Hàng loạt dự án lớn dính bê bối: Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải ở đâu?

Thứ sáu, 15/05/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hư hỏng, đội vốn, chậm tiến độ thời gian qua đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư… Đồng thời đã làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước và cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Hàng loạt các dự án giao thông gặp sự cố

Ngày 11/5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Lê Quang Hào về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Lê Quang Hào là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là dự án giao thông trọng điểm, tuy nhiên sau khi vừa nghiệm thu tuyến đường đã xuất hiện những hư hỏng. Quá trình điều tra xác định các đối tượng trên đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu, gây thiệt hại về tài sản khi thực hiện dự án.

Dự án cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi hư hỏng sau khi vừa nghiệm thu.

Dự án cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi hư hỏng sau khi vừa nghiệm thu.

Trước đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 người gồm: Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình - nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An - thành viên Cienco 1, Phó Giám đốc ban điều hành gói thầu số 7.

Mặt khác, được khởi công vào tháng 10/2011, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thử và khai thác từ 30/6/2015. Đến nay sau hơn 8 năm thi công, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây dựng nhưng vẫn chưa thể vận hành, đã 5 lần lỡ hẹn khai thác và vẫn chưa định ngày phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tháng 7/2019, Kiểm toán Nhà nước đã đưa công bố báo cáo kết quả kiểm toán đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt. Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn vào tháng 2/2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương là chưa thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công.

Về tài chính của dự án đến ngày 30/6/2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khác 698 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỷ đồng.

Đặc biệt với nỗ lực minh bạch hóa, lấy lại niềm tin của người dân đối với các dự án BOT giao thông, ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện. Ngày 27/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Ngày 15/7/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 849/CĐ-TTg nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Có lẽ, chưa có hệ thống dịch vụ nào trong lĩnh vực giao thông lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ như hệ thống thu phí không dừng (ETC).

Tại Công điện số 849/CĐ-TTg ngày 15/7/2019 Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sau khi hoàn thành chuyển sang thu phí tự động không dừng đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc (chậm nhất ngày 31/12 năm 2019), khẩn trương rà soát, đánh giá và có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ trong

tháng 1/2020”.

Như vậy Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 100% các trạm thu phí BOT phải thực hiện việc triển khai thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải - cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện việc này lại chia ra làm 2 dự án thành phần, cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành và xin lùi tiến độ.

Bộ Giao thông vận tải có đứng ngoài trách nhiệm?

TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải khẳng định, lĩnh vực giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế, giúp kết nối các lĩnh vực, các địa phương, các quốc gia, thúc đẩy giao thương, phát triển xã hội. Những dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ đồng, liên quan trực tiếp đến tiền; điều này động đến và kích thích lòng tham của con người khiến một tỷ lệ không thấp cán bộ tham gia trong lĩnh vực giao thông “sa ngã”. Điều này khiến các dự án giao thông bị rút ruột hư hỏng, chậm tiến độ, đội vốn thời gian dài gây ra hàng loạt hệ lụy xấu.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn và chưa hẹn ngày chính thức hoạt động.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn và chưa hẹn ngày chính thức hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải có riêng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về quản lý xây dựng và chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn thực hiện đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước theo nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên trên thực tế vẫn xuất hiện những công trình kém chất lượng, điển hình là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bày tỏ quan điểm về dự án xuống cấp nhanh chóng, ông Thủy cho biết: “Không cần nghiên cứu kỹ hồ sơ tôi cũng có thể khẳng định đã có những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án như cắt xén vật tư, giám sát ẩu, bỏ các quy trình kỹ thuật của ngành giao thông, gian dối... Những cán bộ công tác trong lĩnh vực giao thông đã không có tinh thần trách nhiệm với xã hội, với đất nước mà chỉ nghĩ đến tư lợi cá nhân.

Bên cạnh đó, việc xử lý cán bộ vẫn còn mang tính hình thức, dẫn đến nhờn luận. Quy định thì chặt chẽ nhưng việc thực hiện không nghiêm, có dấu hiệu lợi ích nhóm của nhiều cá nhân. Vì vậy cần xử lý vi phạm một cách cương quyết, cách chức một số cá nhân cụ thể để tăng tính răn đe chứ không được chung chung... Nhất là những vi phạm tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa được xử lý dứt điểm, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn vẫn chưa ai bị xử lý và việc triển khai thu phí tự động không dừng chậm tiến độ Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang “rút kinh nghiệm” khiến dư luận không khỏi hoài nghi”...?

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định việc các dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư,... mà đặc biệt thiệt hại lớn nhất về mặt tinh thần, làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước và cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, là xương sống của nền kinh tế vì vậy Bộ Giao thông Vận tải cần triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn, công trình kém chất lượng cũng như xử lý trách nhiệm cán bộ vi phạm.

Dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ODA hay nguồn vốn ngân sách đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Vì vậy, tất cả các cơ quan, ban ngành liên quan cần khẩn trương chỉ đạo, phối hợp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc điều tra làm rõ, nếu phát hiện những vi phạm cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu khiến các dự án chậm tiến độ, đội vốn, kém chất lượng.

Thế Anh

Tin khác

Giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ùn ứ trong nhiều giờ do cháy xe container

Giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ùn ứ trong nhiều giờ do cháy xe container

(CLO) Đám cháy bất ngờ bùng phát từ một container trên cầu Phú Mỹ, đoạn qua phường Tân Thuận Đông (Quận 7, TP.HCM) khiến giao thông qua khu vực bị tê liệt nhiều giờ.

Giao thông
Gỡ khó cho hoạt động vận tải hàng hải và thủy nội địa

Gỡ khó cho hoạt động vận tải hàng hải và thủy nội địa

(NB&CL) Tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp; xung đột chính trị, vũ trang xảy ra tại nhiều khu vực hay những căng thẳng ở Biển Đỏ và biến đổi khí hậu diễn biến bất thường gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động vận tải đường thủy nội địa và hàng hải.

Giao thông
Xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt trên Quốc lộ 46C mỗi khi mưa lớn

Xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt trên Quốc lộ 46C mỗi khi mưa lớn

(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản số 3161/BGTVT-KCHT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An liên quan đến tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa lớn trên Quốc lộ 46C.

Giao thông
Ứng dụng công nghệ, minh bạch nguồn thu từ hoạt động trông giữ xe tại Hà Nội

Ứng dụng công nghệ, minh bạch nguồn thu từ hoạt động trông giữ xe tại Hà Nội

(CLO) Đơn vị được cấp phép trông giữ phương tiện trên địa bàn TP. Hà Nội phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ để phục vụ hoạt động trông giữ phương tiện không sử dụng tiền mặt tại các vị trí được cấp phép.

Giao thông
TP HCM phấn đấu khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm vào dịp 30/4/2025

TP HCM phấn đấu khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm vào dịp 30/4/2025

(CLO) Văn phòng UBND TP HCM vừa có Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và Vành đai 4.

Giao thông