‘Hàng hoá Việt Nam cần tập trung nhiều ở khâu hậu kiểm’
(CLO) “Dự thảo Luật sửa đổi quá tập trung ở khâu tiền kiểm, bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp hậu kiểm”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nêu khi nói về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa tại phiên họp Quốc hội sáng nay (17/5), đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn đại biểu Cà Mau) cho hay: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là luật gốc, chi phối toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Luật này hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu quản lý và hội nhập, thì Việt Nam sẽ có điều kiện để nhất thể hóa và đồng bộ hóa vấn đề thể chế pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cả nước đầu tư phát triển, nâng tầm sức sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và thương hiệu Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển tới đây.
Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là ban hành từ năm 2006-2007. Sau 20 năm thực hiện, năng lực sản xuất và thị trường sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, xuất khẩu tới hầu hết các nước, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Do vậy, nội dung của Luật này phải cần thay đổi mới có thể đáp ứng được yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế, để thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa và tăng trưởng kinh tế lên 2 con số trong những năm tới.
Do đó, luật phải phù hợp với chủ trương của Nhà nước, mà trực tiếp là phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ kiểm soát hành vi sang kiểm soát hiệu quả, lấy trung tâm phục vụ là người dân, doanh nghiệp… phấn đầu trong 2-3 năm tới phải giảm được 30% thủ tục hành chính, 30% điều kiện kinh doanh, 30% chi phí sản xuất, để đưa Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về môi trường điều kiện kinh doanh; triển khai mạnh chủ trương xã hội hóa để khơi dậy sức dân, trong đó đặc biệt là khu vực kinh tếtư nhân…

Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, có một số nội dung còn tồn tại giữa Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đó là: Quy định công bố hợp quy trong các Điều 48 Luật tiêuchuẩn quy chuẩn và các Điều 23, 28,34,44 của Luật Chất lượng sản phẩm.
“Ở đây cơ quan soạn thảo vẫn để quy định bắt buộc người sản xuất kinh doanh phải thực hiện công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa là không phù hợp với yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế. Bởi không có nước nào yêu cầu công bố hợp quy như Việt Nam. Một số nước chỉ yêu cầu tuyên bố sự phù hợp về chất lượng của một số sản phẩm có độ rủi ro và đồng nhất như đồ điện tử, máy móc, đồ chơi trẻ em, dụng cụ y tế, thiết bị bảo vệ cá nhân… theo các tiêu chuẩn hàng hóa của nước họ đưa ra hoặc lựa chọn, như Trung Quốc, châu Âu”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh phân tích.
Ông Thanh nêu, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài, không có nước nào yêu cầu phải có dấu hợp quy và hàng hóa nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng không có nước nào có dấu hợp quy mà buộc người nhập khẩu khi về phải bóc, dỡ hàng hóa ra để đóng thêm dấu hợp quy vào, mất rất nhiều thời gian và chi phí không cần thiết.
“Quy định công bố hợp quy là lấy mẫu sản phẩm có một lần để chứng minh cho sản phẩm phù hợp quy chuẩn cả đời trong nhiều năm là không đúng. Nên buộc Nhà nước phải hậu kiểm. Mẫu đem đi công bố hợp quy là mẫu chọn, thì kết quả thử nghiệm luôn luôn tốt, nhưng thực tế thì chưa chắc đã như công bố, nếu Nhà nước không hậu kiểm.
Phải công bố hợp quy hàng hóa nhập khẩu khi đưa ra thị trường, buộc tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện kiểm tra chất lượng. Điều này trái với thông lệ thương mại quốc tế, lý do để các đối tác xem là Việt Nam đã tạo thêm rào cản thương mại phi thuế quan. Công bố hợp quy phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí vật chất, thời gian chờ đợi, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh và chậm cơ hội kinh doanh của hàng hóa Việt Nam”, ông Thanh nói.
Tiếp tục góp ý cho dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, ông Thanh cho hay:
“Phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất chất lượng, an toàn sản phẩm phù hợp và nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu hậu kiểm là cần thiết.
Trong khi dự thảo Luật sửa đổi lại quá tập trung ở khâu tiền kiểm, bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp hậu kiểm. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại, vì công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của nhà nước nhằm đảm bảo chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành. Bài học đã được thực tế chứng minh qua những lùm xùm về sữa và thực phẩm chức năng giả vừa qua”.