Hà Nội: Làng nghề, tuyến phố đi bộ sắp thành 'vùng đất vàng' thương mại, văn hóa
(CLO) Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về khu phát triển thương mại và văn hóa đang được xây dựng, hướng tới biến các khu phố cổ, tuyến phố, làng nghề thành những trung tâm sầm uất, vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa thúc đẩy thương mại và du lịch, nâng cao đời sống người dân.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa dựa trên các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ và điểm dân cư nông thôn hiện hữu.

Làng nghề, tuyến phố đi bộ sắp thành 'vùng đất vàng' thương mại, văn hóa. Ảnh: Trung Nguyễn
Mục tiêu là tận dụng lợi thế về vị trí thương mại và không gian văn hóa để phát triển các hoạt động kinh doanh, du lịch và sáng tạo văn hóa. Những khu vực này sẽ được đầu tư để bảo tồn ngành nghề truyền thống, phát huy di sản, đồng thời cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng.
Theo dự thảo, các khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường so với quy định chung. Điều này nhằm thu hút du khách, thúc đẩy thương mại và tạo ra những không gian sống động, hấp dẫn hơn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Các khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ tập trung vào ba nhóm hoạt động chính. Về văn hóa, các sự kiện, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật truyền thống sẽ được tổ chức thường xuyên, bên cạnh việc xây dựng bảo tàng, không gian trưng bày và đào tạo nghề truyền thống. Về thương mại, hệ thống cửa hàng, chợ và hội chợ sẽ được phát triển, ưu tiên quảng bá sản phẩm địa phương và đặc sản. Về du lịch, các khu vực này sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với các tour tham quan liên kết làng nghề và phố nghề.
Điểm đặc biệt là mô hình tự nguyện, tự quản với sự đồng thuận của trên 50% đại diện cơ sở kinh doanh và hộ gia đình trong khu vực. Hội đồng quản lý gồm đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng sẽ chịu trách nhiệm vận hành, đảm bảo công khai, minh bạch trong mọi hoạt động.
Nhà nước cam kết ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản văn hóa và cải thiện cảnh quan, môi trường tại các khu phát triển này. Các khoản thu từ hoạt động thương mại, dịch vụ sẽ được dùng để quản lý, chỉnh trang khu vực và hỗ trợ cộng đồng, nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận.
Dự thảo cũng khuyến khích mô hình "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", với sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả các dự án đầu tư công.
Các cơ quan quản lý như Sở Văn hóa, Công thương và Du lịch sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên tổ chức sự kiện và xúc tiến thương mại, du lịch tại các khu vực này. Đây là động lực để các khu phát triển không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là điểm đến văn hóa - du lịch đặc sắc.
Dự thảo yêu cầu Hội đồng quản lý báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về hoạt động của khu vực. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thường xuyên việc thực hiện cam kết, quản lý tài chính và giải quyết kiến nghị của người dân. Nếu xảy ra vi phạm nghiêm trọng gây mất trật tự xã hội kéo dài, UBND TP Hà Nội có thể đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của khu vực đó.
Tranh chấp trong khu vực sẽ được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải bởi Hội đồng quản lý hoặc chuyển lên chính quyền và tòa án nếu cần thiết, với thời hạn xử lý từ 15 đến 45 ngày tùy mức độ phức tạp.
Dự thảo Nghị quyết, nếu được thông qua, sẽ có hiệu lực từ năm 2025, hứa hẹn biến các khu phố cổ, làng nghề của Hà Nội thành những không gian sống động, kết hợp hài hòa giữa thương mại, văn hóa và du lịch. Đây không chỉ là cơ hội để bảo tồn bản sắc Thủ đô mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp tại các đường link sau: Dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa: https://vanban.hanoi.gov.vn/du-thao-cac-van-ban-lay-y-kien-dong-gop/du-thao-nghi-quyet-cua-hdnd-thanh-pho-ve-khu-phat-trien-thuong-mai-va-van-hoa-2293