Hà Nội ưu tiên nguồn lực, đặt mục tiêu 100% xe buýt 'xanh' vào 2030
(CLO) Hà Nội đặt mục tiêu chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng điện hoặc năng lượng sạch vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng trạm sạc để đáp ứng nhu cầu gia tăng phương tiện xanh.
Ngày 16/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và doanh nghiệp liên quan về tiến độ triển khai lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh trên địa bàn thành phố.

Ông Quyền khẳng định đây là định hướng quan trọng để hướng tới môi trường bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
"Thành phố đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch chuyển đổi xe buýt xanh của năm 2026, nhưng cần đảm bảo tiến độ cho các giai đoạn tiếp theo", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh và đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2030, toàn bộ xe buýt trên địa bàn phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết công tác chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải của Hà Nội đã đạt kết quả tích cực, thể hiện quyết tâm cao của thành phố.
Trong giai đoạn 2025-2026, Sở Xây dựng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xe buýt điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ xe buýt điện, năng lượng xanh trong năm 2025 dự kiến đạt 10%, và kế hoạch năm 2026 là 20-23%.
Từ năm 2027 đến 2030, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai lộ trình để hoàn thành mục tiêu 100% xe buýt chuyển sang sử dụng điện. Song song với đó là mở rộng mạng lưới trạm sạc, đảm bảo hoạt động hiệu quả và tăng cường kết nối cho mạng lưới xe buýt điện.
Đối với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, ông Long thông tin toàn thành phố có 65 đơn vị với tổng số 18.612 xe taxi. Đến hết tháng 6/2025, đã có 8.831 xe taxi điện, chiếm 47,4%. Hiện 23 đơn vị taxi đã có kế hoạch chuyển đổi 100% xe điện thay thế xe cũ đến hết năm 2030.
Sở Xây dựng cũng đang xây dựng Nghị quyết về chính sách chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi, biện pháp hạn chế phương tiện gây ô nhiễm, cùng chính sách phát triển hạ tầng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi phương tiện xanh gặp không ít khó khăn về chi phí đầu tư, hạ tầng trạm sạc, cơ chế tài chính cũng như tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân.
Trước những thách thức này, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo "Nghị quyết về chính sách, biện pháp, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đồng thời, đề xuất chấp thuận chủ trương xây dựng "Đề án chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch" để làm cơ sở triển khai.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cho biết đơn vị đã chủ động chuyển đổi 4 tuyến xe buýt điện với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng.
"Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng 70 trụ sạc xe buýt cho toàn lộ trình chuyển đổi và phấn đấu hoàn thành toàn bộ việc chuyển đổi xanh phương tiện trong năm 2030", ông Nam nói.
Transerco cũng gặp khó khăn về nguồn vốn và công tác quản lý trạm sạc do phần mềm thiết bị còn do nhà sản xuất quản lý. Ông Nam kiến nghị thành phố đẩy nhanh ban hành đơn giá định mức cho xe điện và có cơ chế hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, hiện các trạm sạc trên địa bàn đang áp dụng giá điện kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sạc, nhưng nhiều khu vực đang thừa hoặc thiếu trạm sạc cục bộ. Do đó, cần có quy hoạch trạm sạc theo từng khu vực để đảm bảo điều phối điện hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao sự chủ động của Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan và doanh nghiệp. Để việc chuyển đổi phương tiện xanh đạt hiệu quả và đúng tiến độ, ông đề nghị Sở Xây dựng chủ trì rà soát các quy định, tiêu chuẩn để báo cáo, đề xuất kiến nghị, xây dựng đề án tổng thể chuyển đổi xanh toàn thành phố.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh luồng tuyến xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo khép kín hệ thống giao thông công cộng.
"Việc phát triển, xây dựng trạm sạc cần được thống nhất có quy hoạch cụ thể, xây dựng theo nhu cầu thực tế", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch TP cũng yêu cầu bên cạnh việc chuyển đổi xe buýt, cần khẩn trương chuyển đổi xe taxi và xe máy.
"Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu, cần có lộ trình chi tiết, đặc biệt là hạ tầng trạm sạc phải đi trước một bước", ông Quyền khẳng định, và cho biết mặc dù ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, Hà Nội vẫn sẵn sàng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi phương tiện giao thông xanh.