Hà Nội: Ngán ngẩm cứ mưa lớn là ngập, tắc đường nghiêm trọng!

Thứ ba, 27/04/2021 08:45 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đó là câu cảm thán cửa miệng không chỉ trong những ngày qua mà mỗi khi Hà Nội có mưa lớn, nhiều khu vực lại xảy ra tình trạng ngập úng, các tuyến đường trục chính ùn tắc nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Mỗi khi mưa lớn nhiều khu vực, tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội lại hóa thành sông. Ảnh: Quang Hùng

Mỗi khi mưa lớn nhiều khu vực, tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội lại hóa thành sông. Ảnh: Quang Hùng

Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập, đến hẹn lại lụt”

Sớm ngày 26/4, trận mưa lớn kéo dài trong 3 - 4 giờ đã khiến nhiều khu vực của Thủ đô rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ. Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập” khiến người dân vô cùng ngán ngẩm, bức xúc.

Tại tuyến đường sau tòa nhà No2 và No3 khu đô thị Ecohome 3, phường Đông Ngạc (Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) đã xảy ra tình trạng ngập úng, rất nhiều xe ô tô đỗ ở đây trước đó đã bị ngập sâu trong nước và không thể di chuyển được.

Bác Loan, một người dân sống sống trên địa bàn quận Thanh Xuân bức xúc, mỗi lần mưa to đường Vũ Trọng Phụng lại ngập nặng. Nước cống rãnh tràn ngược ra đường, bốc mùi hôi thối rất mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Thực trạng này tồn tại suốt những năm qua nhưng đến nay các đơn vị chức năng vẫn chưa tìm được phương án xử lý triệt để.

Mưa lớn không chỉ khiến nhiều khu vực ngập sâu trong nước mà trên nhiều tuyến đường tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, các phương tiện di chuyển rất khó khăn nhất là vào khung giờ cao điểm buổi sáng.

Ghi nhận thực tế trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Vành đai 3 trên cao, Trần Duy Hưng, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Nguyễn Khoái,... tình trạng ùn ứ kéo dài đã xuất hiện.

Trước đó trong sáng 17/4, trận mưa lớn bất ngờ trong vòng khoảng 2 giờ đã khiến tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long ngập nặng. Nhiều đoạn ngập đến cả mét nước và tình trạng ngập úng kéo dài cả km, một số phương tiện cố gắng vượt qua nhưng không được đã “chết máy”, buộc phải gọi cứu hộ.

Không chỉ ngập úng, mưa lớn còn khiến tình trạng ùn tắc tại nhiều tuyến đường của Hà Nội thêm nghiêm trọng. Ảnh: Quang Hùng

Không chỉ ngập úng, mưa lớn còn khiến tình trạng ùn tắc tại nhiều tuyến đường của Hà Nội thêm nghiêm trọng. Ảnh: Quang Hùng

Tình trạng ngập nặng tại khu vực đường gom và hầm chui Đại lộ Thăng Long tồn tại từ lâu nhưng chưa tìm được giải pháp xử lý dứt điểm. Ảnh: Quang Hùng

Tình trạng ngập nặng tại khu vực đường gom và hầm chui Đại lộ Thăng Long tồn tại từ lâu nhưng chưa tìm được giải pháp xử lý dứt điểm. Ảnh: Quang Hùng

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện trên địa bàn còn tồn đọng 11 trọng điểm ngập úng gồm phố Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê (dốc La Pho), Cao Bá Quát, Vũ Trọng Phụng, Đại lộ Thăng Long, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp.

Bên cạnh đó, thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trong năm 2021 trên địa bàn Thành phố còn tồn tại 26 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Như vậy người dân Thủ đô vẫn còn phải sống chung với tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong một thời gian nữa trước khi các cơ quan có trách nhiệm tìm ra phương án xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Mạnh tay chi tiền đầu tư các dự án chống ngập đã hiệu quả?

Mặc dù Thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, làm nhiều dự án thoát nước quy mô lớn; điển hình là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng gồm: dự án thoát nước Hà Nội, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông) và dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc. Nhưng một thực tế đáng buồn Hà Nội cứ mưa là ngập vẫn diễn ra.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hệ thống thoát nước của Thành phố đã từng bước được cải tạo nhưng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bêtông hóa.

Bên cạnh đó, rác thải không được thu gom tốt gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn hạn chế khiến Hà Nội ngập nặng hơn.

Cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn tại Thủ đô Hà Nội

Cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn tại Thủ đô Hà Nội

Để giải quyết vấn đề ngập úng trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, thành phố cần kiểm tra lại tất cả các hệ thống tiêu, thoát nước hiện nay để đánh giá một cách chính xác hiện trạng, hiệu suất và những điểm tắc nghẽn, ùn ứ.

“Khi tiến hành sửa chữa, nâng cấp cũng phải tính đến phương án ưu tiên những điểm bị ngập úng cao nhất. Làm thế nào để hệ thống tiêu thoát nước được thông suốt, dẫn nước ra các trạm bơm một cách nhanh nhất thì tình trạng ngập úng cục bộ trong các khu dân cư mới chấm dứt được”, PGS.TS Trần Chủng cho biết.

Nhằm phục vụ mục tiêu phát triển, Thành phố Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030. Tuy nhiên  trên thực tế việc triển khai thực hiện theo quy hoạch vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Một ví dụ điển hình dọc đường Nguyễn Tuân chỉ có chiều dài chưa đến 1km nhưng đã “cõng” tới khoảng 6.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán. Đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng cũng dày đặc cao ốc, đi đôi với đó là dân cư gia tăng chóng mặt và hiện hai tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng là minh chứng rõ ràng nhất về việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng, thực tế tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều có quy hoạch hệ thống thoát nước. Nhưng trong quá trình phát triển, nhiều dự án xây dựng đường giao thông, nhà ở không đi kèm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật gây ra hệ lụy về ngập úng trong đô thị.

Đặc biệt nhiều chủ đầu tư phát triển các dự án bất động sản chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở để bán thu lợi mà không chú trọng đến phát triển hạ tầng, tiện ích xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng như hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy, bãi để xe,...

Vì vậy Bộ Xây dựng cần phải có quy định rõ ràng với các chủ đầu tư khi xây dựng để đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố nhằm tránh tình trạng, giải quyết được điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới. Đồng thời có những biện pháp xử lý những chủ đầu tư đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng.

Hoàng Lan

Tin khác

Phạt nguội xe máy: Mục tiêu tốt nhưng nhiều thách thức khi thực hiện

Phạt nguội xe máy: Mục tiêu tốt nhưng nhiều thách thức khi thực hiện

(CLO) Việc phạt nguội xe máy góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn là cần thiết nhưng thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Giao thông
CSGT Quảng Bình 'tung' 100% quân số đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

CSGT Quảng Bình 'tung' 100% quân số đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Đến thời điểm này, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh Quảng Bình đã bố trí 100% quân số trực, sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Giao thông
Kẹt xe 10km trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do tai nạn ô tô liên hoàn

Kẹt xe 10km trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do tai nạn ô tô liên hoàn

(CLO) Vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khiến giao thông hướng TP.HCM đi miền Tây ùn tắc nghiêm trọng, lượng lớn phương tiện nối đuôi nhau mắc kẹt kéo dài hơn 10km.

Giao thông
Mặt đường đèo Lò Xo nứt toác, sắt thép lộ ra ngoài gây mất an toàn giao thông

Mặt đường đèo Lò Xo nứt toác, sắt thép lộ ra ngoài gây mất an toàn giao thông

(CLO) Đèo Lò Xo là cung đường ám ảnh nhất với cánh tài xế đường dài vì có độ dốc dài, quanh co với nhiều “điểm đen” tai nạn. Nguy hiểm hơn, hiện nay mặt đường đèo còn xuất hiện chằng chịt vết nứt lớn tạo thành những rãnh sâu, sắt thép lộ ra ngoài gây mất an toàn giao thông.

Giao thông
Hà Nội: Sẽ có 5 địa điểm trông giữ phương tiện cho du khách dịp nghỉ lễ

Hà Nội: Sẽ có 5 địa điểm trông giữ phương tiện cho du khách dịp nghỉ lễ

(CLO) Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất tổ chức 5 địa điểm tập kết, trông giữ phương tiện phục vụ nhân dân và du khách đến thăm, viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lân cận.

Giao thông