Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ giúp giải quyết ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc TP HCM
(CLO) TP HCM đang triển khai loạt dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại cửa ngõ Tây Bắc.
Những công trình giao thông với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tại cửa ngõ Tây Bắc TP HCM không chỉ giúp mở rộng không gian lưu thông mà còn thúc đẩy kết nối vùng, đặc biệt giữa TP HCM và các tỉnh Tây Ninh, Long An, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài: Mở ra trục kết nối mới với Tây Ninh
Một trong những dự án quan trọng nhất là tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, có chiều dài gần 51 km. Cao tốc này bắt đầu từ huyện Củ Chi, kết nối với Vành đai 3 và kéo dài đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Giai đoạn đầu, tuyến đường sẽ được xây dựng với quy mô 4 làn xe cùng hai làn dừng khẩn cấp, nhưng mặt bằng sẽ được giải phóng để đảm bảo khả năng mở rộng lên 6 làn xe trong tương lai.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư 19.600 tỷ đồng trong đó phần cao tốc đầu tư theo hình thức BOT (Ảnh TL)
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, trong đó phần BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) chiếm hơn 10.400 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công vào đầu năm 2026 và hoàn thành vào cuối năm 2027.
Không chỉ giảm tải cho Quốc lộ 22 - tuyến đường hiện hữu đang quá tải, cao tốc này còn giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP HCM và Campuchia, mở ra nhiều cơ hội giao thương, đặc biệt là tại cửa khẩu Mộc Bài.
Nâng cấp Quốc lộ 22: Mở rộng lên 10 làn xe
Bên cạnh dự án cao tốc, Quốc lộ 22 – tuyến đường huyết mạch nối TP HCM với Tây Ninh cũng sẽ được mở rộng nhằm giảm áp lực giao thông. Dự án sẽ nâng cấp đoạn từ nút giao An Sương (Quận 12) đến Vành đai 3 (Hóc Môn), mở rộng mặt đường lên 60 m, đủ cho 10 làn xe lưu thông.

Quốc lộ 22 được mở rộng sẽ giúp giải tỏa ách tắc giao thông cho TP HCM (Ảnh TL)
Với tổng vốn đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng theo hình thức BOT, công trình này dự kiến triển khai từ năm 2025 đến 2028. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực vận tải giữa TP HCM và các tỉnh lân cận, đồng thời giảm tải cho các tuyến đường nội đô.
Đường trên cao Trường Chinh - Cộng Hòa: Giảm tải cho tuyến huyết mạch ra sân bay
Một dự án đáng chú ý khác là tuyến đường trên cao Trường Chinh - Cộng Hòa, kéo dài 11,2 km từ nút giao An Sương đến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Công trình có quy mô 4 làn xe, với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách nhà nước đóng góp 50%.

Nút giao thông Trường Chinh - Cộng Hòa là điểm nóng được dự kiến đầu tư 12.000 tỷ đồng (Ảnh TL)
Điểm đặc biệt của dự án này là tuyến đường trên cao sẽ được xây dựng ngay trên dải phân cách giữa đường Trường Chinh và Cộng Hòa, giúp giảm đáng kể chi phí giải phóng mặt bằng. Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho tuyến đường đông đúc bậc nhất TP HCM, đồng thời cải thiện khả năng kết nối giữa khu Tây Bắc và sân bay Tân Sơn Nhất.
Mở rộng đường Trường Chinh: Giải quyết nút thắt cổ chai
Hiện nay, dù đường Trường Chinh có mặt cắt rộng 10 làn xe ở đoạn từ nút giao An Sương đến đường Cộng Hòa, nhưng từ đoạn Cộng Hòa đến Âu Cơ, tuyến đường bị thu hẹp còn 4 làn xe, gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Nút thắt cổ chai trên trên đường Trường Chinh sẽ được giải quyết (Ảnh TL)
Nhằm giải quyết tình trạng này, TP HCM dự kiến mở rộng tuyến đường từ 10 - 12 m hiện tại lên 60 m, với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 1.750 tỷ đồng. Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028, khi hoàn thành sẽ giúp tuyến đường thông thoáng hơn, giảm tình trạng ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.
Nâng cấp Tân Kỳ - Tân Quý: Giải quyết điểm nghẽn giao thông
Tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý, đoạn từ đường Cộng Hòa đến Lê Trọng Tấn, hiện chỉ rộng 8 m, khiến việc di chuyển trên tuyến đường này gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên, TP HCM sẽ triển khai dự án mở rộng tuyến đường lên 30 m, đủ cho 6 làn xe lưu thông. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 1.600 tỷ đồng, với thời gian thực hiện từ năm 2025 đến 2028. Khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ giúp cải thiện khả năng kết nối giữa các quận khu Tây Bắc mà còn hỗ trợ giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường lân cận.

Đường Tân Kỳ - Tân Quý là một vị trí giao thông trọng điểm của cửa ngõ phía Tây thành phố (Ảnh TL)
Kỳ vọng cải thiện giao thông và phát triển kinh tế vùng với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, loạt dự án hạ tầng này không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài tại cửa ngõ Tây Bắc TP HCM mà còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Việc mở rộng và nâng cấp các tuyến đường huyết mạch sẽ giúp tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận, thúc đẩy giao thương và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Khi các công trình này hoàn thành đúng tiến độ, TP HCM sẽ có một hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ hơn, giúp giảm bớt tình trạng quá tải kéo dài và góp phần thúc đẩy đô thị hóa bền vững.