Hàng triệu tấn nông, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên đang cần tiêu thụ khẩn cấp
(CLO) Với hàng triệu tấn nông, thủy sản cần được tiêu thụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương xác định đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, nhằm tiêu thụ nông, thủy nhanh nhất trong thời điểm này.
Chiều 6/8, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến, kết nối tiêu thụ, xúc tiến sản xuất nông, thủy sản tại Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tại hội nghị này, Bộ Công Thương cho biết: Hiện tại, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đang có nguy cơ tồn kho nông, thủy sản rất lớn. Trong đó, có gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 600.000 tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng và hàng chục nghìn tấn gia súc, gia cầm... với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đang rất cần được hỗ trợ tiêu thụ.

Hàng triệu tấn nông, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên đang cần tiêu thụ khẩn cấp.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sản xuất do dịch bệnh gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến.
Hơn nữa khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa dù đã áp dụng nhiều giải pháp song vì các tỉnh áp dụng quy định khác nhau cũng khiến hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi tươi sống khó tiêu thụ. Việc thu mua, giao thương trực tiếp trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 cũng cũng khó khăn khiến chất lượng giảm, chi phí tăng cao.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hiện nay cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định tiêu thụ tại thị trường này là quan trọng nhất để tiêu thụ nông, thủy trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đa dạng thị trường xuất khẩu, không bị lệ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp nông, thủy sản đang “kêu trời” vì có nhiều quy định, thủ tục trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nhất là việc vận chuyển hàng hóa từ địa phương này, sang địa phương khác rất khó khăn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
“Băng mọi cách phải duy trì được hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện ích vì đây là hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống nhân dân”, ông Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nông sản cần tiêu thụ, có giải pháp kết nối tiêu thụ tại chỗ, số lượng còn lại thì phối hợp các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp ngành hàng để được tư vấn, tổ chức tiêu thụ khẩn cấp.