(CLO) - Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động khảo sát, rà soát đối tượng, nghiên cứu phương pháp xác định thiệt hại của các đối tượng để tham mưu, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan các giải pháp xử lý cụ thể.
Trong những tháng qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tập trung cao độ cho việc chỉ đạo tổ chức kê khai, xác định thiệt hại để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng sớm có tiền đền bù, ổn định sản xuất và đời sống. Tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức 05 cuộc tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, thôn, xóm từ Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng và Trưởng ban Mặt trận thôn trở lên thuộc 6 huyện, thị xã ven biển và thành phố Hà Tĩnh.
Thành lập Hội đồng thẩm tra và 07 Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát cấp tỉnh; 7/7 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng thẩm định cấp huyện; 63/63 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp xã và 344/344 thôn, xóm thành lập Tổ xác nhận đối tượng, số lượng thiệt hại.
[caption id="attachment_127267" align="aligncenter" width="800"]
Đoàn công tác của tỉnh lắng nghe ý kiến đề xuất của ngư dân huyện Lộc Hà[/caption]
Chỉ đạo Cục Thống kê, Sở Tài chính trên cơ sở số liệu thống kê, kết quả khảo sát, dữ liệu đầu vào và phương pháp tính toán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo bộ định mức, đơn giá phục vụ bồi thường gửi các bộ, ngành liên quan. Chỉ đạo các sở, ngành xây dựng và ban hành hướng dẫn liên ngành về trình tự, nội dung, các bước đánh giá, thẩm định thiệt hại, phục vụ cho Hội đồng đánh giá cấp huyện thẩm định, tham mưu phê duyệt đối tượng, số lượng, giá trị thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.
Theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định được bồi thường do sự cố môi trường biển thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh bao gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.
Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2016. Định mức bồi thường được Chính phủ và tỉnh quy định: chủ tàu/thuyền không lắp máy do nằm bờ, định mức bồi thường 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ, 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ, 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại, 37,48 triệu đồng/tàu/tháng...
Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy do nằm bờ, định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ, 5,96 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ, 7,65 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ, là 8,79 triệu đồng/người/tháng.
Thiệt hại nghề muối, định mức bồi thường 39,37 triệu đồng/ha/tháng, được trả một lần. Người lao động bị mất thu nhập, định mức bồi thường 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Quyết định cũng đã quy định cụ thể định mức bồi thường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Riêng đối với ba đối tượng: khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối...
[caption id="attachment_127268" align="aligncenter" width="800"]
BĐBP Cảng Vũng Áng - Sơn Dương vận động bà con ngư dân xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) kê khai thiệt hại do sự cố môi trường biển[/caption]
Tính đến ngày 10/10/2016, Hà Tĩnh đã hoàn tất việc kê khai thiệt hại cho 344 thôn/xóm thuộc 63 xã, phường của 07 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, nhóm khai thác thủy sản gồm 6.893 tàu cá; nuôi trồng thủy sản là 2.259 ha; nuôi lồng bè 31.692m3; sản xuất muối 127,055. Lao động bị ảnh hưởng 31.649 người, trong đó, lao động trực tiếp bị ảnh hưởng 27.969 người, lao động gián tiếp bị ảnh hưởng 3.380 người. Khối lượng hải sản đông lạnh các loại tồn kho khoảng 1.880 kg, tương đương trị giá hơn 106.000.00 triệu đồng.
Trên cơ sở định mức bồi thường thiệt hại theo Quyết định 1880 của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để chi trả cho các đối tượng thiệt hại. Giá trị thiệt hại của tỉnh Hà Tĩnh theo định mức ban hành kèm theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ tính đến ngày 10/10/2016 với khoảng 2.045.165.092 triệu đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp là 1.980.912,291 triệu đồng, thiệt hại gián tiếp là 64.252,80 triệu đồng.
Để có được những kết quả nêu trên, hệ thống chính trị các cấp đã có sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, vì khối lượng công việc nhiều, phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian gấp, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn còn thiếu đồng bộ nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình rà soát và tổ chức kê khai, phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong việc xác định đối tượng, phương pháp thống kê, kiểm đếm, tính toán thiệt hại, phương pháp tổng hợp số liệu.
Trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt việc rà soát, xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình kê khai, xác định thiệt hại; tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung một số đối tượng vào diện thiệt hại để được hưởng các chính sách đền bù, sớm ổn định sản xuất, đời sống. Bên cạnh đó, yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục quan trắc nước biển, giám sát thường xuyên chất lượng môi trường biển; giám sát công ty Formosa khắc phục những tồn tại; kiểm tra, lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng hải sản khai thác; hướng dẫn các giải pháp nuôi trồng, khai thác hải sản và tiêu thụ, sử dụng hải sản đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhóm PV Bắc miền Trung