Hành trình đưa “gớm xấu” Bát Tràng đến với giới trẻ của chàng trai Gen Z
(CLO) - Giữa lúc kinh doanh gốm sứ truyền thống gặp nhiều khó khăn, chàng trai Gen Z Tuấn Long đã tìm thấy hướng đi bất ngờ với những sản phẩm “Gớm xấu” độc đáo. Không qua đào tạo bài bản, những tác phẩm thô sơ nhưng đầy cá tính này lại nhanh chóng chinh phục giới trẻ và trở thành một hiện tượng mạng xã hội.

Từ con số 0 đến hành trình với Gốm
Anh Vũ Tuấn Long (27 tuổi), sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm hàng chục năm ở Bát Tràng nhưng không phải là một người được đào tạo bài bản về gốm sứ. Thời điểm khó khăn trong công việc kinh doanh quần áo, anh đã quay về với bán gốm sứ truyền thống, tuy nhiên mọi thứ không quá thuận lợi vì anh chưa có nhiều kiến thức về mặt hàng này. Trong lúc rảnh rỗi, anh vô tình nặn một sản phẩm gốm đơn giản chỉ với mục đích để quay video.
Thế nhưng, khi video về sản phẩm được đăng tải trên mạng xã hội, lại bất ngờ “viral” và nhận được sự yêu thích của công chúng. Ban đầu, anh Long chỉ nghĩ đơn giản là do sản phẩm của mình mới lạ nên được mọi người yêu thích.
Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến anh và yêu cầu làm những sản phẩm theo phong cách tương tự và bày tỏ mong muốn được mua. Chính phản ứng tích cực từ công chúng đã khiến anh có suy nghĩ nghiêm túc hơn về hướng đi mới này và phát triển nó thành một thương hiệu như hiện tại.
Ban đầu, gia đình anh không mấy để tâm đến những sản phẩm bé nhỏ và có phần xấu xí này, đặc biệt khi nhà anh chuyên làm bình hoa, lục bình to với sự tỉ mỉ. Ở một làng nghề truyền thống với yêu cầu cao về sản phẩm gốm cần đẹp và chuẩn chỉ thì những sản phẩm của anh Long chưa được mọi người đánh giá cao.
Mặc dù vậy, khi sản phẩm đầu tiên được nung thành hình và đặc biệt là khi chúng viral trên mạng xã hội, được hỏi mua rất nhiều, thậm chí có người sẵn sàng trả giá cao dù sản phẩm xấu, thì gia đình anh bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc hơn về hướng đi mới này.
Khi sáng tạo vượt khỏi khuôn mẫu gốm truyền thống
Theo anh Long, gốm truyền thống đòi hỏi người thợ cần có kỹ thuật cao và sự khéo léo mà anh thì không phải là người khéo tay. Thế nên, “Gớm xấu” là một hướng đi phù hợp hơn bởi không đòi hỏi kỹ năng cao siêu nhưng lại cần ý tưởng độc đáo và cá tính rõ ràng. Phong cách của anh bị ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa truyện tranh Nhật Bản nên anh mong muốn sản phẩm của mình thể hiện được cá tính đó.
Hướng đi này cho phép anh phát huy tối đa sự sáng tạo và nguồn cảm hứng của mình. Khi được hỏi lý do tại sao lựa chọn cái tên “Gớm xấu” anh Long hào hứng chia sẻ: “Thay vì đặt tên là gốm, tôi đặt là gớm. Cái tên này thể hiện được cá tính của tôi và tất cả những gì thuộc về tôi, chỉ cần nhắc đến gớm là mọi người sẽ nhận ra ngay.”

Quy trình tạo ra sản phẩm của anh Long vẫn tuân theo các bước truyền thống. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở khâu ý tưởng và thực hiện. Trong khi những sản phẩm thông thường có ảnh mẫu để làm theo thì anh Long lại hoàn toàn nghĩ gì làm nấy và dựa vào sự sáng tạo của bản thân.
Đối tượng khách hàng chính của anh Long chủ yếu là các bạn trẻ trong khoảng từ 12 đến 27 tuổi. Tuy nhiên, anh cũng có những khách hàng lớn tuổi hơn đặt mua các sản phẩm độc đáo.
Chấp nhận cái xấu để tìm ra bản sắc riêng
Anh Long thừa nhận rằng ngay từ những ngày đầu cho đến hiện tại, anh đã nhận về không ít lời chê bai và phản hồi tiêu cực, chủ yếu đến từ hai phía: cộng đồng làm gốm (bao gồm cả làng Bát Tràng lẫn những người thợ gốm truyền thống) và mạng xã hội. Trong giới làm gốm, có người đón nhận sự mới lạ mà anh mang đến, nhưng cũng có không ít người phản đối, cho rằng sản phẩm “xấu” như vậy thì sao lại được yêu thích, và hoài nghi rằng hướng đi này chỉ mang tính nhất thời, khó có thể tồn tại lâu dài.
Bản thân anh Long cũng hiểu điều đó, bởi gốm sứ truyền thống vốn gắn liền với sự tỉ mỉ, tinh xảo và giá trị nghệ thuật hàng ngàn năm, trong khi phong cách anh theo đuổi lại có phần khác biệt.
Còn trên mạng xã hội, ban đầu anh cũng nhận về nhiều bình luận tiêu cực, thậm chí có người còn cho rằng sản phẩm của anh là nhố nhăng. Tuy nhiên, sau một thời gian trăn trở, anh chấp nhận sự thật rằng sản phẩm của mình xấu thật và không thể chối cãi, nhưng chính điều đó lại tạo nên nét riêng cho anh. Anh cho hay: “Thậm chí bây giờ có người khen đẹp, tôi lại thấy không quen. Nhiều lúc, khách nhận hàng rồi bảo xấu thế, tôi còn thấy vui nữa.”
Từ “dị biệt” đến khác biệt: Hành trình đưa “Gớm xấu” đến gần giới trẻ
Anh Long tin rằng thị trường hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội cho những sản phẩm phá cách, vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống về cái đẹp. Anh nhận thấy thế hệ trẻ ngày càng có tư duy hiện đại, cởi mở hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm độc đáo, thậm chí đôi khi “ngược hẳn so với số đông”.
Theo anh, gốm truyền thống vốn cần người chơi có kiến thức nhất định về phong thủy và thường phù hợp với nhóm khách hàng lớn tuổi. Trong khi đó, sản phẩm của anh lại hướng đến sự gần gũi, cá nhân hóa và dễ sử dụng hơn. Việc có thể tạo ra những món đồ “độc bản” mang nét riêng, từ dễ thương đến “dị biệt”, chính là cách anh kết nối với khách hàng trẻ và đáp ứng nhu cầu thể hiện cá tính của họ.
Trong tương lai, anh Long mong muốn đưa “Gớm xấu” bước ra khỏi phạm vi mạng xã hội để tiếp cận công chúng một cách rộng rãi và bền vững hơn. Chàng thanh niên này cũng đang lên kế hoạch hợp tác với các cửa hàng lưu niệm để phân phối sản phẩm theo hình thức bán sỉ, nhằm thương mại hóa dòng sản phẩm độc đáo này. Với anh, mục tiêu không chỉ nằm ở lợi nhuận, mà còn là hành trình bình thường hóa những món đồ gốm dị biệt trong mắt người tiêu dùng, để cái lạ, cái xấu không còn bị xem là lệch chuẩn mà trở thành một lựa chọn tự nhiên của giới trẻ.
Đồng thời, anh Long cũng muốn gửi đến những người trẻ đang loay hoay giữa việc kiếm tiền và theo đuổi đam mê là: đừng vì “cơm áo gạo tiền” mà từ bỏ lý tưởng. Anh từng nghĩ cá tính và đam mê của mình không thể tạo ra thu nhập, nhưng vẫn khuyên mọi người nên cân bằng, vừa làm việc để sống, vừa nuôi dưỡng đam mê. Anh nhấn mạnh: “Nhỡ đâu một ngày, điều tưởng chừng vô lý đó lại trở thành một nguồn thu chính và giúp bạn không nản lòng trong cuộc sống thì sao”.