Kinh tế

Hàng giả 'ẩn mình' trên sàn lớn: Cần quỹ riêng để lật mặt gian thương

Việt Vũ 09/07/2025 08:23

(CLO) Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương vừa đề xuất nghiên cứu thành lập quỹ chống hàng giả để tăng hiệu quả công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

Thị trường hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, bất chấp nỗ lực kiểm soát của lực lượng chức năng. Hàng loạt sản phẩm từ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, linh kiện điện tử đến hàng tiêu dùng thiết yếu đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.

Đáng chú ý, hàng giả ngày càng khó phát hiện hơn do được gia công tinh vi, bám theo các thương hiệu lớn, bán tràn lan qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.

2313770_42ba6e818c50002dc97cbf84-1751675192312.jpg
Hàng giả 'ẩn mình' trên sàn lớn. (Ảnh: DP)

Một xu hướng nổi bật là hàng giả không còn chỉ xuất hiện ở những chợ truyền thống hay cửa hàng nhỏ lẻ, mà đã "đội lốt" hàng xách tay, hàng nhập khẩu chính hãng, thậm chí có mặt trên các sàn thương mại điện tử có tên tuổi.

Điều này khiến người tiêu dùng dễ rơi vào “bẫy thương hiệu”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe, đồng thời làm suy giảm lòng tin vào thị trường chính ngạch.

Trong bối cảnh đó, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu thành lập quỹ chống hàng giả để tăng hiệu quả công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

“Chúng ta nên đề xuất có một quỹ để người làm công tác chuyên môn sử dụng quỹ mua hàng trên môi trường mạng. Nếu sản phẩm mua là hàng giả thì xử lý. Một phần tiền xử lý vi phạm sẽ tái cấp cho quỹ. Không có quỹ thì không có cách nào xem hàng, không lẽ để người làm chuyên môn bỏ tiền túi đi mua hàng xem có vi phạm hay không. Đây là một nội dung theo chúng tôi nên xem xét”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.

Theo ông Hoàng Ninh, hiện nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể như Trung Quốc đang có quỹ chống hàng giả có sự tham gia của cả nhà nước và các chủ thể quyền. Sự tham gia của nhà nước là sẽ trích một phần xử phạt đưa vào quỹ; đối với các chủ thể quyền là các nhãn hàng sẽ trích một phần lợi nhuận vào quỹ để các cơ quan chức năng thực thi pháp luật về chống gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, đề xuất nghiên cứu lập quỹ chống hàng giả cũng là đề xuất hợp lý, nếu làm tốt sẽ trợ lực cho lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Các lực lượng như quản lý thị trường muốn phân biệt, muốn xác định hàng thật, hàng giả đầu tiên phải có mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm, giám định, sau đó mới đề xuất các biện pháp tiếp theo. Vì vậy, nếu có quỹ cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống hàng giả”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, ông Đông cũng đặt các vấn đề: quỹ do ai thành lập, hoạt động ra sao, kinh phí thế nào, hiện tại, ngân sách nhà nước sẽ không có trích nguồn cho những quỹ như này. Còn đối với công tác giám định hàng hóa thì đều có quy định chung, không có trích riêng ngân sách.

“Ở Việt Nam, một số hiệp hội đã có quỹ chống hàng giả, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động không cao, dần nhỏ lại. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn đối với đề xuất về thành lập quỹ này”, ông Đông nói.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hàng giả 'ẩn mình' trên sàn lớn: Cần quỹ riêng để lật mặt gian thương
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO