Hàng không nội địa trở lại bầu trời: Hành trình còn lắm gian nan

Thứ năm, 14/10/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 10/10, sau rất nhiều nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các cơ quan quản lý và hãng hàng không, một số đường bay thương mại chở khách nội địa đã được nối lại sau khoảng 3 tháng “ngủ đông”.

Tuy nhiên, cũng chính ngày đầu khôi phục lại các đường bay, các hãng hàng không đã phải hủy 27 chuyến bay vì nhiều lý do… Chừng ấy cũng phần nào cho thấy, hành trình trở lại bầu trời của hàng không nội địa còn lắm gian nan, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các quy định phòng dịch của các địa phương không thống nhất hay sản lượng bay chưa cao do phải thực hiện giãn cách trên máy bay...

Nói về khó khăn của ngành hàng không, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến doanh thu ngành hàng không sụt giảm tới 80 - 90% từ cuối tháng 5/2021 đến nay.

Toàn bộ các đường bay thương mại quốc tế và đường bay nội địa đều bị dừng. Mỗi ngày các hãng hàng không phải chi hơn 100 tỷ đồng vì máy bay phải nằm chờ tại các cảng hàng không. Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.

Và điều các hãng hàng không mong mỏi nhất cũng như giải pháp cốt lõi để “cứu” ngành hàng không chính là đưa máy bay trở lại bầu trời.

Vẫn còn lắm gian nan…

Sau nhiều nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, các cơ quan quản lý và hãng hàng không, một số đường bay thương mại chở khách nội địa đã được nối lại, dù còn đó những khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đặc biệt là những quy định phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương mỗi nơi mỗi khác.

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm đã có 27 chuyến bay trên 14 đường bay nội địa không thể thực hiện được. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của bão, hãng hàng không không kịp bán vé và các yêu cầu cách ly y tế của các địa phương.

hang khong noi dia tro lai bau troi hanh trinh con lam gian nan hinh 1

Sau nhiều nỗ lực, máy bay của các hãng hàng không đã được trở lại bầu trời..

Điển hình trong ngày đầu tiên nối lại các chuyến bay nội địa (10/10), Hãng hàng không Vietnam Airlines đã không thực hiện được chuyến bay trên đường bay TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội do hành khách phải cách ly tập trung, hướng dẫn cách ly tập trung cụ thể của Hà Nội chưa có.

Vì vậy Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang đề nghị thống nhất trên cả nước, mỗi địa phương áp dụng một kiểu như hiện nay sẽ rất khó cho hãng trong việc bán cũng như theo dõi thông tin.

Chiều tối 11/10, tại buổi họp trực tuyến đánh giá việc thí điểm mở lại đường bay nội địa do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, một số địa phương yêu cầu phải duyệt trước danh sách khách bay là Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa.

Một số địa phương dù không yêu cầu phải cách ly tập trung như Hà Nội và Hải Phòng nhưng với khách không cư trú tại địa phương mà phải lưu trú lại thì những vấn đề liên quan đến giá khách sạn và vận chuyển tương đối phức tạp.

Hay thành phố Hải Phòng yêu cầu chỉ công nhận xét nghiệm PCR, không chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh. Tỉnh Quảng Ninh thì không công nhận kết quả trong 72 giờ mà chỉ chấp nhận trong 48 giờ. Một số địa phương lại yêu cầu hành khách về từ TP. Hồ Chí Minh phải cách ly tập trung và tự trả phí...

hang khong noi dia tro lai bau troi hanh trinh con lam gian nan hinh 2

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng Hãng hàng không Vietjet vẫn thực hiện những chính sách ưu đãi để những khách hàng thu nhập thấp vẫn có thể sử dụng dịch vụ hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị các tỉnh, thành phố nơi có cảng hàng không, sân bay cần có quy định rõ ràng về phương thức kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đối với hành khách đến nhưng không lưu trú, cụ thể về phương tiện cách ly, hình thức di chuyển.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, việc mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu. Nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, mở cửa từng bước để chúng ta tập dượt các đường bay nội địa và sẽ tiến ra quốc tế.

Các hãng hàng không cho rằng, tình trạng vé máy bay giai đoạn 1 được bán nhanh một phần do nhu cầu đi lại, một phần do số lượng chuyến bay cung cấp còn hạn chế. Trong khi tất cả chuyến bay tuân thủ giãn cách, số lượng chỗ bán ra rất hạn chế nên doanh thu đạt được cũng không đáng là bao so với chi phí bỏ ra.

Những tín hiệu khởi sắc đầu tiên

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân bảo đảm an toàn, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, Bộ GTVT đã ban hành quy định tạm thời việc triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, được thực hiện thí điểm từ ngày 10 - 20/10.

Đường bay sôi động nhất cả nước là Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại được giao cho Vietnam Airlines khai thác trong 10 ngày thí điểm. Theo đại diện Hãng hàng không này, hành khách rất chờ đợi ngày hàng không được bay trở lại nên số lượng đặt chỗ rất lớn.

Tuy nhiên do số lượng chuyến bay được cho phép mỗi ngày rất ít, chỉ 1 chuyến/khứ hồi, vì vậy vé gần như hết ngay sau khi mở bán. Các chuyến bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giữa TP. Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, Huế được đặt chỗ nhiều nhất.

hang khong noi dia tro lai bau troi hanh trinh con lam gian nan hinh 3

Các địa phương cần thống nhất quy định phòng chống dịch COVID-19, tránh gây khó khăn cho hoạt động vận tải hành khách hàng không.

Đặc biệt có những chuyến bay thậm chí gần như kín chỗ trong ba ngày liên tiếp 10, 11, 12/10. Các chuyến bay khác như từ TP. Hồ Chí Minh đi Vinh, Quảng Nam, Đà Nẵng,... cũng ghi nhận lượng đặt chỗ tăng mạnh. Tới hết ngày 9/10 (trước ngày khai thác trở lại), nhiều chuyến bay nội địa của hãng cung cấp đã lấp đầy 80% số chỗ, một số chuyến đã hết vé.

Với Vietjet trong giai đoạn thí điểm, hãng hàng không mở lại các đường bay kết nối TP. Hồ Chí Minh với Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai (Quảng Nam), Huế, Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Quốc (Kiên Giang),...

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19, không được những gói hỗ trợ tài chính, vay vốn ưu đãi như hãng hàng không Nhà nước,… Tuy nhiên Hãng hàng không tư nhân Vietjet vẫn thực hiện những chính sách ưu đãi đối với khách hàng, tạo điều kiện cho người dân nghèo được hồi hương như miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại TP. Hồ Chí Minh và đặc biệt là vé 0 đồng được mở bán khung giờ vàng từ 12h - 14h trong 3 ngày vàng 10, 11, 12/10.

Đánh giá về việc nối lại các đường bay nội địa, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, việc nối lại thành công các đường bay nội địa có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp ngành hàng không và du lịch có thể phục hồi kinh doanh, sản xuất sau một thời gian dài ngưng trệ.

Đối với các loại hình vận tải hành khách nói chung và vận tải hành khách bằng đường hàng không nói riêng, nguồn sống nằm hết ở sự vận động. Chỉ có được bay, được chở khách thì họ mới có thể tồn tại còn nếu máy bay “nằm đất” thì có được hỗ trợ hay giải cứu thế nào thì sớm muộn họ cũng không cầm cự được.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi bắt đầu thí điểm nối lại các đường bay nội địa và xa hơn là các chuyến bay thương mại quốc tế ngành hàng không sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên đại dịch đã làm thay đổi hành vi của khách hàng cũng như tư duy quản lý, điều hành của ngành hàng không, các hãng hàng không.

Do đó Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, các Hãng hàng không phải cùng đưa ra giải pháp để ngành hàng không hoạt động hiệu quả. Đồng thời, các tỉnh thành cũng cần nhìn nhận một cách tổng thể để đưa ra những quy định không chỉ tạo điều kiện cho ngành hàng hàng không mà cho toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế của địa phương.

Hoàng Lan

Tin khác

Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp

Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp

(CLO) Theo tài liệu trình họp Đại hội đồng cổ đông 2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Upcom: VBB) sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận. Theo đó, Vietbank dự kiến chia cổ tức 25%. Đây là một trong những mức chia cổ tức thuộc top đầu trong mùa Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng năm nay.

Thị trường - Doanh nghiệp
Loạt nhà máy sản xuất ô tô dư thừa “hoang tàn” ở Trung Quốc

Loạt nhà máy sản xuất ô tô dư thừa “hoang tàn” ở Trung Quốc

(CLO) Các nhà sản xuất như BYD, Tesla và Li Auto đang giảm giá để di chuyển ô tô điện của họ. Đối với xe chạy bằng xăng, tình trạng dư thừa nhà máy còn tệ hơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
MobiFone 'ẵm' tới 5 giải thưởng, ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2024

MobiFone 'ẵm' tới 5 giải thưởng, ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2024

(CLO) Tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê năm nay, MobiFone ‘bội thu’ với 5 giải thưởng cho các giải pháp mới thuộc nhiều lĩnh vực: dịch vụ, giải trí, viễn thông, quản trị - điều hành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Oxford Economics: Giá lương thực toàn cầu có thể chạm đáy vào năm 2024

Oxford Economics: Giá lương thực toàn cầu có thể chạm đáy vào năm 2024

(CLO) Theo Oxford Economics, giá thực phẩm toàn cầu dự kiến sẽ giảm vào năm 2024, mang lại sự nhẹ nhõm cho người mua sắm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

(CLO) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày mai (25/4).

Thị trường - Doanh nghiệp