Hành trình đi tìm người cựu binh trong tấm ảnh nổi tiếng

Thứ năm, 02/01/2020 09:16 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong tháng 12 lịch sử, vừa qua, tại Hà Nội, Báo VTC News đã tổ chức cuộc hội ngộ đầy xúc động liên quan đến hành trình xác định người cựu binh trong tấm ảnh nổi tiếng. Câu chuyện ấy đã được nhà giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An kể lại.

Bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược

Bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược

Đó là tấm ảnh về anh bộ đội gầy gò vác trên vai khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cột cây số Lạng Sơn 0km. Người trong tấm ảnh nổi tiếng đó chính là ông Trần Huy Cung (còn gọi là Trần Duy Cung), quê ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, là người lính thuộc biên chế của Trung đoàn 540, Sư đoàn bộ binh 327 của Quân đoàn 14. Ông đã mất năm 2015 vì bạo bệnh và hiện gia đình vợ và các con, cháu đang sống tại phường Tân Phước, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng để tìm được đúng người chiến sĩ trong ảnh, chúng tôi đã lặn lội nhiều nơi, tìm kiếm từ nhiều nguồn và cuối cùng đã có được kết quả. 

Ngày 18.2.2019, tôi đã viết một Status ngắn trên trang Facebook cá nhân bày tỏ một thông điệp nhờ những bậc cao niên, những cựu chiến binh, các nhà khoa học giúp đỡ tôi tìm ra người trong tấm ảnh này.

Với góc độ là một giáo viên Sử, tôi cho rằng mình sẽ có lỗi nếu không tìm ra chính xác người trong tấm ảnh đặc biệt này, có lỗi với các bậc tiền nhân, có tội với lịch sử và hậu thế. Vậy nên, sau một tuần lễ, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức kết nối, liên lạc qua rất nhiều nguồn tin từ các tổ chức Hội Cựu chiến binh, báo chí, đã tìm ra điều mà tôi đã trăn trở hàng chục năm từ cái tâm của một giáo viên Sử với một tấm ảnh lịch sử.

Sau khi nhận thông tin mà tôi viết trên Facebook cùng với video clip "ngộ nhận" của một người không rõ danh tính,  nhà báo Ngô Văn Hải – Tổng Biên tập Báo VTC News đã chỉ đạo anh chị em phóng viên nhanh chóng bắt tay vào thực hiện hành trình tìm kiếm và xác minh thông tin này.

Buổi gặp gỡ tại Báo điện tử VTC News vô cùng ý nghĩa

Buổi gặp gỡ tại Báo điện tử VTC News vô cùng ý nghĩa

Báo VTC News đã huy động nhiều phóng viên tiến hành tiếp cận các nhân chứng, thân nhân gia đình ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình và Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Trần Huy Cung. Bốn mươi năm đã lùi xa, nhiều tài liệu bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai. Nhiều nhân chứng lịch sử thời ấy cũng đã rời cõi tạm. Để từng bước tìm ra các đầu mối thông tin về người trong tấm ảnh đó, các phóng viên của tờ báo này đã lục lọi, kiếm tiềm, khảo chứng nhiều nguồn tư liệu ảnh từ TTXVN, Báo Tiền Phong, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, kết nối với cả các phóng viên ảnh nước ngoài để chỉ làm một việc là xác minh một người trong một tấm ảnh lịch sử. Và ông trời cũng đã không phụ lòng người và điều chúng tôi cần đã có, dù rất vất vả, gian nan và có lúc tưởng chừng rơi vào tình trạng bế tắc hoàn toàn.

Một người lính của cả hai cuộc kháng chiến vì Tổ quốc nhưng nhiều năm qua không được công nhận là một cựu chiến binh. Theo lời kể của bà Tô Thị Huê - vợ ông Cung và hai người con trai là anh Trần Văn Dũng, anh Trần Văn Dinh với phóng viên VTCNews, ông Cung sinh năm 1946 tại Tiền Hải - Thái Bình. Năm 1964, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1969, ông xuất ngũ, về làm công nhân tại Nhà máy Mì sợi Thái Bình. Năm 1979, khi quân đội Trung Quốc gây chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc, theo Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, ông xung phong tái ngũ trong biên chế của Trung đoàn 540, Quân đoàn 14, số hiệu quân nhân: 78046509 với cập bậc Hạ sỹ quan, Trung tá Ngô Công Nội làm Trung đoàn trưởng.

Báo VTC News đã tổ chức cuộc hội ngộ đầy xúc động với những nhân chứng lịch sử liên quan đến hành trình xác định người trong tấm ảnh nổi tiếng

Báo VTC News đã tổ chức cuộc hội ngộ đầy xúc động với những nhân chứng lịch sử liên quan đến hành trình xác định người trong tấm ảnh nổi tiếng

Ngày 18.2.1979, Trung đoàn 540 thuộc Sư đoàn bộ binh 327 được Quân khu 3 điều động từ Quảng Ninh tăng cường cho mặt trận Lạng Sơn. Tấm ảnh chụp ông Trần Huy Cung đang ôm súng phóng lựu B41 tì trên cột mốc Lạng Sơn 0km được chụp khoảng đầu tháng 3 năm 1979. Năm 1982, sau 3 năm nghĩa vụ, ông xuất ngũ, ông Cung quay trở về địa phương, công tác tại Nhà máy xay Tiền Hải - Thái Bình. Năm 1993, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, ông đưa vợ con vào sinh sống, lập nghiệp ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Khi ra quân và chuyển ngành, ông Cung đem tất cả hồ sơ, giấy tờ nộp tại Nhà máy Mì sợi Thái Bình. Không may cho ông, toàn bộ giấy tờ quân nhân mà ông nộp tại nhà máy bị thất lạc, mất mát. Gia đình ông chỉ còn giữ được là một Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 6.12.1996 do "Đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" và một Giấy Chứng minh Quân đội do Trung tá Ngô Công Nội ký ngày 30.8.1980.

Vậy nhưng từ năm 1993, khi ông Trần Huy Cung cùng gia đình vào sinh sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ có 2 thứ giấy tờ duy nhất còn lại đó của ông Cung vẫn không đủ để ông tham gia sinh hoạt Hội cựu chiến binh ở địa phương. Hằng năm cứ đến dịp ngày 22.12, ông vẫn là “người ngoài cuộc”. Vợ và các con cháu ngậm ngùi, xót xa nhưng đều bất lực. Họ không tin ông là cựu chiến binh, dù ông đã trải qua hai cuộc chiến khốc liệt, chiến đấu từ Quảng Trị túi lửa chống Mỹ đến Lạng Sơn tuyến đầu chống Tàu. Khi ông còn sống, ông cùng vợ con chỉ có một nguyện vọng thiết tha là được chính quyền và Hội cựu chiến binh địa phương công nhận và kết nạp ông vào sinh hoạt Hội cựu chiến binh. Nhưng ước vọng bình dị, chính đáng và hoàn toàn xứng đáng đó của ông vẫn không được chấp nhận, khi ông đã giã từ cõi đời vì bạo bệnh năm 2015 thì con người đã nhập ngũ 2 lần, đã cầm súng chiến đấu trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn chưa được công nhận là một cựu chiến binh.

Như một món quà tặng gia đình ông cựu chiến binh Trần Huy Cung trong dịp 22.12 này, Báo VTC News đã tổ chức cuộc hội ngộ đầy xúc động với những nhân chứng lịch sử liên quan đến hành trình xác định người trong tấm ảnh nổi tiếng này gồm tôi - người nêu ý tưởng đi tìm người trong bức ảnh, anh Trần Văn Dũng – con trai đầu, đại diện cho gia đình Trần Huy Cung bay từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại tá Nguyễn Công Nội - Thủ trưởng cũ của ông Cung và một số khách mời như Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, TS Phạm Minh Thế - giảng viên khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Cuộc hội ngộ giữa anh Trần Văn Dũng - con trai của ông Cung với Đại tá Ngô Công Nội - người Thủ trưởng cũ của ông Cung diễn ra đầy xúc động. Anh Dũng đã khao khát, đã đợi chờ gây phút này kể từ khi báo VTCNews  đăng một chùm bài về ông Trần Huy Cung. Anh ôm chầm lấy ông Ngô Công Nội mà nức nở vì anh không nghĩ là sẽ có ngày được gặp lại người Thủ trưởng cũ của bố anh. Ông Nguyễn Công Nội bây giờ dù đã ngoài 80, sức khỏe không còn tốt nhưng ông vẫn rất minh mẫn để kể lại những tháng ngày chiến đấu ác liệt tại mặt trận Lạng Sơn. Ông đã tái khẳng định với những người có mặt tại cuộc hội ngộ đầy nước mắt này: anh Trần Huy Cung là người lính của đơn vị ông, là người trong tấm ảnh nổi tiếng ấy.

Tại trụ sở tòa soạn báo VTC News ở Hà Nội, các nhân chứng và khách mời đã có hai đề xuất: Thứ nhất, đề nghị với các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông, bảo tàng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi đăng hay trưng bày tấm ảnh này trên sách báo, trong bảo tàng cần có chú thích rõ người trong bức ảnh. Thứ hai, đề nghị bằng văn bản với các cơ quan chức năng của Nhà nước, Quân đội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội làm quy trình tôn vinh, khen thưởng với ông Trần Huy Cung. Có lẽ, đây chính là một kết thúc có hậu cho một hành trình đầy vất vả và gian nan đi tìm người trong tấm ảnh nổi tiếng của lãnh đạo, phóng viên báo VTC News.

Điều mà chúng tôi mong đợi là sau khi có các văn bản đề nghị của báo chí, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền thì việc làm đầu tiên với ông Cung là Hội cựu chiến binh phường Tân Phước, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải ghi nhận, chứng nhận ông Trần Huy Cung là một cựu chiến binh khi ông đã từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Một việc nên làm và làm ngay với ông Trần Huy Cung - dù đã rất muộn màng. Cần phải sòng phẳng với lịch sử, cần tường minh với một tấm ảnh lịch sử đã đồng hành cùng dân tộc suốt 40 năm qua.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự mất mát hay thất lạc về hồ sơ, giấy tờ của những người lính không còn là chuyện lạ. Khi mọi thông tin được tìm kiếm, rõ ràng và xác định thì việc trả lại sự thật cho lịch sử là một việc làm cần thiết. Đó chính là việc làm thiết thực nhất, nhân văn nhất, ý nghĩa nhất của các cấp chính quyền trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam hằng năm.

Trần Trung Hiếu

Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An

Tin khác

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo
Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

(CLO) Ngày 23/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu 'Hành trình chinh phục bầu trời'

Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu "Hành trình chinh phục bầu trời"

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Hành trình chinh phục bầu trời”. Chương trình nhằm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày truyền thống của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (1/5/1959 - 1/5/2024).

Nghề báo