Năm 2013, ngành y tế nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội bởi những vấn đề còn gây bức xúc, phiền hà, tinh thần phục vụ người bệnh, cũng như để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng. Trong hành trình lấy lại niềm tin của người dân, ngành y tế đang tập trung vào hai điểm, đó là chống quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chống xuống cấp về đạo đức, tinh thần phục vụ của người thầy thuốc.
Chống quá tải là nhiệm vụ trọng tâm Chống quá tải, nằm ghép ở các bệnh viện tuyến cuối được ngành y tế coi là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, với lộ trình đề ra, phải đến năm 2020 mới có thể giải quyết hết tình trạng này. Các giải pháp chính đang được triển khai là: xây mới, cải tạo, nâng cấp bệnh viện; thực hiện các đề án: giảm quá tải bệnh viện; cử cán bộ y tế tuyến trên về tuyến dưới khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật (Đề án 1816); tăng cường bác sĩ trẻ về hỗ trợ 62 huyện nghèo... Trong đó, đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang được tích cực triển khai nhằm giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2015 cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép, từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Không chỉ giảm tình trạng quá tải bệnh viện, đề án cũng nhằm hướng tới bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, Bộ Y tế cũng triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh, riêng giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên đầu tư 45 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 15 bệnh viện hạt nhân với năm chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Nâng cao trình độ tuyến dưới để giảm tải cho tuyến trên cũng đang được ngành y tế tích cực triển khai. Chỉ tính riêng Đề án 1816, đã có 72 bệnh viện tuyến trên với 15 nghìn lượt cán bộ được đi luân phiên chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới. Các cán bộ đi luân phiên đã tổ chức 2.493 lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hơn 66 nghìn lượt cán bộ, chuyển giao cho bệnh viện các tỉnh 5.104 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành. Trong nội bộ các địa phương cũng thực hiện bệnh viện tuyến tỉnh cử cán bộ luân phiên về hỗ trợ tuyến huyện; bệnh viện tuyến huyện về hỗ trợ trạm y tế xã. Việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đã giúp cho năng lực chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới được nâng cao hơn, chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên. Người dân tin tưởng đến khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, từ đó góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên.
Một điều dễ nhận thấy là chưa bao giờ ngành y tế được đầu tư xây dựng thêm nhiều bệnh viện như hiện nay. Sau một loạt các bệnh viện đã, đang được nâng cấp, xây mới, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư 20 nghìn tỷ đồng xây dựng mới năm bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối làm nhiệm vụ như bệnh viện tuyến trung ương.Theo đó, xây cơ sở 2 (quy mô 1.000 giường) của hai Bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức tại tỉnh Hà Nam; xây Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh (quy mô 1.000 giường) tại huyện Bình Chánh; xây cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh (quy mô 1.000 giường) tại quận 9; xây Viện Chấn thương chỉnh hình (quy mô 500 giường bệnh) trực thuộc Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng) tại TP Hồ Chí Minh.
Vấn đề chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh hiện cũng ngày càng được quan tâm khi lần đầu Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng bệnh viện. Đây cũng được coi là công cụ để đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện Việt Nam. Với 83 tiêu chí cụ thể sẽ giúp các bệnh viện xác định những vấn đề cần cải tiến để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Với bộ tiêu chí, các yếu tố đánh giá sẽ gắn với người bệnh, hoạt động chuyên môn, đội ngũ nhân lực... bảo đảm việc đánh giá chất lượng bệnh viện đúng thực chất. Bộ Y tế kỳ vọng, việc đánh giá, xếp hạng bệnh viện theo các tiêu chí sẽ từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Dù còn một số ý kiến chưa đồng thuận, nhưng việc chấm điểm bệnh viện sẽ được thực hiện nghiêm túc để các bệnh viện tự nhìn nhận được mức độ tốt - chưa tốt của mình để phấn đấu.Với cơ chế chấm điểm này, không chỉ bệnh viện tuyến trung ương mới được chấm điểm là hạng đặc biệt, hạng một mà ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh cũng có thể được gắn danh hiệu bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến huyện cũng có thể là bệnh viện hạng một.
Chống xuống cấp đạo đức nghề nghiệp Chưa bao giờ ngành y tế lại xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng như năm 2013, tiêu biểu như ba vụ: ba trẻ em ở Quảng Trị chết sau khi tiêm vắc-xin; "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) và đặc biệt nghiêm trọng là vụ bác sĩ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người rồi ném xác phi tang. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận, vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường là điển hình, không chỉ về vấn đề đạo đức ngành y mà còn là sự mất nhân tính con người. Vụ việc gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho gia đình nạn nhân, đó còn là nỗi đau của cả ngành y tế. Sự việc như giọt nước tràn ly làm cho người dân mất niềm tin vào một bộ phận cán bộ y tế đang xuống cấp về đạo đức cũng như công tác quản lý của ngành y tế... Cả Chính phủ và người dân đều đòi hỏi ngành y cần có những giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả. Dẫu biết rằng, nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng với người thầy thuốc thì càng cần hơn sự sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật để tận tâm với nghề. Trong hành trình lấy lại niềm tin của người dân, ngành y tế triển khai hàng loạt các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/BCT ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 1793/CT-TTg ngày 7-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị... Thực hiện Quy tắc ứng xử, quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, giám đốc sở y tế, lãnh đạo y tế các cấp, trách nhiệm của giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng bệnh viện... Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên y khoa các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp để sau khi tốt nghiệp, ngoài việc nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, còn phải nắm thành thạo các tiêu chí đạo đức của người làm y tế. Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, đường dây nóng của Bộ Y tế nhận được nhiều phản ánh của người dân về hoạt động chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, những việc làm sai quy định của cơ sở y tế... Từ những phản ánh đó mà một số cán bộ y tế ở TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu... vi phạm các quy định đã bị xử lý kỷ luật kịp thời.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc chấn chỉnh lại đạo đức nghề nghiệp không thể thực hiện trong một sớm, một chiều và cần có sự hỗ trợ của nhiều ngành, địa phương và toàn xã hội. Do vậy, bộ trưởng đề nghị cả xã hội cùng giám sát, phát hiện tiêu cực để ngành y xử lý kịp thời. Bộ trưởng cũng mong người dân nhìn nhận một cách khoan dung và toàn diện đối với ngành y tế. Tại diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Những người làm công tác y tế, dù còn điểm này điểm khác, còn một số cá nhân chưa xứng đáng là một công dân tốt, nhưng bên cạnh đó có biết bao người thầy thuốc tài năng, đức độ.Tuy nhiên, theo GS, TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam thì những căn bệnh về y đức và y nghiệp của ngành y tế đã đến lúc phải thực hiện một cuộc "đại phẫu thuật" nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Trong đó, đạo đức nghề nghiệp và thái độ ứng xử phải chấn chỉnh đầu tiên.
Việc chống quá tải bệnh viện hay chống xuống cấp đạo đức nghề nghiệp đã và đang được ngành y tế tích cực triển khai. Dẫu biết rằng không thể ngày một, ngày hai là có kết quả, nhưng nó cần được thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Theo nhandan