OCOP bền vững, rất cần sự tham gia của các "nhà": Nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất - chế biến, nhà bán lẻ, ngân hàng và cơ quan truyền thông.

Đồng thời, các chủ thể OCOP cần kể được câu chuyện về sản phẩm, vì đây là sự khác biệt để thu hút người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP cũng cần chú trọng thiết kế bao bì bắt mắt hơn để thu hút khách hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, được mệnh danh là “đất trăm nghề” - đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Tuy nhiên, thách thức mà Hà Nội đang gặp phải là làm thế nào để sản phẩm OCOP vừa giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của từng vùng, vừa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

ha noi khoi phuc nhieu giong cay dac san trong chuong trinh ocop hinh 2

Cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội thăm gian hàng mây tre đan của huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thiện Tâm

Ông Chí cho hay, để giải quyết “bài toán khó” này, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP nhằm nâng cao nhận thức về các yêu cầu của thị trường hiện đại; khuyến khích họ áp dụng công nghệ vào sản xuất và bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng.

Đối với các sản phẩm tiềm năng 5 sao, TP Hà Nội đưa ra những yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này đảm bảo rằng khi các sản phẩm OCOP Hà Nội được đưa ra thế giới, chúng sẽ là niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô mà còn của cả nước.

"Chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa để giới thiệu câu chuyện và ý nghĩa văn hóa của mỗi sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn và gắn bó hơn với các sản phẩm OCOP. Những câu chuyện này là cầu nối để truyền tải giá trị văn hóa, giúp người tiêu dùng có cảm giác đang thưởng thức không chỉ là một sản phẩm mà còn là tinh hoa văn hóa của Thủ đô. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng các sản phẩm OCOP đạt chuẩn quốc tế, góp phần đưa thương hiệu OCOP Hà Nội đến gần hơn với bạn bè thế giới", ông Chí nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, sản phẩm làng nghề và các sản phẩm nông sản chế biến của Hà Nội có chất lượng “rất ổn” nhưng vẫn có mặt yếu là thiết kế sáng tạo.

“Người tiêu dùng ngày nay không còn tâm lý tốt gỗ hơn tốt nước sơn như xưa mà yêu cầu sản phẩm phải đẹp từ trong ra ngoài, từ chất lượng đến mẫu mã. Sản phẩm OCOP của Hà Nội cần phải đầu tư nhiều hơn cho khâu thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng vùng miền, từng quốc gia mà sản phẩm hướng tới”, ông Đại chia sẻ.

ha noi khoi phuc nhieu giong cay dac san trong chuong trinh ocop hinh 3

Vườn cây của Hợp tác xã sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (Hoài Đức, Hà Nội)

Về kế hoạch dài hơi hơn, ông Đại cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ khôi phục lại các giống cây đặc sản như quýt Tích Giang, hồng Yên Thôn, bưởi đường Quế Dương, rau muống tiến vua Sen Chiểu, húng Láng... để đưa vào sản phẩm OCOP. Thành phố cũng sẽ phát triển các sản phẩm OCOP du lịch tại những nơi có lợi thế như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn... gắn văn hóa và các sản vật địa phương để hình thành chuỗi du lịch.

Đồng thời, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm giúp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

T.Toàn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội khôi phục nhiều giống cây đặc sản trong Chương trình OCOP
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO