Hà Nội không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, có tổ chức hoạt động lộng hành
(CLO) Trong năm 2022 các lực lượng thuộc Công an TP Hà Nội đã phát hiện, điều tra, khám phá 6 vụ án mua bán người, bắt 23 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân, kiên quyết không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài…
Theo Công an TP Hà Nội, trong năm 2022, lực lượng công an tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Các lực lượng thuộc Công an TP đã phát hiện, điều tra, khám phá 6 vụ án mua bán người, bắt 23 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân. Về công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, cai nghiện và sau cai, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 137 ổ mại dâm, bắt 581 đối tượng; các cơ sở cai nghiện đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc 1.101 người; công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được quan tâm, chú trọng.
Đáng chú ý, lực lượng Công an TP đã điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài; không để tồn tại các tụ điểm về tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận... Kết quả điều tra khám phá án kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao đều đạt kết quả cao, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chỉ tiêu đề ra.

Năm 2023, Công an TP tập trung đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm liên quan “tín dụng đen”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận xét, mặc dù Công an TP đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, song tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn phức tạp. Cụ thể, một số loại tội phạm tăng so với cùng kỳ năm 2021 như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 5,2% so với năm 2021)...
Về công tác trọng tâm năm 2023, Công an TP là thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138) tiếp tục tham mưu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, trọng tâm là Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về "Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới".
Cùng với đó, Công an TP tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, chủ động trong công tác nắm tình hình; tập trung lực lượng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm liên quan “tín dụng đen”; tội xâm phạm sở hữu; các nhóm thanh thiếu niên tụ tập đông người, mang theo vũ khí, hung khí tham gia giao thông, gây rối trật tự công cộng... Các sở, ban, ngành và Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp, tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 TP Hà Nội, hiện Thành ủy, UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên nhiều lĩnh vực. Người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Địa phương, lĩnh vực nào để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, để phát sinh, hình thành “điểm nóng” hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP.