Hà Nội quy hoạch 2 bờ sông Hồng: Liều đầu tư vào đất nông nghiệp có nguy cơ mất trắng!
(CLO) Theo đánh giá của giới chuyên gia, đầu tư vào đất nông nghiệp ở 2 bên bờ sông Hồng thời điểm này có nhiều rủi ro. Thậm chí có nguy cơ mất trắng nếu không tìm hiểu kỹ.
Mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.

Một điểm dân cư ở ven sông Hồng. Ảnh: Lâm Vũ
Trước động thái quyết liệt của lãnh đạo Hà Nội, trong việc khai thác quỹ đất trống ở hai bên bờ sông Hồng, rất nhiều “cò” đất bắt đầu tung chiêu, lôi kéo nhà đầu tư rót vốn vào khu vực này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, đầu tư vào đất nông nghiệp ở 2 bên bờ sông Hồng thời điểm này có nhiều rủi ro. Thậm chí có nguy cơ mất trắng nếu không tìm hiểu kỹ.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá cao đề án quy hoạch sông Hồng mới của Hà Nội, khi đưa các giá trị xanh - bền vững, phục vụ lợi ích cộng đồng. Thay vì, tận dụng quỹ đất dồi dào khu vực này để phát triển hàng loạt khu đô thị cao cấp hay nhà ở.
Giải thích rõ hơn về nhận định này, ông Thanh nói: Hà Nội phân định rất rõ chỉ có một ít vị trí được phép xây dựng khu đô thị sinh thái. Quỹ đất dành cho nhà ở lại càng ít hơn. Chủ yếu quỹ đất được dành để phát triển lõi xanh của Thủ đô, phục vụ cho ngành ngành du lịch - dịch vụ - tổng hợp.
“Hầu hết, các bản quy hoạch sông Hồng trước kia đều được xây dựng, dựa trên ý tưởng của các “ông lớn” trong ngành bất động sản. Mục đích của họ là tận dụng quỹ đất dồi dào, ở 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các khu đô thị, chung cư cao cấp có giá trị “khủng”.
Tuy nhiên, bản quy hoạch mới về cơ bản không có khái niệm về nhà ở. Do đó, trong tương lai, nếu đề án này được phê duyệt, sẽ không có nhiều các dự án nhà ở thương mại xuất hiện ở khu vực này”, ông Thanh cho biết.
Nhận định về cơ hội và triển vọng đầu tư vào khu này, Phó Chủ tịch VARs thừa nhận, hiện có 2 xu hướng đầu tư ở hai bờ sông Hồng. Thứ nhất là đầu tư “lướt sóng”, thứ hai là đầu cơ đất để chờ đền bù.
Trên thực thế, 2 xu hướng đầu tư này đã hình thành từ khá sớm. Thậm chí, vào thời điểm 2008 - 2010, xu hướng đầu tư đất nông nghiệp ven sông Hồng còn bùng nổ trên diện rộng. Sở dĩ, khu vực 2 bên bờ sông Hồng, thu hút nhà đầu tư cá nhân, là do khu vực này giá đất tương đối rẻ.
Ví dụ, cùng là quận Hoàn Kiếm, nhưng khu Phúc Tân - Phúc Xá, chỉ có giá bằng 1/3, 1/4 so với khu Hàng Bài hay Hàng Bồ. Tuy nhiên, tất cả đất ở khu vực này đều là đất nông nghiệp, nên rất ít nhà được cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Tuy nhiên, trong trường hợp Hà Nội phê duyệt bản quy hoạch mới, nhà đầu tư cá nhân rót vốn khu vực này chỉ có mất trắng. Cho dù là “lướt sóng” hay đầu cơ chờ đền bù.
“Các nhà đầu tư cần hiểu rằng, bản quy hoạch sông Hồng mới đang phục vụ lợi ích cộng đồng, dựa trên nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn hiện trạng làng, xã. Quỹ đất chủ yếu sẽ dành để phát triển công viên cây xanh. Do đó, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ thấp. Đầu tư vào đất nông nghiệp, đất cây xanh kiểu gì cũng lỗ”, ông Thanh nhận định.
Lâm Vũ