Hà Nội: Kiên quyết 'xóa sổ' cơ sở giết mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh, bảo vệ bữa ăn của dân
(CLO) Tại phiên chất vấn sáng 9/7 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội, vấn đề an toàn thực phẩm đặc biệt là hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” khi nhiều đại biểu yêu cầu thành phố phải xử lý triệt để tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm đang tồn tại trong lòng Thủ đô.
40% thịt ra thị trường chưa được kiểm soát: Lỗ hổng lớn
Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ 30) dẫn vụ việc mới đây Công an TP Hà Nội bắt giữ nhóm đối tượng tuồn thịt lợn bệnh vào thị trường, thậm chí đến tận các quán ăn, nhà hàng, khiến dư luận bức xúc. Đại biểu cho biết, theo báo cáo của thành phố, hiện mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 550 tấn thịt các loại, trong đó chỉ 60% được kiểm soát, còn 40% còn lại gần như "thả nổi".
“Với 40% lượng thịt chưa được kiểm soát nguồn gốc, thành phố đang đối mặt với nguy cơ lớn về mất an toàn thực phẩm”, ông Hưng cảnh báo.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thừa nhận, dù thành phố đã liên kết với 43 tỉnh, thành trong việc cung ứng thực phẩm, vẫn còn nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, len lỏi vào các chợ dân sinh, bếp ăn tập thể.
Hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ “lọt lưới” kiểm tra
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ 28) chỉ rõ: Trong khi chỉ có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động, đạt chưa đến 40% công suất thiết kế, thì trên địa bàn vẫn tồn tại tới hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh nhưng vẫn hoạt động công khai.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là tồn tại kéo dài từ năm 2019 nhưng chưa được xử lý dứt điểm. “Phải chăng thành phố đang buông lỏng quản lý? Cần làm rõ hiệu quả chính sách đầu tư của thành phố vào các cơ sở giết mổ tập trung suốt thời gian qua”, bà Tú Anh đặt vấn đề.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm, hiện Hà Nội có hơn 162.000 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nên việc tổ chức giết mổ quy mô gia đình vẫn phổ biến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định, sắp tới Sở sẽ tham mưu các giải pháp kiểm soát chặt hơn, đồng thời kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động những cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh.
Xã Phúc Lộc: Điểm đen giết mổ trôi nổi
Thông tin từ Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng càng khiến phiên chất vấn thêm “nóng” khi thừa nhận: “Xã Phúc Lộc có tới 18 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhưng chỉ được quy hoạch một điểm giết mổ tập trung”. Tình trạng giết mổ tràn lan, không có kiểm dịch thú y, không kiểm soát nguồn gốc diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng.
Ông Đảng cho rằng việc kiểm soát thuộc thẩm quyền chính quyền cấp xã, tuy nhiên trên thực tế, 571/701 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên toàn thành phố vẫn chưa được kiểm soát về vệ sinh, kiểm dịch.

Không thỏa mãn với các câu trả lời, nhiều đại biểu đề nghị Hà Nội cần hành động quyết liệt hơn. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ 8) thẳng thắn: “Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh vẫn ngang nhiên tồn tại, trong khi các cơ sở tập trung lại hoạt động cầm chừng. Phải chăng chính sách đang bị lãng phí và thực phẩm bẩn thì vẫn lọt lưới?”
Theo ông Đức, thành phố cần xem xét đình chỉ hoặc cấm hoạt động vĩnh viễn các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện, đồng thời có chính sách hỗ trợ thực chất để nâng công suất và hiệu quả các cơ sở giết mổ tập trung.
Tình trạng thực phẩm bẩn, giết mổ không kiểm soát không chỉ đe dọa bữa ăn của người dân mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng. Các đại biểu HĐND yêu cầu Hà Nội cần chấm dứt kiểu quản lý nửa vời, đồng thời siết chặt quản lý từ gốc, tăng cường chế tài xử lý và công khai các cơ sở vi phạm để cảnh tỉnh.
“Đây không chỉ là chuyện của ngành nông nghiệp hay thú y, mà là trách nhiệm chung của chính quyền các cấp, từ xã, phường đến thành phố”, một đại biểu nhấn mạnh.