Hà Nội sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
(CLO) Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ngày 16/5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân (giai đoạn 2014 - 2024) trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo, 10 năm qua, thành phố luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Trong kỳ báo cáo, các cấp, ngành đã thực hiện 732 cuộc thanh tra về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Những vi phạm chủ yếu được phát hiện, như một số lỗi trong công tác xử lý đơn, cập nhật chưa đầy đủ nội dung trong sổ sách theo dõi, một số đơn vị chưa tuân thủ đúng thời hạn giải quyết KNTC theo quy định.
Các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp thường xuyên 156.254 lượt/160.043 công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh. Tổng số vụ việc KNTC, kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền đã thụ lý gồm: Số vụ việc khiếu nại 20.594 vụ; số vụ việc tố cáo 19.760 vụ; số vụ việc kiến nghị, phản ánh 46.328 vụ; số vụ việc đông người, phức tạp 433 vụ.
Số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trên địa bàn Thành phố tập trung chủ yếu vì lợi ích kinh tế về lĩnh vực chế độ, chính sách khi Nhà nước thu hồi đất và lĩnh vực đất đai (nghĩa vụ tài chính khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, môi trường, giải phóng mặt bằng.
Trong công tác tiếp công dân, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tổ chức buổi tiếp dân 1 buổi/tháng vào thứ 3 tuần 3 hằng tháng tại trụ sở Ban Tiếp công dân Thành phố. Các buổi tiếp công dân đều có sự tham dự thường xuyên của lãnh đạo các sở, ngành liên quan nhằm xem xét nội dung vụ việc, giải quyết dứt điểm, triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Sau các buổi tiếp đều có Thông báo kết luận từng vụ việc gửi công dân và cơ quan liên quan để thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn lưu ý các nhiệm vụ trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân một cách chuyên sâu, bài bản liên quan đến kiến thức pháp luật, kỹ năng mềm (đối thoại với người dân)…
Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó sớm hoàn thiện, vận hành phần mềm quản lý đơn thư 3 cấp; triển khai chính thức mô hình tiếp công dân trực tuyến; tích hợp dữ liệu lớn phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Thành phố, các cơ quan liên quan để rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Các đơn vị liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, không tụ tập đông người, khiếu nại sai sự thật, gây mất ổn định xã hội. Trong đó, phát huy vai trò cũng như cơ chế phối hợp với các luật sư, Hội Luật gia trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Ông Lê Hồng Sơn đề nghị các cấp có thẩm quyền phải sớm hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, đặc biệt là bổ sung quy định về chế tài xử lý các hành vi lợi dụng tiếp công dân để gây rối, ghi hình phát tán sai lệch; bổ sung thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh; quy định rõ việc tiếp công dân trực tuyến. Ngoài ra, gắn kết quả tiếp công dân cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo với trách nhiệm của người đứng đầu, là tiêu chí trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay.