Hàng chục nghìn người Niger biểu tình kêu gọi quân đội Pháp rời đi
(CLO) Hàng chục nghìn người đã biểu tình bên ngoài một căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey của Niger vào hôm thứ Bảy (2/9), nhằm yêu cầu quân đội Pháp rời đi sau cuộc đảo chính quân sự được quần chúng ủng hộ ở quốc gia Tây Phi này.
Cuộc đảo chính ở Niger - 1 trong 8 cuộc đảo chính ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020 - đã khiến các cường quốc toàn cầu lo ngại về làn sóng đảo chính quân sự sẽ trỗi dậy trên toàn khu vực.

Hàng nghìn người biểu tình trước trụ sở quân đội Pháp tại Niamey, Niger vào ngày 2 tháng 9 năm 2023. Ảnh: Reuters
Lực lượng của Pháp, nước từng thuộc địa và vẫn có ảnh hưởng lớn với nhiều quốc gia trong khu vực, đã bị trục xuất khỏi các nước láng giềng Mali và Burkina Faso kể từ các cuộc đảo chính ở những quốc gia này.
Tâm lý chống Pháp đã gia tăng ở Niger kể từ cuộc đảo chính và còn trở nên tồi tệ hơn vào tuần trước khi Pháp phớt lờ lệnh của chính quyền quân sự yêu cầu Đại sứ Sylvain Itte của nước này rời đi. Chính quyền quân sự Niger cho biết cảnh sát đã được chỉ thị trục xuất ông.
Bên ngoài căn cứ quân sự hôm thứ Bảy, những người biểu tình đã cắt cổ một con dê mặc trang phục màu sắc của Pháp và mang theo những chiếc quan tài treo cờ Pháp trước sự chứng kiến của hàng binh lính Niger. Những người khác mang biểu ngữ kêu gọi Pháp rời đi.
Truyền thông phương Tây cho biết đây là cuộc tụ họp lớn nhất kể từ cuộc đảo chính, cho thấy sự ủng hộ dành cho chính quyền quân sự và tâm lý chống Pháp vẫn không hề suy giảm.
Người biểu tình Yacouba Issoufou nói: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh bản thân ngày hôm nay vì chúng tôi tự hào. Họ đã cướp bóc tài nguyên của chúng tôi. Vì vậy, họ sẽ phải rút đi".
Đến tối thứ Bảy theo giờ địa phương, vẫn chưa có hành động bạo lực bùng phát rõ ràng nào. Pháp có quan hệ thân mật với Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và có khoảng 1.500 quân đóng tại Niger.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông vẫn nói chuyện với Bazoum hàng ngày và rằng "các quyết định mà chúng tôi sẽ đưa ra, bất kể chúng có thể là gì, sẽ dựa trên các cuộc trao đổi với Bazoum".
Pháp không phải là quốc gia duy nhất lo ngại về tình hình ở Niger. Khối khu vực Tây Phi ECOWAS đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Niger và đe dọa hành động quân sự nếu giải pháp ngoại giao thất bại. Mỹ và một số cường quốc châu Âu cũng có quân đồn trú tại nước này.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người giữ chức chủ tịch luân phiên của ECOWAS, vào tuần trước đã đề xuất quá trình chuyển đổi kéo dài 9 tháng để Niger trở lại chế độ dân sự. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger muốn thời hạn này là 3 năm.
Bùi Huy (theo Reuters)