Hà Tĩnh: Số ca mắc cúm tăng cao, nhiều trường hợp biến chứng nặng

10/02/2025 13:38

(CLO) Ngành Y tế Hà Tĩnh cảnh báo số ca mắc cúm đang gia tăng nhanh, trong đó nhiều trường hợp diễn biến nặng, gây nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Trước tình hình này, người dân được khuyến cáo chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và hạn chế mức độ nghiêm trọng nếu mắc bệnh.

Thời gian gần đây, tại các tỉnh phía Bắc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng gia tăng số lượng các bệnh nhân mắc cúm, trong đó nhiều ca biến chứng nặng.

ha tinh so ca mac cum tang cao nhieu truong hop bien chung nang hinh 1

Người già và trẻ nhỏ – Nhóm nguy cơ cao trước dịch cúm mùa

Trong gần một tháng qua, số bệnh nhân mắc cúm đến khám tại Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh tăng đột biến. Theo bác sĩ Lê Quân Thành – Phó Giám đốc Trung tâm, cúm mùa thường có các triệu chứng điển hình như sốt trên 38 độ C, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng và khó thở.

Dù đa số trường hợp có diễn biến nhẹ, bệnh cúm vẫn có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở những người mắc bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.

Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện điều trị hoặc chuyển tuyến khi cần thiết. Với những ca nhẹ, người bệnh được kê đơn thuốc và hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà để hạn chế nguy cơ lây lan.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, mỗi ngày có khoảng 30 - 40 bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em. Những trường hợp có triệu chứng nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú, trong khi bệnh nhân có biến chứng hô hấp nghiêm trọng phải nhập viện để theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Đặng Thị Lý – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, người cao tuổi mắc cúm kèm theo bệnh lý nền thường dễ gặp biến chứng nguy hiểm, gây khó khăn trong điều trị. Đặc biệt, những bệnh nhân có tiền sử viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), cao huyết áp, bệnh tim mạch hay đã đặt stent mạch vành có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm A, B, C gây ra, xuất hiện quanh năm và thường bùng phát mạnh khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào mùa đông - xuân. Bệnh có khả năng lây lan nhanh từ người sang người, gây ra các triệu chứng như sốt đột ngột, ho khan, đau đầu, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi. Nếu không được kiểm soát tốt, cúm mùa có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong, nhất là ở người cao tuổi.

Không giống với cảm lạnh thông thường, virus cúm mùa liên tục biến đổi, khiến mỗi năm xuất hiện các chủng virus mới. Điều này làm cho hệ miễn dịch khó kiểm soát bệnh, gây khó khăn trong công tác phòng và điều trị, làm gia tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.

ha tinh so ca mac cum tang cao nhieu truong hop bien chung nang hinh 2

Siêu âm tầm soát biến chứng tim mạch cho bệnh nhân cúm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 15.355 ca mắc cúm, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2023. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 1/2025, số ca mắc đã lên tới 1.399 trường hợp, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều bệnh nhân gặp biến chứng nặng. Trước tình hình này, ngành y tế cảnh báo người dân không nên chủ quan, bởi cúm có thể diễn tiến nghiêm trọng và gây tử vong, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh lý nền và hệ miễn dịch suy giảm.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa thông thường có diễn biến nhẹ và bệnh nhân có thể hồi phục sau 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, với những người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến phức tạp, dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều người dân tự ý mua thuốc điều trị, bao gồm cả thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus. Tuy nhiên, cúm do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không có tác dụng, còn thuốc kháng virus cần được bác sĩ chỉ định và kê đơn mới đảm bảo hiệu quả.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối ấm. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, tăng cường luyện tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng. Tiêm vắc-xin cúm mùa cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Tĩnh: Số ca mắc cúm tăng cao, nhiều trường hợp biến chứng nặng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO