Tin tức

Hà Nội siết chặt quy định khai thác đất bãi sông, bãi nổi

Minh Chí 10/07/2025 13:22

(CLO) HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống lũ.

Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quan trọng về việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi thuộc tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố. Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô 2024, tạo hành lang pháp lý cho việc khai thác hiệu quả quỹ đất này.

screenshot_1747986738-63e2e1345153c85fb6f1e6f3b9a4414b.png
Hà Nội siết chặt quy định khai thác đất bãi sông, bãi nổi. Ảnh: MT

Theo Nghị quyết, việc sử dụng đất bãi sông, bãi nổi để sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, hoặc kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm phải đáp ứng nhiều điều kiện chặt chẽ. Đất phải được quản lý, sử dụng hợp pháp hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Việc khai thác đất cần phù hợp với các quy hoạch như phòng, chống lũ, đê điều, quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch liên quan khác. Đồng thời, phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, đất đai, xây dựng, và các quy định khác. Đặc biệt, không được làm tăng rủi ro thiên tai, phải bảo vệ môi trường, nguồn nước và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Các hoạt động phải có phương án chủ động, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Nghị quyết cũng cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định, nhưng hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường.

Các công trình xây dựng, lắp dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi chỉ được tồn tại có thời hạn, sử dụng đúng mục đích và tuyệt đối không được dùng để ở hoặc chứa hóa chất độc hại.

Đối với sản xuất nông nghiệp thông thường, phải ưu tiên các loại cây trồng chịu úng tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khu vực. Một phần diện tích đất được phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng phải đáp ứng các điều kiện: Khu đất có diện tích từ 1.000m2 trở lên; Vị trí xây dựng nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập lụt (cao độ tự nhiên tương đương mực nước lũ báo động I trở lên); Cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có và tự tháo dỡ công trình, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc bị thu hồi.

z6631063550063_9bcc9d3d16ad8a1dd81bd0ad6f92ea10.jpg
Bãi bồi và bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội. Ảnh: H.Đ

Diện tích công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giới hạn: tối đa 10m2 cho khu đất từ 1.000m2 đến 5.000m2; 15m2 cho khu đất từ trên 5.000m2 đến 10.000m2; và 20m2 cho khu đất trên 10.000m2.

Các công trình này chỉ được xây dựng, lắp dựng 1 tầng, chiều cao không quá 4m, không có tầng hầm. Kết cấu phải là bán kiên cố, dễ tháo dỡ, mái lợp vật liệu nhẹ. Khuyến khích lắp dựng nhà màng, nhà lưới bằng vật liệu thân thiện môi trường (tre, gỗ, thép), nhưng không được xây tường bao, tường rào, lợp mái kiên cố hoặc san lấp, tôn cao bãi sông hiện trạng.

Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, các tổ chức, cá nhân cũng phải tuân thủ quy định về sử dụng đất đa mục đích. Được phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sinh thái, du lịch, giáo dục trải nghiệm và hạ tầng kỹ thuật khác.

Điều kiện áp dụng cho hình thức này (không bao gồm khu chăn nuôi tập trung, khu trồng cây lâu năm): Tổng diện tích khu đất từ 10.000m2 trở lên; Phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích, bao gồm giải pháp thiết kế xây dựng công trình, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Vị trí công trình phải nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập lụt (cao độ tự nhiên tương đương mực nước lũ báo động I trở lên). Phù hợp với quy định về sử dụng bãi sông theo quy hoạch phòng, chống lũ. Cụ thể, bãi sông thuộc hệ thống sông Đáy phải nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ; bãi sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình phải nằm ở khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng.

Tổ chức, cá nhân khai thác quỹ đất cũng phải cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có, tự tháo dỡ khi hết thời hạn hoặc bị thu hồi mà không được bồi thường. Tổng diện tích xây dựng các công trình không vượt quá 5% phần diện tích khu đất nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ (sông Đáy) hoặc thuộc khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng (sông Hồng, sông Thái Bình).

Thiết kế công trình phải phù hợp đặc điểm địa hình bãi sông, đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ, ổn định bờ bãi sông. Kết cấu công trình bán kiên cố, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển; công trình xây dựng 1 tầng, chiều cao không quá 6,0m và không có tầng hầm.

Về thẩm quyền, UBND Thành phố sẽ quyết định cho phép sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, chấp thuận, gia hạn hoặc trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích (bao gồm cả cấp phép xây dựng, lắp dựng công trình trên đất).

Nghị quyết cũng quy định rõ, khi người sử dụng đất không tiếp tục sử dụng theo phương án đã được chấp thuận, phải có văn bản gửi UBND cấp xã và khôi phục lại hiện trạng để đủ điều kiện sử dụng vào mục đích chính. Khi hết thời hạn sử dụng đất kết hợp mà không được gia hạn, tổ chức, cá nhân phải khôi phục lại hiện trạng đất.

UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, lập hồ sơ theo dõi việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích, xây dựng công trình trên đất, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội siết chặt quy định khai thác đất bãi sông, bãi nổi
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO