Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2020):

Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân - bây giờ tôi xin kể tiếp!

Thứ hai, 08/06/2020 15:19 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vũ Thành - em trai liệt sỹ Vũ Xuân và Phó Giám đốc Nhà xuất bản QĐND, đại tá Hoàng Sáu cho mời tôi đến Nhà xuất bản trao đổi, bảo rằng: Cuốn nhật ký Vũ Xuân xuất bản và phục vụ bạn đọc đã tròn 15 năm.

Có bao nhiêu sự kiện, dấu ấn sau khi cuốn nhật ký ra đời, đặc biệt là các bài báo và nội dung bộ phim ký sự tài liệu 10 tập “Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân”, nay tái bản, bổ xung nhân 46 năm ngày anh Xuân hy sinh 13-5-2020. Tôi thấy mừng quá đỗi… Với tôi, đây là dịp may để tự mình nhắc nhớ mình, nhất là những gì chưa kể...

Tôi thấy với trách nhiệm của một công dân, một nhà báo, nên kể tiếp hoặc nói kỹ hơn những gì mình biết xung quanh câu chuyện về liệt sỹ Vũ Xuân và cuốn nhật ký chiến tranh anh để lại, cả hành trình 10 năm đồng đội, người thân, các nhà báo bền bỉ đi tìm danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh Xuân...

Những năm 2005 trở về đây, độc giả, khán thính giả được biết tới một cuốn nhật ký chiến tranh thật đặc sắc mà người viết nó là một cán bộ quân đội từng trải - Vũ Xuân, Chính trị viên tiểu đoàn 2311 thuộc Đoàn 6 pháo binh Quân giải phóng miền Nam. Cuốn nhật ký được Nhà xuất bản QĐND, biên tập, in thành sách và phát hành sau nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm nhưng do là nhật ký của một sỹ quan chính trị nên cuốn hút bởi tính tư tưởng, chính trị và hoài bão của tuổi trẻ cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc - giai đoạn đánh và thắng Mỹ. Cuốn nhật ký và tác giả của nó còn làm thổn thức và lay động tình cảm của nhiều người khi được anh em làm báo ở tỉnh Thái Nguyên, quê hương Vũ Xuân kể lại bằng hàng loạt các bài báo và bộ phim tài liệu khởi đầu 8 tập, theo sát hành trình 11 năm hành quân và chiến đấu mà cuốn nhật ký đã lưu bút, cũng đồng thời qua đây kể lại những năm tháng gian khổ, hy sinh lớn lao mà vô cùng anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, các đài địa phương đã phát nhiều lần bộ phim này.

Phim kể lại rằng: Ngày 3/7/1963, từ mái Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) quê hương, chàng trai Vũ Xuân cùng bạn học lên đường nhập ngũ, để lại tất cả kỷ niệm tuổi thơ nhọc nhằn, hoài bão và cả những rung động đầu đời lên đường đi đánh Mỹ. Anh và thế hệ các anh lên đường với mục đích cao cả, Vũ Xuân viết trong nhật ký: "Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình,của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này...”. Cho đến ngày hy sinh (13/5/1974), đằng đẵng 11 năm trời, Vũ Xuân có 3 lần hành quân bằng đôi chân trần, chiến đấu trên đất nước Việt Nam, nước bạn Lào và Campuchia : Từ Thái Nguyên - Sơn Tây - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - vượt Trường Sơn – Sa pa na khẹt, Hủa Phăn (Lào); StungTreng - Carachie - Công Pông Chàm - Công Pông Chnăng - Căm Pốt - Tà Keo (Cam phu Chia); Hà Tiên -  U Minh thượng – U Minh hạ - Cà Mau, Gò Quao (Việt Nam)... Nhật ký để lại những trang viết, những câu nói đầy xúc động, như là phương châm sống cho các thế hệ người Việt Nam “Tôi muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Phim kể lại những chặng đường hành quân chiến đấu và hy sinh của thế hệ các anh bằng từng tập, lôi cuốn, hấp dẫn người xem: Tập 1 - Năm 1963; tập 2 - Tiền tuyến gọi; tập 3 - Miền đất lửa; tập 4 - Phía Tây Trường Sơn; tập 5 - Trên đất nước Ăng-Co; tập 6 - Sông nước Cửu Long, nơi anh ngã xuống; tập 7 - Nghĩa tình người ở lại ; tập 8 - Quê hương nghĩa nặng tình sâu… Cuốn nhật ký, các bài báo và bộ phim đã tạo hiệu ứng rất mạnh trong đời sống xã hội. Hàng chục cuộc hội thảo, tổ chức Quỹ học bổng mang tên Vũ Xuân; In hàng nghìn bộ đĩa phim phục vụ học ngoại khóa của các trường học… Cũng từ các hoạt động ấy, mọi người đặt ra những câu hỏi mới, vừa có lý, vừa có tình. Tôi - người cùng với các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức tuyên truyền cuốn nhật ký và trực tiếp từ năm 2006 đi lại cuộc hành trình Vũ Xuân đã đi để làm 8 tập phim tài liệu, được hỏi nhiều. Rằng vì sao chính trị viên tiểu đoàn 2311 Vũ Xuân chiến đấu anh dũng, hy sinh lẫm liệt như vậy mà chưa là Anh hùng? Qua phim thấy vai trò của đồng đội anh Xuân, là anh Đỗ Hà Thái mà hình ảnh, việc làm còn đó, đã có tổ chức nào ghi nhận chưa? Có đúng là địa phương, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên lúc đầu đã chưa giúp đỡ để việc đưa hài cốt anh Xuân về quê được chu tất? Trái tim còn nguyên vẹn sau 6 năm? Một số tình tiết như chuyến bay TU104 từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội?...

Nhật ký Vũ Xuân tái bản bổ sung tháng 4.2020.

Nhật ký Vũ Xuân tái bản bổ sung tháng 4.2020.

Anh tên là Vũ Văn Xuân, Vũ Xuân hay còn gọi là Tư Xuân, Huế Xuân - cách gọi thân mật của đồng bào đồng bằng sông Cửu Long.Vũ Xuân sinh ngày 24/6/1946 tại Tiểu khu Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tuổi thơ nhọc nhằn, lam lũ và nghèo khó. Học hết lớp cuối cấp 3, ngày 3/7/1963, Vũ Xuân lên đường nhập ngũ. Gần 11 năm đằng đẵng, Vũ Xuân với đôi chân trần 3 lần hành quân vào chiến trường đi gần 10.000 cây số. Những miền đất anh qua, những con người anh gặp; Những trải nghiệm trên đất bạn Lào, Campuchia; Những trận chiến khốc liệt, nỗi nhớ quê hương,người thân; Những suy nghĩ về cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả dân tộc; Triết lý về lý tưởng sống của thanh niên vv… anh ghi chép đều đặn vào nhật ký… Cuốn nhật ký luôn nằm trong ba lô cho đến ngày anh hy sinh tại Đồn Kênh 2 huỵên Gò Quao tỉnh Kiên Giang - ngày 13/5/1974. Theo nhật ký, Vũ Xuân ghi: "Nam tiến lần thứ 3 này chặng đường sẽ rất gian truân”, “Đời anh lính không có gian khổ nào giống gian khổ nào thật". Lần mò trong rừng đêm gần 3 tiếng đồng hồ, dừng nghỉ thì không an toàn, mà đi thì vai đeo ba lô 30kg leo đèo, lội suối, lần rừng đêm… Chiến trường T3 (mật danh vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ ). Những đêm trăng Đồng Tháp Mười, mắc võng giữa rừng tràm, xa quê, nhớ mẹ… Những mùa mưa dai dẳng mấy tháng trơì vùng U Minh Thượng, chịu vây ráp, đói khát dễ hơn là chịu nỗi nhớ quê, nhớ mẹ. Họ hẹn với nhau rằng khi không được trở về bằng người trần mắt thịt hãy giúp nhau yên nghỉ bên mẹ, bên quê… Thế rồi… Đồn Kênh 2 thuộc xã Vĩnh Thắng huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang ở vào vị trí rất trống trải lại sát bờ kênh nên quân ta khó tiếp cận. Cấp trên biết rõ khó khăn này song vẫn hạ quyết tâm phải nhổ bằng được để mở thông con đường tiếp tế trên sông của ta tại ngã ba Di Hạng. Đêm đó anh Xuân cùng tiểu đoàn trưởng Đinh Huy Tỵ chỉ huy cùng bộ đội vượt kênh ém sát đồn. Anh Tỵ sau này kể lại với tôi: "Yếu tố bất ngờ không còn, chúng tôi vượt kênh vô cùng khó khăn, chúng tôi đã phải bắn tới 20 quả đạn cối 120 ly mà chưa tiêu diệt được đồn giặc. Tang tảng sáng, chúng tôi nổ súng tiêu diệt 2 lô cốt, lô cốt cuối cùng vẫn ngoan cố chống cự. Đây có thể nói là trận đánh khó khăn, ác liệt và cực kỳ anh dũng nhưng cũng tổn thất nhiều của đơn vị. Căm thù dồn nén vì nhiều đồng đội hy sinh, anh Xuân vùng dạy ôm B40 bắn liên tục 4 quả vào lô cốt địch, rồi lại dùng AK bắn tiếp. Một loạt đạn từ lô cốt, anh Xuân ngã xuống, hôm đó là ngày 13/5/1974…" Nhật ký của anh Xuân có nhiều câu linh cảm… Trước đó anh đã viết “Con thương mẹ nhiều lắm mẹ của con ơi! Mẹ mong,mẹ chờ thằng con trai của mẹ trở về. Bố ơi! chắc bố cũng nghĩ rằng, nếu chết con sẽ chết cho lẫm liệt phải không bố”...

                                                           ***

Tôi xin kể tiếp: Nghĩ lại, tôi thấy mọi sự đều như có cơ duyên, riêng việc này, với tôi, như là một thứ nợ nghiệp, nợ nghề. Chuyện thế này: Năm 1983, tôi từ TTXVN chuyển về làm phóng viên tờ báo Đảng bộ tỉnh. Gần nhà có bác Nguyễn Vũ, bộ đội chuyển ngành về Trường đại học Y Việt Bắc. Một hôm bác Vũ bảo tôi: "Nhà báo phải viết ngay, họ (Lãnh đạo Phường) xử thế tệ quá. Một sỹ quan quân đội hy sinh tại chiến trường, vì nghĩa tình, đồng đội (anh Đỗ Hà Thái) chuyển hài cốt về quê mẹ . Chính quyền cứng nhắc,hành chính, hoạnh họe đủ kiểu, mãi  nửa tháng sau mới chịu đồng ý đưa vào nghĩa trang liệt sỹ… Tội nghiệp liệt sỹ quá. Cựu chiến binh rồi nhân dân tiểu khu đấu tranh mãi mới được". Tôi lãng đãng nghe, rồi câu chuyên cư xử cứng nhắc, máy móc, vô tâm của chính quyền phường cũng quên đi lúc nào… Năm 1998, (lúc này là Phó TBT báo Thái Nguyên), tôi đưa anh em cơ quan vào họp tại Cần Thơ, trong bữa ăn tối tại Ninh Kiều, mấy sỹ quan Quân khu 9 nghe đoàn báo Thái Nguyên, tới mời rượu, một đồng chí tên Thắng nói: Thái Nguyên có Liệt sỹ Vũ Xuân, hy sinh anh dũng lắm. Anh lại có bạn chiến đấu một mình đưa hài cốt về quê. Tôi cảm ơn anh Thắng. Nói anh em đây là đề tài báo chí hay… Rồi một lần nữa lại trôi theo thời gian... Cho đến một sáng tháng 5 của năm 2006, một người bạn trao cho tôi cuốn Nhật ký Vũ Xuân do Nhà Xuất bản QĐND vừa in… Đọc xong lời giới thiệu, tôi thốt lên, nợ nghề nghiệp là đây!

Ngày 29/4/2015, liệt sỹ Vũ Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVND. Gia đình, đồng đội về nơi anh hy sinh thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ.

Ngày 29/4/2015, liệt sỹ Vũ Xuân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVND. Gia đình, đồng đội về nơi anh hy sinh thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ.

Và rồi như mọi người đã biết rất nhiều hoạt động truyền thông, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Quỹ học bổng Vũ Xuân... Chúng tôi được giải báo chí quốc gia cho loạt bài tuyên truyền về cuốn nhật ký. Riêng với tôi, sự hy sinh lẫm liệt của anh Xuân, thành tích to lớn của Đoàn 6 pháo binh và tiểu đoàn 2311, ý kiến ghi nhận công lao của Tư lệnh Quân khu 9 - Trung tướng Trần Phi Hổ, và nhiều người đều có chung suy nghĩ: Sao Đoàn pháo binh, sao Vũ Xuân lại chưa được phong tặng Anh hùng? Anh Đỗ Hà Thái thì bảo: Vậy là chúng ta còn phải đi. Còn tôi - tác giả chính của bộ phim thì cho rằng phim còn phải tiếp vài tập… Anh Thái quê gốc Bắc Giang, vợ con ở Hậu Giang, sống ở Cần Thơ ra vào liên tục, lúc tìm đồng đội, xin tư liệu, chữ ký, lúc tham dự hội thảo, tọa đàm… Còn tôi cũng tới 3 lần đi gặp anh Phan Tiếp Yến đại đội trưởng đại đội 3 (lúc đó anh Xuân là chính trị viên đại đội) ở Rạch Giá, Gặp anh Tỵ ở Ninh Bình, anh Thịnh ở Thanh Hóa, tướng nghỉ hưu Tư Niên ở Trà Nóc (Cần Thơ); Làm việc với các anh Phạm Ngọc Soa, Phạm Xuân Thọ, Trịnh Văn Khắp ở Đoàn 6 pháo binh, các cơ quan của Quân khu để có thêm tiếng nói… Khi khai thác tư liệu tại Đoàn 6 pháo binh, chúng tôi choáng ngợp: Thành lập năm 1963, tính đến ngày giải phóng 1975, đơn vị đã đánh 3791 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt 23.959 tên địch (trong đó có 922 tên Mỹ), bắn rơi 1796 máy bay, phá hủy 319 khẩu pháo… Vậy mà cho đến thời điểm ấy chỉ có đồng chí Phan Công Nam (Từ đơn vị khác chuyển về là Anh hùng LLVT)...

Ngày 29/4/2015, tôi và anh Đỗ Hà Thái đều được Đoàn 6 pháo binh mời về TP. Long Xuyên tỉnh An Giang dự lễ Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho liệt sỹ Vũ Xuân… Vậy là sau 41 năm, sau gần 10 năm cuốn nhật ký được công bố và hành trình tiếp theo của đồng đội, niềm vui đã đến khá trọn vẹn. Anh Đỗ Hà Thái chuyển lại cho gia đình những kỷ vật cuối cùng của anh Xuân. Riêng tôi hiểu đến lúc này anh đã thực hiện trọn vẹn lời thề thứ 7 – lời thề đồng đội… Ngồi dưới khán đài nhìn lên, tôi bắt gặp nụ cười mãn nguyện của anh, trào nước mắt khi thấy anh gầy nhiều sau những ngày đi lại vất vả… Gặp lại vị tướng già Trần Văn Niên (Tư Niên) – một chỉ huy can trường thời chống Mỹ, tôi đem trăn trở của tôi và nhiêù người để hỏi ông… Mắt vị tướng già ngấn lệ - Chúng tôi luôn trong bưng biền, động viên nhau chiến đấu giỏi mà không mảy may nghĩ tới tôn vinh cho anh em, cho đơn vị. Thoáng nhìn chiếc máy quay phim, ông nói tiếp: Tôi đã coi phim Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân rồi, cảm động lắm.Mọi người cũng biết về Đoàn 6. Chúng tôi thật hạnh phúc. Và sau khi chúng tôi dự Lễ kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước vào sáng 30/4/1975 tại TP. Hồ Chí Minh về, 2 tập tiếp theo của bộ phim của chúng tôi cũng hoàn thành trong niềm vui khôn tả…

Câu chuyện là thế. Có gì kể được tôi đã kể. Còn những câu chuyện ly kỳ như Trái tim của anh Xuân sau 6 năm nằm trong sông nước Cửu Long khi cất bốc còn ấm nóng; chuyến bay TU104 từ Tân Sơn Nhất ra Hà Nội có bí mật mang theo ba lô hài cốt anh Xuân không thể hạ cánh mà phài bay trở về theo hành trình các anh đã vô… Xin được kể kỹ vào dịp khác. Còn chuyện cư xử ở phường, suy cho cùng cũng chỉ là việc chấp hành chính sách cứng nhắc, qua đi. Có điều, tiện dịp, xin có đôi lời về những đồng nghiệp yêu quý của tôi… Nhật ký Vũ Xuân đã truyền cảm hứng và duyên nghề cho họ. Từ những cây viết thông tấn thường ngày, khi viết lời bình, họ bỗng đưa ra những câu văn sắc sảo, triết lý sâu lắng. Nguyễn Minh Hằng được phân công viết lời bình tập 1 và 5 nghe lời văn đến thuộc không chán. Nguyễn Ngọc Sơn sinh ra sau 1975, vậy mà viết lời bình tập 3 mô tả trận chiến Quảng Trị như đã từng ở đó. Thúy Hằng, Liêu Chiến, Vũ Liêu, trong các tập 2,4,8… lời văn mặn mà, xúc cảm. Những phóng viên báo Đảng cầm máy quay: Thế Hà, Hoành Hưng, Anh Tuấn cũng có tư duy mạch lạc của báo hình. Lệ Hằng, Thu Hương, Quốc Cường (Đài PTTH) trong thể hiện tập 9, 10 hòa đồng đến mức người xem không thể phân biệt khoảng cách ngót 10 năm… Rồi Ngô Thu Hường và các tác giả đoạt giải quốc gia năm ấy tình nguyện tặng tiền giải cho Quỹ khuyến học Vũ Xuân…

Cố nghệ sỹ ưu tú, nhà báo Trần Đức thể hiện xuất sắc lời bình và chính ông đã giới thiệu để VTV1, phát song bộ phim tới 7 lần. Chúng tôi thành kính tri ân đóng góp của ông.

                                                                                  HM

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo