Trong các giải pháp đồng bộ để phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường thì vận tải hành khách bằng xe buýt luôn được TP Hà Nội quan tâm đầu tư . Xe buýt đã và đang phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến tháng 11/2018, trên địa bàn Hà Nội đã có 118 tuyến xe buýt trong đó có 96 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 1 tuyến City tour với 12 đơn vị tham gia vận hành. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ có 124 tuyến buýt hoạt động trên địa bàn Thành phố (tăng 14 tuyến so với năm 2017).
Hiện mạng lưới xe buýt đã tiếp cận 30/30 quận huyện của Hà Nội và tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Thực hiện điều chỉnh hợp hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ đối với 8 tuyến buýt góp phần thu hút thêm lượng hành khách tại các khu vực chưa có buýt trợ giá họa động.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.H
Hạ tầng xe buýt tiếp tục được quan tâm đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã phát triển mới 223 điểm dừng đỗ xe buýt, thực hiện gần 4.600 lượt duy tu, lắp biển báo hiệu. Đồng thời triển khai cải tạo một số điểm đầu cuối đảm bảo công tác vận hành của xe buýt và khả năng tiếp cận của khách hàng góp phần cải thiện chất lượng phục vụ.
Trong 10 tháng đầu năm, Hà Nội đã thực hiện đầu tư và thay mới 158 xe buýt đối với 12 tuyến. Trong đó có 50 xe đầu tư mới trên 3 tuyến CNG sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Hầu hết các xe đều trang bị hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, Wifi, ghế ưu tiên cho người già, trẻ em, người khuyết tật,...Hệ thống vé điện tử được triển khai thí điểm cho tuyến BRT01 từ ngày 10/10/2018.
Hệ thống văn bản pháp quy tiếp tục được rà soát, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động. Sở GTVT đang báo cáo Thành phố về việc ban hành quy định kiểm tra giám sát, nghiệm thu đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn.
Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí quy định chất lượng dịch vụ; xây dựng định mức đơn giá cho loại hình buýt nhanh BRT, có những chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với người sử dụng phương tiện công cộng.
Công tác quản lý điều hành và kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ trên tuyến tiếp tục được tăng cường. Số lượt xe kiểm soát qua hệ thống điều hành tại các điểm đầu cuối và hệ thống GPS đạt 100%.
Việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành được Trung tâm và các đơn vị vận hành triển khai. Từ ngày 1/4/2018, hành khách trực tiếp đăng ký làm thẻ vé tháng ngay trên điện thoại thông minh qua ứng dụng tìm buýt và nhận thẻ, tem vé tháng tại nhà khi có nhu cầu.
Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai mã hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt và cả thiện, đổi mới cách thức thông tin về lộ trình, điểm dừng đỗ.
Đặc biệt thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt trên hệ thống hạ tầng xe buýt toàn Thành phố. Giao Trung tâm nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm mức giá vé lượt đối với các tuyến có cự ly dài (trên 40km) để đảm bảo tăng doanh thu và giảm kinh phí trợ giá xe buýt.
Thế Anh