Đời sống

Hải Phòng xứng danh thành phố Anh hùng

Đại Vũ 13/05/2025 14:08

(CLO) Hải Phòng - Thành phố "Trung Dũng - Quyết Thắng" trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng phát triển trong thời kỳ mới.

Bản hùng ca "Trung Dũng - Quyết Thắng"

Ngược dòng lịch sử, Hải Phòng là một trong những địa danh gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc. Sông Bạch Đằng Giang hùng vĩ đã ba lần chứng kiến quân và dân ta đánh tan quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ vững chắc bờ cõi. Khí thế "Trung Dũng - Quyết Thắng" đã nảy mầm, bén rễ sâu sắc trong tâm hồn người dân nơi đây từ những trận chiến oai hùng ấy.

Quân và dân thành phố Hải Phòng chuẩn bị chiến đấu chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ cuối năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Quân và dân thành phố Hải Phòng chuẩn bị chiến đấu chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ cuối năm 1972 (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng tiếp tục khẳng định bản lĩnh kiên cường. Dưới làn mưa bom bão đạn, quân và dân Hải Phòng vẫn một lòng sắt son với cách mạng, dũng cảm chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Những địa danh như Cảng Hải Phòng, Đồ Sơn, Tràng Kênh… đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu ngoan cường, không ngại gian khổ hy sinh.

Ngày nay, những di tích lịch sử như Bến tàu Không số K15, nơi xuất phát của những chuyến tàu chở vũ khí bí mật chi viện cho chiến trường miền Nam, hay Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang vẫn sừng sững nhắc nhở thế hệ sau về truyền thống "Trung Dũng - Quyết Thắng" của cha ông.

Hải Phòng không chỉ anh dũng trong chiến đấu, người dân Hải Phòng còn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Từ một cảng biển nhỏ bé, Hải Phòng đã vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước. Các khu công nghiệp hiện đại mọc lên, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Cảng Hải Phòng ngày càng được mở rộng và nâng cấp, trở thành một trong những cảng biển quan trọng nhất khu vực, góp phần thúc đẩy giao thương và hội nhập quốc tế.

mot-goc-hai-phong-1-1732521835372808501424.jpg
Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh những thành tựu kinh tế, Hải Phòng còn là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Những lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, cùng với những làn điệu chèo, ca trù... đằm thắm đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và độc đáo. Ẩm thực Hải Phòng cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua với những món ăn nổi tiếng như bánh đa cua, nem cua bể, bún cá cay… mang hương vị đặc trưng của biển cả.

Ngày nay, Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, những khu đô thị mới hiện đại, những công viên xanh mát đang từng ngày thay đổi diện mạo của thành phố. Tuy nhiên, dù có đổi thay đến đâu, khí chất anh hùng, tinh thần quật cường “Trung dũng – Quyết thắng” vẫn luôn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Hải Phòng.

Âm vang cuộc chiến 300 ngày đêm

Trong tâm trí người Hải Phòng còn in đậm ký ức hào hùng về cuộc chiến 300 ngày đêm để tiếp quản Hải Phòng. Chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo ra những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954.

Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), ngày 16-3-1961. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), ngày 16-3-1961. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Hiệp định Giơ-ne-vơ là hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, quân đội Pháp ở phía Nam giới tuyến. Lịch rút quân và chuyển quân của quân đội Pháp được quy định: Chu vi Hà Nội 80 ngày, chu vi Hải Dương 100 ngày, chu vi Hải Phòng 300 ngày.

Là vị trí chiến lược quan trọng nhất của khu tập kết 300 ngày. Với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An, sân bay Đồ Sơn… Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gài gián điệp trước khi rút khỏi miền Bắc.

Ngay sau khi ký kết, Pháp đã trắng trợn vi phạm Hiệp định bằng hành động vây ráp bắt lính, cướp đoạt tài sản, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nghiêm trọng hơn là âm mưu thâm độc cưỡng ép, dụ dỗ nhân dân miền Bắc di cư, phá hoại và chuyên chở máy móc tài sản vào Nam…

Được Mỹ trực tiếp chỉ huy, quân đội Pháp và các đảng phái phản động ráo riết hoạt động, để phục vụ cho âm mưu phá hoại việc thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chúng một mặt luôn tìm cách dụ dỗ và cưỡng bức quần chúng di cư vào Nam, nhất là với quần chúng tôn giáo, mặt khác tiến hành những hoạt động phá hoại trên các mặt cơ sở kinh tế, văn hóa... trước khi chúng rút đi.

Chính vì thế cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ nói chung, tiếp quản Hải Phòng nói riêng tuy là không có tiếng súng, không phải chiến đấu vũ trang như trước đó, nhưng cũng hết sức cam go. Đảng bộ thành phố Hải Phòng cùng với nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, dụ dỗ cưỡng bức… di cư vào Nam, tuyên truyền để làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Ngoài các hình thức tuyên truyền, tích cực vận động quần chúng đấu tranh bảo vệ các cơ sở kinh tế, các cơ sở văn hóa mà trong đó nổi lên là đấu tranh giai cấp công nhân trong thành phố, bảo vệ các nhà máy, cơ sở sản xuất, không cho địch tháo dỡ các chi tiết, kỹ thuật hoặc các bản sơ đồ về máy móc, trang thiết bị nhằm giữ vững và ổn định sản xuất sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.

Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955 quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Và từ đây miền Bắc bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tàu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất cảng, của dân tộc.

Lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Ngày 13/5/1955, mãi mãi khắc sâu vào trí nhớ người dân đất Cảng giờ phút vinh quang hào hùng của thành phố “Trung dũng- Quyết thắng”.

Rực rỡ 70 mùa hoa

Ngày nay, đặt chân đến Hải Phòng, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp năng động của một đô thị cảng biển hiện đại, mà còn cảm nhận sâu sắc khí chất hào hùng, truyền thống đấu tranh anh dũng của người dân nơi đây. Từ những dấu tích lịch sử oai hùng đến nhịp sống hối hả, Hải Phòng luôn khắc ghi và phát huy tinh thần "Trung Dũng Quyết Thắng" trong mọi lĩnh vực.

Cảng Hải Phòng
Cảng Hải Phòng ngày càng được mở rộng và nâng cấp, trở thành một trong những cảng biển quan trọng nhất khu vực, góp phần thúc đẩy giao thương và hội nhập quốc tế.

Ra khỏi chiến tranh, Hải Phòng cùng cả nước lại đứng trước những khó khăn, thử thách cam go và không kém phần khốc liệt: Đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới và chính sách bao vây cấm vận, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trong đó Hải Phòng là một trọng điểm. Cùng với đó, nhược điểm của mô hình và cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp đã bộc lộ và trở thành lực cản với phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với bản lĩnh vững vàng, dày dạn kinh nghiệm, với tư duy năng động, sáng tạo, Hải Phòng đã nhanh chóng hồi sinh từ đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, từng bước đứng vững và vượt lên khó khăn, thách thức.

Với tinh thần phát huy dân chủ, dựa vào dân, thực hiện phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra”, nghiên cứu tổng kết các mô hình hay, cách nghĩ, cách làm sáng tạo từ cơ sở; bản lĩnh, sự năng động cùng với kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng lại thêm một lần tỏa sáng.

Hải Phòng luôn biết cách tìm ra những lối đi riêng mang tính bứt phá để vươn lên, tự hào đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và kết quả thực tiễn, góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân thành phố: “Hải Phòng là một trong những địa phương khởi phát của sự đổi mới tư duy lãnh đạo, từ phong trào khoán mới đến quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân vận khéo”… đã tạo những viên gạch đầu tiên hình thành đường lối đổi mới toàn diện của cả nước…”.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng, đồng chí Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng xúc động chia sẻ: Cách đây 70 năm, từ sáng sớm ngày 13/5/1955, toàn thể Nhân dân Hải Phòng trong niềm vui hân hoan, phấn khởi và tự hào chào đón bộ đội ta tiến vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn thành phố; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “…Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ gái trai, đủ các tầng lớp, tủa ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người sung sướng vui mừng, như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu, đã kết quả vẻ vang: miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Hải Phòng đã giải phóng hoàn toàn”.

Thắng lợi lịch sử ngày 13/5/1955 tiêu biểu cho đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

70 năm Hải Phòng giải phóng là thời gian đặc biệt và rất quan trọng. Hải Phòng đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng đã làm lên bản sắc riêng của thành phố Cảng hôm nay.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải phòng cho biết: Những năm gần đây, quy mô nền kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách nhà nước và huy động vốn đầu tư trên địa bàn thành phố tăng vượt bậc, tạo nguồn lực phát triển thành phố. Cụ thể:

Quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Quy mô năm 2024 gấp 5,16 lần năm 2010; 3,4 lần năm 2015 và 2,34 lần năm 2020. Là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn khoảng 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2020 - 2025, tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 43% năm 2018 lên 43,86% năm 2024, trong đó, giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao đạt 66%, đều vượt các chỉ tiêu đề ra.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2024 đạt 109.387,6 tỷ đồng gấp 6,5 lần năm 2010. Năng suất lao động tăng trưởng khá cao: năm 2020 đạt 254,99 triệu/lao động, bằng 2,12 lần năm 2015 và 2,05 lần bình quân chung cả nước (124,4 triệu đồng); năm 2023 đạt 392,1 triệu đồng, bằng 1,97 lần bình quân cả nước (199,3 triệu đồng) và 1,54 lần năm 2020. Năm 2023, Hải Phòng nằm trong nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước, chỉ đứng sau Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh.

Hạ tầng giao thông, đô thị những năm qua được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Công tác an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, điều kiện sống, mức sống để người dân có điều kiện phát triển toàn diện - Đứng đầu cả nước về mức quà tặng đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; mức trợ giúp xã hội từ năm 2020 nâng lên bằng 1,4 lần mức chuẩn quy định; số đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng; người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hải Phòng - Thành phố Anh hùng

Phát huy truyền thống vẻ vang được hội tụ từ hàng ngàn năm của miền đất và con người Hải Phòng; truyền thống Trung dũng - Quyết thắng trong đấu tranh cách mạng và năng động, sáng tạo qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển thành phố; dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển Thành phố trở thành thành phố gương mẫu của cả nước như lời Bác Hồ đã căn dặn và thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII xác định, tiếp tục đóng góp xứng đáng trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.

z6594875870138_4639e88ab87b370780983ff64ba93b2c.jpg
Đô thị Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại

Với những chiến công và thành tích xuất sắc đó, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã được Bác Hồ đã 3 lần gửi thư khen và tặng cờ luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý. Và mới đây, ngày 28/4/2025, Hải Phòng vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu "Thành phố Anh hùng".

Danh hiệu “Thành phố Anh hùng” không chỉ là một sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của Hải Phòng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn là niềm tự hào, là động lực để các thế hệ người dân thành phố Cảng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng Hải Phòng ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những trang sử hào hùng đã viết nên.

Đứng trước biển Đông bao la, nghe tiếng sóng vỗ bờ, ngắm nhìn những con tàu ra vào tấp nập, người ta càng thêm trân trọng những giá trị lịch sử và văn hóa mà Hải Phòng đã dày công vun đắp. Bản hùng ca bên bờ biển Đông vẫn đang được viết tiếp bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của một thành phố anh hùng, một thành phố luôn hướng về tương lai với niềm tin và khát vọng cháy bỏng. Hải Phòng, mãi mãi là niềm tự hào của Tổ quốc Việt Nam.

*Ba lần Bác gửi Thư khen:

- Ngày 5/8/1966: Bác gửi thư khen, động viên quân và dân thành phố cảng đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 50 máy bay Mỹ trên vùng trời Hải Phòng.

- Ngày 23/4/1967: Bác gửi Thư khen đồng bào, cán bộ và bộ đội Hải Phòng: “Ngày 20/4/1967 quân và dân Hải Phòng đã đánh thắng vẻ vang bước leo thang mới đầy tội ác của giặc Mỹ”

- Ngày 6/8/1969: Bác gửi thư khen quân và dân Hải Phòng vì thành tích bắn rơi 200 máy bay Mỹ, góp phần vào chiến công bắn rơi gần 2800 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

* Các Huân chương cao quý:

- Ngày 29/4/1967: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân thành phố Hải Phòng vì thành tích bắn rơi 12 máy bay các loại, bắt sống giặc lái, trong đó có chiếc máy bay Mỹ thứ 800 bị bắn rơi trên miền Bắc vào ngày 25/4/1967

- Năm 1968, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng quân dân Hải Phòng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất

- Nhiều tập thể, cá nhân cũng được Người cổ vũ, động viên kịp thời:

+ Ngày 25/1/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đơn vị 152 đảo Bạch Long Vĩ đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ.

+ Ngày 10/2/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Đại hội Phụ nữ “Ba đảm đang” Hải Phòng, khen ngợi chị em đạt nhiều thành tích trong phong trào “Ba đảm đang”. Nhân dịp này, Người tặng Huy hiệu của Người cho 7 phụ nữ Hải Phòng lập nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu.

+ Ngày 1/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng danh hiệu Anh hùng cho 45 đơn vị và 111 cá nhân, trong đó có 4 Anh hùng Lao động

+ Ngày 10/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12-LCT, thưởng 13 Huân chương Lao động hạng Ba cho phụ nữ các tỉnh, trong đó có phụ nữ thành phố Hải Phòng.

+ Ngày 17/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 13/LCT, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho liệt sĩ Vũ Hữu Tháng, hạ sĩ công an vũ trang thành phố Hải Phòng, đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

+ Cả 12 khu phố, huyện, thị xã và 136 xã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Có 7 xã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hai lần…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hải Phòng xứng danh thành phố Anh hùng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO