Tin tức

Hà Nội nghiên cứu 'gỡ khó' nhà ở xã hội, nới chuẩn thu nhập cho công nhân?

Minh Chí 28/05/2025 20:04

(CLO) Trước những bất cập về điều kiện thu nhập khiến nhiều công nhân khó tiếp cận nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã gợi mở việc nghiên cứu Luật Thủ đô để xây dựng cơ chế riêng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.

Chiều 28/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2025, ghi nhận nhiều kiến nghị thiết thực về vấn đề nhà ở và an sinh xã hội.

dsc0854020250528151910.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu bổ sung ý kiến giải đáp của các Sở, ngành. Ảnh: LĐTĐ

Tại hội nghị, vấn đề bức thiết về nhà ở giá rẻ và các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội đã trở thành tâm điểm của nhiều ý kiến từ phía công nhân.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, (Công ty TNHH Thời trang Star) nêu ý kiến về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhà ở gần các khu công nghiệp, gây khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người lao động. Chị Trang kiến nghị thành phố xem xét xây dựng các khu nhà trọ giá rẻ, đồng thời quan tâm đến việc xây dựng nhà trẻ để hỗ trợ con em công nhân.

Cùng chung nỗi trăn trở, chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH Kanepackage) bày tỏ sự bất cập trong quy định hiện hành về thu nhập để được mua nhà ở xã hội.

Theo đó, mức thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng được áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM bị cho là quá thấp so với thực tế thu nhập của nhiều công nhân.

Chị Báu phân tích, dù lương tối thiểu của công nhân tại Hà Nội đã trên 4 triệu đồng và nhiều doanh nghiệp trả lương cao hơn, cộng thêm các khoản thưởng, đặc biệt là thưởng Tết, tổng thu nhập của không ít công nhân đã vượt quá ngưỡng 15 triệu đồng. Mức thu nhập này tuy vẫn eo hẹp so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Thủ đô, nhưng lại không đủ điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội.

"Thành phố xem xét, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền điều chỉnh điều kiện về mua nhà ở xã hội thành: Thu nhập 25 triệu đồng trở xuống hoặc 20 triệu đồng trở xuống thuộc diện được mua nhà ở xã hội cho hợp với thực tiễn sinh động tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh", chị Báu đề xuất.

Lắng nghe những ý kiến, ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thừa nhận đây là những kiến nghị thiết thực và cấp bách.

Ông cho biết, thời gian qua, chủ trương về nhà ở cho công nhân luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc ban hành chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện Sở Xây dựng cũng thông tin về việc Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội (trước đây là Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) cùng với LĐLĐ Thành phố Hà Nội nghiên cứu, đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê gắn với các thiết chế Công đoàn. Tuy nhiên, ông Phương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là việc xác định nhu cầu thực tế của công nhân.

"Việc phát triển chậm nhà ở xã hội cũng có lỗi của các đơn vị, chúng tôi xin nhận lỗi và khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội thủ tục xây dựng nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ rất nhiều vấn đề từ giao chủ đầu tư cho tới quy trình thủ tục", ông Phương nói, đồng thời đề nghị LĐLĐ Thành phố tiếp tục phối hợp khảo sát nhu cầu của công nhân.

Về vấn đề điều kiện mức lương mua nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh đây là quy định rõ ràng trong Luật. Tuy nhiên, Sở sẽ ghi nhận ý kiến và kiến nghị lên cấp cao hơn để có sự điều chỉnh phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận sâu sắc những ý kiến, kiến nghị của công nhân. Về mức lương tối thiểu trong điều kiện mua nhà ở xã hội, ông cho rằng Luật đã có quy định, nhưng Hà Nội có thể có cơ chế đặc thù. Ông gợi ý LĐLĐ Thành phố cùng các sở, ngành nghiên cứu, đối chiếu với Luật Thủ đô để đề xuất HĐND Thành phố ban hành nghị quyết riêng, bổ sung hệ số K phù hợp, tạo điều kiện cho đông đảo công nhân tiếp cận nhà ở xã hội.

"Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, có thể thu nhập lên đến 20 triệu thì xem có hệ số K nào không. Đây là kiến nghị rất xứng đáng, trong điều kiện Thủ đô, các đơn vị và LĐLĐ Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu và lưu ý", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề nhà trọ cho công nhân, Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, Hà Nội năm nay đã ban hành kế hoạch vượt mức chỉ tiêu nhà ở xã hội do Thủ tướng giao. Tuy nhiên, ông thừa nhận cơ chế vận hành nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu vẫn là bán, hình thức thuê còn nhiều cứng nhắc. Lãnh đạo Thành phố tiếp thu ý kiến và hứa sẽ có cách xử lý "mở" hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp, hướng tới các chính sách sát với thực tiễn hơn, đặc biệt là nâng cao an toàn phòng cháy chữa cháy và an ninh tại các khu nhà trọ hiện hữu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội nghiên cứu 'gỡ khó' nhà ở xã hội, nới chuẩn thu nhập cho công nhân?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO