Giáo dục

Hào quang trở lại với nghề giáo, hết thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”

Văn Hiền 24/07/2025 13:00

(NB&CL) Mùa tuyển sinh đại học 2025 đang chứng kiến cuộc bứt phá ngoạn mục, đưa ngành Sư phạm (SP) trở lại vị thế vốn có. Tâm điểm của sự chuyển mình lịch sử này chính là Luật Nhà giáo, cú hích chính sách được chờ đợi suốt nhiều năm, thắp sáng niềm tin và định hình chân dung người thầy trong kỷ nguyên mới.

Sự “hồi sinh” của ngành sư phạm được minh chứng bằng những con số ấn tượng. Tại miền Bắc, Trường ĐHSP Hà Nội thu hút gần 17.500 nguyện vọng đăng ký nguyện vọng xét tuyển, tăng vọt gần 6.000 so với năm 2024, kỳ thi được tổ chức tại 4 địa phương: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định; 26 trường đại học khác sử dụng để xét tuyển từ kỳ thi. Còn ở phía Nam, Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh xác lập kỷ lục với hơn 19.000 lượt thí sinh dự thi trong 3 đợt đánh giá năng lực, gấp đôi so với năm trước. Không khí sôi động cũng lan tỏa tới Trường ĐHSP Hà Nội 2 khi lần đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng.

2.jpg
Luật Nhà giáo được coi là cú hích chính sách cho ngành sư phạm.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) gọi năm 2025 là “năm bản lề” của ngành sư phạm. Theo ông, Luật Nhà giáo vừa được Quốc hội thông qua là một tín hiệu tích cực, góp phần quan trọng vào việc phục hồi niềm tin xã hội với nghề dạy học.

“Luật mới không chỉ xác lập rõ ràng vị thế, quyền và trách nhiệm của nhà giáo mà còn vạch ra lộ trình nghề nghiệp, chính sách lương, cơ chế ưu đãi xứng đáng. Đây chính là “điểm tựa” vững chắc cho các thầy cô yên tâm cống hiến”, ông Nam nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo kỳ vọng chỉ thành hiện thực nếu việc triển khai luật đi vào thực chất. Trong ngắn hạn, có thể xuất hiện hiệu ứng tăng điểm chuẩn do tâm lý kỳ vọng. Muốn nghề giáo thực sự “tăng hạng” và bền vững, chúng ta cần một hệ sinh thái đào tạo, hành nghề và phát triển nghề nghiệp mang tính chiến lược và dài hạn.

Ông Nam đề xuất cụ thể hóa chính sách lương, bảo vệ nhà giáo qua các nghị định, thông tư chi tiết; đổi mới toàn diện hệ sinh thái đào tạo sư phạm, tạo ra thế hệ “người thầy mới” phù hợp với thời đại số và quan trọng nhất, thay đổi cách xã hội nhìn nhận về nghề giáo thông qua truyền thông mạnh mẽ, các chương trình vinh danh xứng đáng và phát triển cộng đồng học thuật vững mạnh cho nhà giáo. Tư duy giáo dục hiện đại đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn phải là người dẫn dắt hành trình học tập, khơi dậy cảm hứng và đồng hành cùng học sinh.

Theo ông Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) tiên phong đổi mới đào tạo sư phạm theo hướng hiện đại, tích hợp các năng lực cốt lõi thế kỷ 21 như TPACK, SEL, tư duy sáng tạo và ứng dụng AI. Chương trình chú trọng trải nghiệm thực tế, cá thể hóa lộ trình học tập qua hệ thống đánh giá thích ứng và trợ giảng ảo do chính trường phát triển. Sinh viên được định hướng đa vai trò trong hệ sinh thái giáo dục – từ giảng dạy, thiết kế học liệu đến tư vấn và quản lý. Triết lý đào tạo hướng tới “Train the brain, touch the heart, and shape the future” - Đào tạo tri thức, cảm hóa trái tim, và kiến tạo tương lai học tập cho giáo sinh ngành sư phạm để trở thành những nhà giáo dục vì ngày mai.

Trong bối cảnh mới, ông Nam rất đồng tình rằng tuyển sinh ngành sư phạm cần thay đổi căn bản. Bởi điểm số dù quan trọng nhưng không bao giờ là đủ để phản ánh trọn vẹn phẩm chất và động lực thực sự của người làm nghề “trồng người”.

“Chúng ta cần một mô hình tuyển chọn đa chiều như ngành Y, ngành Tâm lý học ở các nước tiên tiến”, PGS.TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Ông gợi ý các phương pháp như phỏng vấn cá nhân để đánh giá nhận thức về nghề, kỹ năng mềm; yêu cầu bài luận/portfolio cá nhân để thể hiện trải nghiệm, giá trị sống và khả năng sáng tạo giáo dục và sử dụng các công cụ đánh giá năng lực tâm lý – xã hội (SEL), đánh giá nhân cách, tư duy phản biện, khả năng đồng cảm… để lựa chọn những ứng viên thực sự phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo tương lai.

Việc chọn đúng người vào nghề giáo không chỉ là sàng lọc, mà còn khẳng định: nghề dạy học cần những người “có tâm – có tầm – có tài”, yêu trẻ và giàu phẩm chất. Để giấc mơ nghề giáo vinh quang trở thành hiện thực, cần một hệ sinh thái đồng bộ: tuyển sinh tinh hoa, đào tạo hiện đại, đãi ngộ xứng đáng và phát triển nghề liên tục. Sự chuyển mình của các trường sư phạm hôm nay là tín hiệu tích cực, mở đường cho thế hệ nhà giáo biết truyền cảm hứng và kiến tạo tương lai.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hào quang trở lại với nghề giáo, hết thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO